Báo Đồng Nai điện tử
En

Biết kể chuyện bằng lời để tồn tại trong khúc quanh nghiệt ngã

07:10, 28/10/2017

Sau khi cuốn sách Trí khùng tự truyện ra đời, nhà văn Nguyễn Trí đã giao lưu và ký tặng sách với đông đảo bạn đọc tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.Hồ Chí Minh) vào ngày 21-10. Dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn hiện đang sống và làm việc tại Đồng Nai này.

Sau khi cuốn sách Trí khùng tự truyện ra đời, nhà văn Nguyễn Trí đã giao lưu và ký tặng sách với đông đảo bạn đọc tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.Hồ Chí Minh) vào ngày 21-10. Dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn hiện đang sống và làm việc tại Đồng Nai này.

Nhà văn Nguyễn Trí ký tặng sách cho độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình.
Nhà văn Nguyễn Trí ký tặng sách cho độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

 Xin chào nhà văn, trước hết chúc mừng ông với cuốn sách mới nhất Trí khùng tự truyện vừa ra mắt và được đông đảo bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Vì sao ông lại chọn cuốn sách thứ 10 của mình là một cuốn tự truyện?

- Tôi không chủ ý viết tự truyện. Ban đầu tôi viết một tiểu thuyết phóng sự có nhan đề Ba bánh đạp kiểu như Tôi kéo xe của Tam Lang Vũ Đình Chí. Chủ yếu xoay quanh chiếc xe ba bánh mà tôi đã sống nhờ nó suốt mấy năm ở TP.Hồ Chí Minh. Một bạn văn đọc xong và bảo nếu chỉ có vậy thì nghèo nàn lắm, nên mở rộng vốn đã sống. Anh lại nói hầu hết truyện của tôi đều là tự kể lại cái đã có trong đời, vậy cuốn này hãy lấy tên là tự truyện. Vậy là Trí khùng tự truyện ra đời.

 Những cuốn sách trước của ông, bản thân những câu chuyện trong ấy đã chứa đựng rất lớn yếu tố tự truyện. Đến lúc này ông thấy kinh nghiệm cuộc đời khi biến thành kinh nghiệm văn chương đã có tác động ngược trở lại với bản thân ông như thế nào?

- Những cái tôi trải qua trong đời, nhìn chung, rất nhiều bằng hữu đã đi qua. Tôi may mắn hơn bè bạn là biết kể chuyện bằng lời để tồn tại trong khúc quanh nghiệt ngã của cuộc sống (ở tù chẳng hạn).  Bây giờ đã có tuổi, tôi lại kể nó bằng chữ - ơn trời - tôi kể cũng được nên có người đọc. Tác dụng ngược trở lại với tôi là nụ cười đã thay cho nước mắt.

Trong buổi giao lưu ông có nói: “Văn chương cứu tôi trở lại làm người”. Ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc ý này?

- Sự khắc nghiệt của đời sống sau nhiều năm tăm tối đã khiến tôi trở nên lạnh lẽo và vô cảm. Trước khi cầm bút viết văn, tôi sống rất bản năng. Sẵn sàng xả láng khi cần thiết. Khi đụng vô văn chương rồi tôi mới đánh vần thật kỹ chữ Người. Vâng, không có văn chương tôi không biết đến chữ Nhân và Nhẫn nghĩa là gì.

 Là người xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam nhưng ông đã gặt được không ít giải thưởng. Từ giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đến gần đây nhất là Giải thưởng  Trịnh Hoài Đức của UBND tỉnh Đồng Nai, ông thấy giải thưởng có tác động nhiều đến động lực sáng tác của ông không?

- Với tôi giải thưởng có tác động rất lớn. Ngoại trừ trị giá về mặt hiện kim thì danh hiệu cũng giúp cho cuộc sống tinh thần của tôi khởi sắc hơn. 

 Trong  5 năm ra 10 đầu sách và vẫn chưa dừng lại ở con số này, nếu tự nhận xét ông nghĩ mình có phải là nhà văn sung sức và ổn định phong độ?

- Công việc viết văn làm cho tôi vui mỗi ngày. Còn có vốn thì còn viết. Sung sức và phong độ ổn định ư? Không có đâu. Có khi nguyên một tuần tôi không có lấy một ý trong đầu để phóng bút. Cũng có khi tôi viết một ngày xong một truyện ngắn. Đang viết tiểu thuyết chợt một ký ức hiện về, nó hình thành tức khắc một truyện ngắn và đòi ra hiện diện với đời. Tôi phải viết cho xong mới quay lại tiểu thuyết.  Tôi viết do ngẫu hứng là chính.

 Quê gốc Quảng Bình, sinh tại Bình Định nhưng hiện tại Đồng Nai mới là mảnh đất ông gắn bó, ông có muốn nói lời gì với đất và người nơi đây (dĩ nhiên là bằng văn chương)?

- Tôi đã sống ở Đồng Nai gần 40 năm. Đây là miền đất của địa linh nhân kiệt. Thời bao cấp gian khó, Đồng Nai là đất hứa của tha phương trong cả nước. Văn nhân đất này rất tài tuấn. Ngoài những cây bút lừng danh khắp nước như: Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng…, có một cây bút truyện ngắn mà tôi gọi là bậc thầy đó là cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ… Hiện nay một cây bút cũng bật lên sáng rực là Dương Đức Khánh… So với họ, tôi chỉ thuộc loại xoàng xoàng bậc trung…

Tôi yêu Đồng Nai như yêu Bình Định nơi tôi đã từ đó ra đời và nơi mà mồ mả cha, mẹ, anh tôi đang yên giấc….

Những cuốn sách đã xuất bản: Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Đồ tể; Thiên đường ảo vọng; Ảo sợ… và nhiều truyện ngắn: Ngụy; Ngoi lên từ đáy; Bay cao thì mặc bay cao; Tuổi thơ không có cánh diều.

Giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương; giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV.

 Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà văn, chúc ông sức khỏe và cho ra đời nhiều tác phẩm hay hơn nữa!

Lê Trọng Nhã Anh (thực hiện)

Tin xem nhiều