Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể dung túng nạn "đạo văn" trong bất kỳ trường hợp nào

07:10, 14/10/2017

Là học sinh giỏi văn toàn quốc thời phổ thông, được tuyển thẳng vào Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh rồi được tuyển thẳng vào cao học, được chọn làm nghiên cứu sinh và trở thành tiến sĩ ngữ văn vào năm 29 tuổi Hà Thanh Vân thời đó là một trong những nữ tiến sĩ ngữ văn trẻ nhất.

Là học sinh giỏi văn toàn quốc thời phổ thông, được tuyển thẳng vào Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh rồi được tuyển thẳng vào cao học, được chọn làm nghiên cứu sinh và trở thành tiến sĩ ngữ văn vào năm 29 tuổi, Hà Thanh Vân thời đó là một trong những nữ tiến sĩ ngữ văn trẻ nhất. TS.Hà Thanh Vân là đồng tác giả của khoảng 15 đầu sách đã xuất bản, đơn cử như: Văn hóa, văn học từ một góc nhìn (năm 2002), Thơ văn nữ Nam bộ thế kỷ XX (năm 2002), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (năm 2004), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại (2 tập, năm 2006), Nam bộ nhìn từ văn hóa, văn học và ngôn ngữ (năm 2011)...  và 2 đầu sách riêng, trong đó mới nhất là cuốn tản văn được yêu thích Đàn bà thì phù phiếm.

Rất nghiêm túc với công việc, được mời vào nhiều hội đồng bảo vệ luận văn cử nhân, thạc sĩ tại các trường đại học danh tiếng, TS.Hà Thanh Vân còn được mệnh danh là “nữ tiến sĩ diệt đạo văn”, chị nghiêm túc kêu gọi các hội đồng thi, hội đồng bảo vệ luận văn phải nghiêm khắc với nạn sao chép, vì với chị không thể chấp nhận những cuốn luận văn sao chép dù ít, dù nhiều.

* Muốn học trò thích văn, phải thay đổi từ trên xuống

 Dưới góc nhìn một nhà giáo, theo bà phải làm sao cho học trò bớt “sợ” học văn?

- Nếu bàn trên bình diện chung, thích hay sợ học văn phải bắt nguồn từ 2 yếu tố: giáo viên và chương trình học. Cả 2 điều này chúng ta đều đang vướng mắc. Theo quan sát của tôi, chương trình văn học trong trường phổ thông và những yêu cầu kèm theo về thi cử, học hành đã gần như triệt tiêu óc tưởng tượng và trí sáng tạo của học sinh. Làm sao có thể yêu thích việc học văn khi làm một bài văn cũng phải theo “phom” chuẩn? Còn về đào tạo giáo viên, cần thẳng thắn thừa nhận là đầu vào sư phạm văn hiện tại thấp, nhiều thầy cô còn chọn nghề giáo như một lối thoát về học phí, việc làm chứ không phải do yêu thích, say mê thì làm sao có thể giúp học trò yêu thích văn chương?

Bao lâu nay ngành giáo dục vẫn liên tục đổi mới, song dạy văn, học văn trong nhà trường vẫn là điều khiến nhiều người lo lắng, bàn cãi. Theo bà, cần thay đổi từ đâu?

- Tôi thích dùng từ “khai phóng” trong giáo dục, kể cả trong việc dạy và học văn. Văn chương mênh mông và phải để cho học sinh tự do cảm nhận, càng rèn vào các khuôn mẫu khô cứng, các em càng sợ học văn. Nói về thay đổi, tất yếu phải thay đổi từ trên xuống. Khi chương trình dạy phù hợp, tuyển chọn giáo viên kỹ lưỡng và tạo sự tự do trong học hành, truyền thụ thì tất nhiên lượng học sinh yêu thích văn học sẽ nhiều hơn, tất nhiên cũng không thể bắt mọi học sinh đều yêu thích văn chương, song ít nhất không “sợ” học văn. Tuy vậy, tôi biết nói thì dễ, làm thì khó.

Ngày xưa không dễ để tiếp cận một cuốn tiểu thuyết, một tác phẩm văn chương, nhưng hiện tại với sự bùng nổ xuất bản, dịch... thì các tác phẩm văn học trở nên quá phổ biến, nhưng đồng thời cũng do không được chọn lọc kỹ càng dẫn đến nhiều tác phẩm thiếu chất lượng. Nên vui hay buồn về điều này?

- Thật ra có một điều cần được nhắc lại, là văn chương sẽ thay đổi theo nhu cầu xã hội, cuộc sống, thay đổi theo nhu cầu công chúng từng thời kỳ. Các tác phẩm kinh điển luôn có giá trị vì đã được chứng minh qua hàng trăm năm, tuy nhiên những dạng văn chương mới như tản văn, du ký... về sau lại đáp ứng nhu cầu đọc nhanh, hiểu nhanh của công chúng, và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Việc xuất hiện cùng lúc những tác phẩm hay và dở thì thời nào cũng có, không riêng giai đoạn này. Chẳng qua hiện tại công tác xuất bản, quảng bá, kinh doanh sách văn học mở rộng, dễ dàng hơn, một tác giả trẻ cũng rất dễ dàng hợp tác để xuất bản sách với một nhà xuất bản và đưa cuốn sách của mình ra thị trường nên nhìn chung có cả “rau” lẫn “sâu”. Thời gian sẽ giúp gạn lọc những tác phẩm có chất lượng, còn việc chọn lấy những tác phẩm nào đáng đọc lại là chuyện của độc giả, và sâu xa hơn là chuyện của những người làm sách, quản lý sách.

Giới trẻ đọc sách ngôn tình quá nhiều. Suy nghĩ của bà về điều này?

- Tôi cũng không cho là quá đáng lo, nhu cầu độc giả thay đổi nhiều sau hàng chục năm mở cửa, đời sống kinh tế - xã hội thay đổi thì tất yếu những nhu cầu và đòi hỏi ở các lĩnh vực khác của cuộc sống cũng thay đổi. Tôi cũng hiểu vì sao hiện nay các nhà sách bày bán nhiều loại sách ngôn tình dễ dãi về nội dung và chất lượng, vì làm sao chỉ vài ba người ở các cơ quan kiểm duyệt có thể đọc và kiểm soát được nội dung hàng trăm bản thảo gửi đến mỗi ngày? Bên cạnh sách ngôn tình, vẫn có rất nhiều loại sách văn chương, tri thức có chất lượng và giới trẻ vẫn đọc chúng. Còn về sâu xa, khi có một nền tảng thẩm mỹ tốt, người đọc tất yếu biết cách chọn những cuốn chất lượng để đọc và tiếp thu. Do đó với hiện tượng bùng nổ sách ngôn tình, nếu muốn thay đổi thì phải làm từ gốc, từ việc giáo dục và trang bị một nền tảng thẩm mỹ tốt cho mỗi người.

Người người viết sách, nhà nhà viết tiểu thuyết. Có cần “học viết” một cách đàng hoàng, bài bản? Liệu làm nhà văn quá dễ dàng đến thế không?

- Nếu chỉ cần đặt bút là viết mà không phải qua bất kỳ trường lớp dạy viết nào, bạn phải đủ tài năng. Có nhiều nhà văn viết như một lẽ tự nhiên, song trong quá trình duy trì việc viết đó như một công việc suốt đời, họ vẫn không ngừng đọc và tự học. Còn lại, tôi nghĩ để viết sách nói chung cần có nền tảng ngôn ngữ, ngữ pháp và những hiểu biết cơ bản về việc xây dựng một tác phẩm. Ý tưởng có hay cách mấy mà đặt trong một bộ khung ngôn ngữ rườm rà và đầy sai sót về ngữ pháp thì cũng khó hấp dẫn. Tôi chưa bao giờ nghĩ việc viết là dễ dàng, trở thành một nhà văn đúng nghĩa thì lại càng khó, rất khó.

* Không chấp nhận “ăn cắp” trong luận văn

Bà là một trong những người “tuyên chiến” với nạn “đạo văn” dưới nhiều hình thức. “Cuộc chiến” đó có quá khó khăn không? Thái độ của xã hội và đồng nghiệp của bà ra sao?

- May mắn là hiện các đồng nghiệp của tôi cũng đã có sự nhìn nhận nghiêm túc hơn về nạn sao chép, đạo văn. Gần đây các luận văn đã có điểm 5, điểm 6, thậm chí bị đánh rớt nếu chất lượng quá kém hoặc bị phát hiện đạo văn. Thú thật khi bạn đã có quá trình dài nghiên cứu và giảng dạy thì một luận văn sao chép dù ít hay nhiều cũng khó qua mắt được bạn, vấn đề là ứng xử ra sao. Tôi nhiều lần đấu tranh để... đánh rớt các luận văn cử nhân hoặc thạc sĩ có sự sao chép - điều mà lâu nay rất ít xảy ra. Tôi nghĩ, thà loại bỏ và đánh rớt còn hơn chấp nhận một luận văn sao chép, nhất là khi người sao chép lại là người đang bảo vệ các học vị cao.

Mặc dù vậy, sự thay đổi nào cũng cần một quá trình và cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Chúng tôi rất muốn có một hệ thống cơ sở dữ liệu để đối chiếu, so sánh và phát hiện các luận văn hay công trình nghiên cứu có dấu hiện sao chép của người khác, song vì nhiều lý do vẫn chưa thể có, do vậy tất cả vẫn đang lệ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của những người chấm luận văn.

Sao chép văn chương và sản phẩm sáng tạo của người khác ở mức độ nào theo bà là chấp nhận được? Hay điều này hoàn toàn không thể chấp nhận? Nếu đó chỉ là tương đồng về mặt ý tưởng/ngôn từ thì có thể “châm chước”?

- Nói thật lòng thì ở những quốc gia nghiêm túc về giáo dục, thì ngay cả việc ý tưởng trùng lắp, họ cũng không chấp nhận nên không bàn đến việc giống 10% hay 90%. Khi các sinh viên nhận hoặc đề xuất một đề tài, họ phải tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung và chấp nhận bỏ đề tài đó khi đã có người làm. Về quan điểm cá nhân thì tôi không bao giờ muốn vị tình hay châm chước cho những bản luận văn sao chép dù ít hay nhiều. Đặc biệt, làm thế nào một giáo viên hay giảng viên đại học tương lai đủ tư cách đứng trên bục giảng khi ngay cả luận văn của mình cũng đi sao chép? Tuy nhiên, các hội đồng chấm thi không chỉ mình tôi và cuộc chiến chống đạo văn còn cần thêm thời gian, do đó đạt được bước tiến nào dù nhỏ cũng đã là tốt hơn rồi.

Một tiến sĩ văn chương trẻ, viết nhiều cuốn sách và bài nghiên cứu văn học thuộc diện hàn lâm, viết sách... dễ làm người ta hình dung một nữ giáo viên mô phạm, và rồi ngạc nhiên khi gặp bà. Đó có phải là cách bà dung hòa giữa 2 thái cực trong con người mình?

- Tôi vừa làm nghiên cứu, chuyên môn, vừa giảng dạy, viết sách và liên tục du lịch, liên tục di chuyển khi có dịp. Tôi muốn “sống” nhiều cuộc đời để thêm hiểu biết và trải nghiệm. Làm việc nghiêm túc và sống hết mình là điều tôi muốn hướng tới, thật may mắn khi có thể trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau trong một cuộc đời và với tôi, những “cuộc đời” đó bổ trợ cho nhau rất tốt, rất hài hòa.

 Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều