Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

07:11, 18/11/2017

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) Việt đã chú ý hơn đến việc phát triển bền vững. Đây là con đường nhanh nhất để DN Việt tiếp cận và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) Việt đã chú ý hơn đến việc phát triển bền vững. Đây là con đường nhanh nhất để DN Việt tiếp cận và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Theo ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, những DN phát triển theo tiêu chí bền vững sẽ tăng trưởng nhanh hơn và có thêm nhiều cơ hội hợp tác cung ứng cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Năm 2015 cả nước chỉ có khoảng 200 DN tham gia hội nghị đối thoại về phát triển bền vững với Liên hợp quốc, nhưng  đến năm 2016 đã tăng lên 1.500 DN. Điều này chứng tỏ các DN ngày một quan tâm đến việc phát triển bền vững. Trong hội nhập sâu, đây là một trong những yếu tố không thể thiếu đối với DN.

* Còn thiếu tầm nhìn

 Tuy đã khởi sắc so với trước nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá DN Việt Nam còn yếu ở cả khâu sản xuất lẫn kinh doanh. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- DN Việt Nam đa số là nhỏ, siêu nhỏ và theo tôi còn tương đối yếu trong cả lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Điểm yếu nhất của DN Việt là thiếu tầm nhìn dài hạn nên còn vi phạm rất nhiều về môi trường, sử dụng lao động, chất lượng hàng hóa, uy tín trong kinh doanh.

Những DN có tầm nhìn dài hạn thường cam kết và làm tốt những quy định của pháp luật về môi trường, lao động, tái cơ cấu DN để phát triển đáp ứng theo nhu cầu hội nhập. Do đó, những DN có tầm nhìn dài hạn tỷ lệ thành công cao hơn và từng bước phát triển lớn mạnh, mở rộng thị trường nội địa, xuất khẩu và dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho những tập đoàn đa quốc gia. Vì thế, doanh thu của các DN này tăng khá cao.

 DN có tầm nhìn dài hạn đều sản xuất theo hướng bền vững và đa số thành công. Ông có thể cho biết một vài DN đã thành công?

- Tôi đơn cử như Tập đoàn Bảo Việt, từ khi tham gia làm hội viên trong Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, tập đoàn này đã minh bạch các báo cáo về sản xuất theo hướng bền vững nên doanh thu liên tục tăng cao. Cụ thể, khi chưa tham gia hội đồng doanh thu của tập đoàn dưới 1 tỷ USD/năm, nhưng năm 2016 tăng lên trên 1 tỷ USD và năm 2017 dự kiến sẽ vượt qua con số 2 tỷ USD, và đến thời điểm này đã đạt 97% kế hoạch năm. Đây là một trong những DN có tư duy và kế hoạch sản xuất dài hạn phù hợp.

Ngoài ra, tôi khẳng định những DN thành công đều có kế hoạch sản xuất, kinh doanh bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ để từng bước khẳng định thương hiệu của mình ở thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

 Hiện nay DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được nhiều chưa?

Theo ông  Phạm  Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất. Do đó, các DN Việt phát triển bền vững sẽ dễ tiếp cận và trở thành nhà cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN nước ngoài. Các DN nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ DN Việt về công nghệ, kỹ thuật để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn và tham gia vào chuỗi sản phẩm.

- Các DN Việt Nam hiện đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khá nhiều, song chúng ta mới chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công. Vì vậy, các DN Việt ít bước được vào chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao. Cụ  thể ngành da giày, dệt may tạo ra nhiều công việc cho lao động trong nước và có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng giá trị thặng dư rất thấp nên lợi nhuận DN nhận về không bao nhiêu.

Tôi nghĩ, DN nên đặt ra mục tiêu phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có giá trị gia tăng cao để cố gắng. Muốn làm được điều này, DN nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến sâu, thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu, tránh xuất khẩu nguyên liệu thô và gia công mới thu được lợi nhuận cao.

 Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều DN Việt mới bắt đầu quan tâm và tham gia vào phát triển bền vững. Việc này liệu có quá chậm?

- Đúng là chậm so với yêu cầu khi Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu. Đáng lý vấn đề này DN phải chuẩn bị tốt từ trước để khi các hiệp định thương mại đa phương, song phương được ký kết có thể tiếp cận và tham gia ngay vào những chuỗi cung ứng toàn cầu có giá trị gia tăng cao. Nếu vậy DN sẽ tận dụng được nhiều ưu đãi từ các hiệp định Việt Nam đã ký kết để tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây DN Việt mới ý thức được điều này nhiều hơn nên đã tái cơ cấu lại để phát triển theo hướng bền vững. Điều này được thể hiện qua số lượng DN thành lập mới tăng, số DN giải thể đã giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Bên cạnh đó, DN Việt tham gia cung ứng sản phẩm cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia ngày một nhiều.

* Hướng đến mã số xanh

 Ông hay nhắc đến tăng trưởng xanh, DN Việt đã quan tâm nhiều đến vấn đề này chưa?

- Phát triển bền vững chính là sản xuất và tăng trưởng xanh. Thực ra, tăng trưởng xanh đã được Chính phủ đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2012, song những năm gần đây mới được các DN Việt quan tâm và thực hiện nhiều hơn. Tăng trưởng xanh nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh ứng dụng công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đây là xu hướng chung của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Những DN Việt sản xuất xanh dễ dàng tìm được cơ hội cung ứng sản phẩm cho những DN nước ngoài. Bởi xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải sạch, thân thiện với môi trường. Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam luôn khuyến khích DN có những sáng kiến xanh và sản xuất xanh để hướng đến sản phẩm sử dụng mã số xanh.

 Ông có thể cho biết thêm về mã số xanh?

- Theo đánh giá của tôi, mã số xanh cao hơn một bậc so những sản phẩm an toàn có mã vạch truy xuất được nguồn gốc hiện nay. Mã số xanh đem lại nhiều lợi thế hơn cho DN mà ít tốn kém. Hiện nay, các DN, trang trại, hợp tác xã tốn rất nhiều tiền để được công nhận sản phẩm đạt VietGAP, GlobalGAP, song đạt được những tiêu chuẩn trên chưa chắc khi xuất khẩu đã được thị trường các nước cùng tiếp nhận. Thế nhưng khi áp dụng mã số xanh lại khác, có thể giúp sản phẩm được các thị trường trên toàn cầu chấp nhận. Áp dụng mã số xanh, người mua hàng sẽ biết được sản phẩm sản xuất theo quy trình như thế nào và có thể so sánh với các tiêu chuẩn của VietGAP, GlobaGAP. Như vậy, DN và nông dân sẽ biết sản xuất như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng để xuất khẩu. Trong mã số xanh quản lý chi tiết hơn đến cả nguồn vật liệu đưa vào sản xuất. Ví dụ như người nông dân nuôi tôm có mã số xanh bên quản lý hoặc người tiêu dùng, khi kiểm tra mua sản phẩm sẽ biết được thức ăn nuôi tôm đó mua từ đâu, sản xuất như thế nào cho đến tận khâu đóng gói đưa ra thị trường.

 Khi nào sẽ đưa mã số xanh vào áp dụng rộng rãi?

- Đáng lý mã số xanh được đưa vào sử dụng từ năm 2017. Nhưng do phải xây dựng phần mềm phù hợp với công nghệ của Việt Nam nên khả năng năm 2018 sẽ đưa vào thực hiện rộng rãi. Hiện phần mềm này đang được thí nghiệm hoàn thiện để khi triển khai trên diện rộng sẽ thuận lợi hơn.

 Các DN có dễ dàng áp dụng mã số xanh? Chi phí của ứng dụng này đắt hay rẻ?

- Theo tôi, các DN rất dễ dàng sử dụng mã số xanh vì các chuyên gia trên lĩnh vực này đang nghiên cứu và hoàn thiện để làm sao đem lại thuận tiện nhất cho DN. Còn về chi phí thì hiện vẫn chưa có mức giá cụ thể, song Hội đồng sẽ hỗ trợ miễn phí cho các DN là thành viên.

Nhưng tôi có thể khẳng định được mức phí sẽ rất rẻ để khuyến khích các DN, hợp tác xã và người nông dân tham gia. Mục tiêu của việc xây dựng mã số xanh là nhằm hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh tốt hơn và dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có giá trị gia tăng cao.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiên)

Tin xem nhiều