Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên lấy vật chất làm thước đo thờ cúng tổ tiên

07:02, 26/02/2018

Lâu nay, sau Tết Nguyên đán thì tại một số nơi thờ tự thường đốt vàng mã, xem số, cúng sao giải hạn… Những người thực hiện điều này cho rằng hành động đó thuộc về văn hóa tâm linh. Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan và đốt vàng mã…

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng.
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng.

Lâu nay, sau Tết Nguyên đán thì tại một số nơi thờ tự thường đốt vàng mã, xem số, cúng sao giải hạn… Những người thực hiện điều này cho rằng hành động đó thuộc về văn hóa tâm linh. Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có văn bản đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan và đốt vàng mã…

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề trên, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng nhận định, việc đốt vàng mã, đồ mã, bói toán… là biểu hiện chưa đúng trong đời sống tâm linh. Tục lệ này gây lãng phí, ô nhiễm môi trường không nên duy trì.

 Thưa ông, thói quen của nhiều người khi đến các điểm thờ tự thường có những hành động vượt quá giới hạn của văn hóa tâm linh. Thực trạng này phải nhìn nhận như thế nào cho đúng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội?

- Việc cúng sao giải hạn, đốt đồ mã, vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc lưu truyền vào nước ta đã lâu. Sau này trở thành tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người dân. Theo quan niệm trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên “trần sao âm vậy” nên nhiều người tin đốt vàng mã, đồ mã cho người quá cố có thể sẽ đem lại điều gì đó tốt đẹp cho người cõi âm. Vì vậy, càng đốt nhiều đồ mã, vàng mã thì người trần mới hưởng được nhiều lộc và may mắn từ người quá cố.

Nghị định 158 158/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12-11-2013 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.

Tuy nhiên, đây là suy nghĩ lệch lạc khi lấy vật chất (giả) làm thước đo cho sự phù hộ của tổ tiên, thần linh. Hành động này khác gì “hối lộ” chứ không đơn thuần là báo hiếu tổ tiên. Lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực ấy không chỉ làm gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường. Có thể nói, việc đốt vàng mã là biểu hiện thoái hóa trong đời sống tâm linh chứ chẳng đem lại lợi ích gì.

Nhà nước không cấm người dân làm việc này nhưng khuyến cáo mọi người thực hành tiết kiệm, chỉ đốt số lượng tượng trưng và thể hiện ở đúng nơi thuộc các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Mặt khác, việc đốt đồ mã, vàng mã là việc làm mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khuyến khích. Vì vậy, người dân cũng nên từ hạn chế tiến đến bỏ hẳn tập tục này.

 Thực tế, tình trạng người hành hương đến các cơ sở thờ tự không xuất phát từ niềm tin tôn giáo mà chủ yếu chỉ để “hối lộ” thần thánh, sắm lễ vật đắt tiền, thậm chí “cúng” tiền mặt chỉ để cầu tài lộc, thăng quan tiến chức. Mặt khác, có cơ sở thờ tự, tổ chức dịch vụ cúng sao giải hạn… phải chăng nguyên nhân là do công tác quản lý các cơ sở này chưa tốt, thưa ông?

- Việc người dân hành hương đến cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo dâng hương cầu an, cầu phúc, cầu tài, cầu danh là có thực. Nhưng đây là suy nghĩ của mỗi người, cơ quan chức năng chỉ thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, không thể cấm được niềm tin trong nhân dân.

Người dân viết thông tin cúng sao giải hạn. (ảnh minh họa)
Người dân viết thông tin cúng sao giải hạn. (ảnh minh họa)

Theo quan niệm của người dân, dịp lễ, tết mua nhang, đèn, trái cây đến cơ sở thờ tự dâng lên Đức Phật và các vị thánh thần để cầu an, cầu tài, cầu lộc, cầu danh và họ có bỏ vào thùng công đức ít tiền mệnh giá nhỏ gọi là “tiền giọt dầu”. Khoản tiền này để cơ sở thờ tự có thêm nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động và tu sửa nhỏ khi khu vực tôn nghiêm bị hư hỏng.

ở Đồng Nai việc cúng sao giải hạn, xem bói, xem số ở các đình, đền, miếu, chùa rất ít. Hiện nay, một số chùa có tổ chức cúng sao giải hạn cho phật tử tại chùa miễn phí, nhà chùa không buộc người dân phải đóng tiền. Tuy nhiên, những người đến tham dự nghi thức này thường bỏ ít tiền lẻ vào thùng công đức hoặc nơi bàn viết sớ cúng sao giải hạn để nhà chùa có chi phí mua hương hoa, lễ vật làm lễ cho người dân, bá tánh.

Thời gian qua, Thanh tra sở và Đội Kiểm tra liên ngành 814 cấp tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có dấu hiệu mê tín dị đoan nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm nếu các cơ sở có những biểu hiện vi phạm.

 Để phát huy hơn nữa những giá trị tích cực trong đời sống tâm linh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, theo ông phải làm gì?

- Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt khá phong phú. Việc hướng về thế giới tâm linh là nhu cầu tất yếu trong đời sống tinh thần của con người, giúp họ lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Trong thực tế, nhiều người không dám làm điều xấu, gây tội ác là do sợ bị pháp luật trừng phạt và xã hội lên án, nhưng cũng có một phần sợ bị thánh thần “chiếu cố”, hoặc tin vào luật nhân quả “gieo nhân gì gặt quả ấy”. Ngoài ra, đời sống tâm linh còn tạo ra sự đoàn kết, sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, duy trì những giá trị văn hóa truyền thống lưu truyền cho thế hệ mai sau…

Người dân đến xin xăm tại một ngôi chùa ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu
Người dân đến xin xăm tại một ngôi chùa ở TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu

Song, bên cạnh những mặt tích cực của văn hóa tinh thần còn có không ít những biểu hiện tiêu cực xuất phát từ sự ngờ vực, thiếu niềm tin vào thực tại cuộc sống. Từ đó dẫn con người đến thế giới ảo với tư tưởng mơ hồ về đấng siêu nhân mới có thể hóa giải những khó khăn, bất trắc; hoặc có khi lại là những ước vọng xa vời không xuất phát từ nhu cầu đời sống thực mà hình thành ý thức từ lòng tham lam, sự ghen ghét vô lối của con người.

Những vấn đề này lý giải vì sao ngày càng có nhiều người sắm lễ vật đắt tiền để cúng bái, đi xem bói, xem số, thậm chí còn tin vào những điều nhảm nhí để bị kẻ xấu lợi dụng sự cả tin để trục lợi. Để hạn chế những biểu hiện tiêu cực đó, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, tôi cho rằng các cấp, các ngành phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giáo dục đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân hiểu đúng thế nào là đời sống tín ngưỡng tâm linh tích cực cần được bảo tồn và phát huy; thế nào là tín ngưỡng tâm linh mang yếu tố mê tín dị đoan cần phải loại bỏ, triệt tiêu.

Ngày 22-2-2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị các chư tôn đức tăng ni trụ trì các chùa, thiền viện, tu viện... nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Công văn nêu rõ: “Trong các bài giảng về đạo pháp cần chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo…”.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích