Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu vực nào bị cấm, hạn chế khai thác nước ngầm?

07:04, 02/04/2018

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 884/QĐ-UBND về phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng buộc phải đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các huyện: Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa. Có 89 khu vực ở các xã, phường thuộc các địa bàn trên nằm trong vùng quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường.

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 884/QĐ-UBND về phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng buộc phải đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các huyện: Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa. Có 89 khu vực ở các xã, phường thuộc các địa bàn trên nằm trong vùng quy định.

 Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông NGUYỄN NGỌC HƯNG, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước ngầm không chỉ ở các khu vực xã, phường nằm trong danh mục cấm, hạn chế khai thác nước ngầm mà còn ở những khu vực nào đã có hệ thống cấp nước sạch vì nguồn nước không qua xử lý chất lượng không đảm bảo.

 Thưa ông, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì chất lượng, trữ lượng nguồn nước ngầm tại địa phương hiện nay ra sao?

- Căn cứ vào kết quả điều tra và các tài liệu thu thập được cho thấy ở tỉnh Đồng Nai có 10 tầng chứa nước dưới đất. Theo đánh giá của Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường thì các hoạt động đang có nguy cơ cao làm ô nhiễm môi trường nước dưới đất hiện nay, gồm: sản xuất công nghiệp, tưới tiêu, phân bón và hoạt động dân sinh. Kết quả quan trắc tại một số huyện cho thấy nguồn nước ngầm ở nhiều nơi bị ô nhiễm vi sinh. Các vị trí nhiễm vi sinh thường phát hiện tại các bãi chôn lấp chất thải rắn, các khu công nghiệp và một số ít tại khu vực trồng trọt, chăn nuôi. Việc khai thác và sử dụng nước ngầm hiện nay đang làm cho trữ lượng nước dưới đất sụt giảm.

Theo số liệu điều tra của Sở Tài nguyên - môi trường, huyện Nhơn Trạch có tỷ lệ khai thác nước ngầm đáng lo ngại. Toàn huyện có hơn 37 ngàn công trình khai thác với lưu lượng khai thác trên 102 ngàn m3/ngày. Tỷ lệ khai thác đạt gần 46% tổng lượng nước ngầm hiện có, vượt trữ lượng khai thác an toàn hơn 14 ngàn m3/ngày.

 Vì sao lại quy định những khu vực bị hạn chế, cấm khai thác nước ngầm, thưa ông?

Do chưa có hệ thống nước sạch nên một hộ dân ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) phải dùng nước giếng. Ảnh: K.LIỄU
Do chưa có hệ thống nước sạch nên một hộ dân ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) phải dùng nước giếng. Ảnh: K.LIỄU

- Nguyên nhân là do các vùng nằm trong phạm vi khoảng cách không an toàn môi trường đối với các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại. Ở Đồng Nai, từ năm 2014 UBND tỉnh đã quy định những nơi có hệ thống nước máy phải ngưng khai thác nước ngầm vì chất lượng không đạt yêu cầu và để bảo vệ nguồn nước ngọt cho tương lai.

Nếu khai thác nước ngầm quá trữ lượng cho phép sẽ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, các vấn đề như xâm nhập mặn, sụt lún mặt đất… hậu quả nếu xảy ra không thể khắc phục được. Đây cũng là lý do UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục vùng cấm khai thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới công trình khai thác nước dưới đất, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

 Đối với những giếng khoan người dân đang sử dụng nhưng nằm trong vùng cấm thì giải quyết ra sao?

- Đối với các giếng khoan nằm trong vùng cấm chúng tôi phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân có kế hoạch và lộ trình chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước mặt. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có chức năng cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với UBND các huyện, xã và các đơn vị có liên quan khác lập kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước.

Thực hiện cung cấp nước ổn định, liên tục về số lượng, chất lượng cho các tổ chức, cá nhân tại các vùng cấm khai thác nước ngầm đảm bảo sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đơn vị cấp nước tổng hợp báo cho Sở Tài nguyên - môi trường định kỳ về tình hình lắp đặt, triển khai mạng lưới cấp nước sạch từng khu vực để sở đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác nước buộc các đơn vị đấu nối sử dụng nước máy.

Qua khảo sát hiện nay có tình trạng người dân nhiều nơi vẫn muốn dùng nước ngầm từ giếng khoan, giếng đào để tiết kiệm chi phí. Chúng tôi khuyến cáo đối với khu vực đã có hệ thống cấp nước máy thì người dân nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe vì nguồn nước ngầm không qua xử lý có thể chất lượng không đảm bảo.

Các khu vực thuộc vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác gồm:

- Tại huyện Cẩm Mỹ có 13 khu vực cấm khai thác nước dưới đất thuộc các xã: Xuân Đông, Thừa Đức, Xuân Đường, Xuân Mỹ, Sông Ray, Lâm San, Xuân Bảo, Sông Nhạn; 6 khu vực hạn chế khai thác thuộc các xã: Xuân Bảo,  Nhân Nghĩa, Thừa Đức, Xuân Đường, Xuân Mỹ.

- ở huyện Nhơn Trạch chỉ có 1 khu vực ở xã Long Thọ bị cấm khai thác và 20 khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất thuộc các xã: Long Tân, Phước Thiền, Phú Hội, Hiệp Phước, Long Thọ, Phú Đông, Phước Khánh, Phước An, Vĩnh Thanh, Phú Thạnh, Đại Phước và các khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, 3, 5.

- Riêng TP.Biên Hòa có 14 khu vực bị cấm khai thác thuộc các phường: Tân Biên, Bửu Long, Long Bình, Tân Hòa, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tân Mai, Bửu Hòa, Trảng Dài, Tân Phong và xã Hóa An. 35 khu vực hạn chế khai thác ở các phường: Trảng Dài, Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa, Tân Phong, Bửu Hòa, Tân Vạn, Quang Vinh, Thống Nhất, Hòa Bình, Thanh Bình, Trung Dũng, Tân Tiến, Tân Mai, Tam Hiệp, Quyết Thắng, Tân Hiệp, Tam Hòa,  Bửu Long, Bình Đa, An Bình, Long Bình Tân; các xã: Hiệp Hòa, Hóa An, Tân Hạnh, Tam Phước, Phước Tân; các khu công nghiệp gồm: Biên Hòa, Amata, Long Bình, Hố Nai, Tam Phước, Giang Điền, Cụm công nghiệp Dốc 47, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

  Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu

Tin xem nhiều