Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông sản không thể chờ giải cứu mãi

08:06, 30/06/2018

Quyền Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản nhận định: "Nông sản Việt Nam không thể mãi loay hoay những câu chuyện về giải cứu hay "được mùa mất giá"...

Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản được thành lập vào tháng 6-2017. Đây là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối. Đơn vị này sẽ điều phối các hoạt động phát triển thị trường, đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản, nhận định: “Nông sản Việt Nam không thể mãi loay hoay những câu chuyện về giải cứu hay “được mùa mất giá”. Và để thoát ra vòng luẩn quẩn này, cần phải giải quyết các bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường”.

* Giải bài toán thị trường

 Theo nhìn nhận của ông, Đồng Nai có thế mạnh nào trong sản xuất nông nghiệp?

- Làm việc tại Đồng Nai, nghe giới thiệu về những mô hình nông nghiệp tại địa phương, tôi thấy ưu điểm nổi bật của Đồng Nai là luôn nhấn mạnh về nội dung chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong điều kiện thị trường hiện nay, đây là yêu cầu số một. Đồng Nai cũng từng bước đa dạng hóa sản phẩm và từng bước nâng cao tỷ lệ nông sản chất lượng cao.

Tôi đã đi thăm những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai, những mô hình này khá tương đồng so với những mô hình tôi có dịp tham quan tại Nhật Bản, đặc biệt là sự quan tâm về sản xuất và làm thế nào để sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ. Đồng Nai cũng làm tốt các quy hoạch về các ngành hàng cụ thể, trong đó có 13 sản phẩm đã có nhãn hiệu như: bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng...

 Ông có góp ý gì cho địa phương về khía cạnh tìm đầu ra cho nông sản?

- Về vấn đề thương mại thì đầu tư chợ đầu mối có ý nghĩa rất lớn, tạo nên sự tập trung về mặt trung chuyển. Đây cũng là “chiếc cổng” để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do nông sản xuất - nhập mỗi ngày đều trong vòng kiểm soát. Từ đó, có thể điều phối được hoạt động bán lẻ, điều phối nguồn cung.

Đáng buồn là nông sản của Việt Nam hiện nay cứ đổ hết ra vỉa hè với đủ loại chợ cóc, chợ tạm... mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó tạo thành một thói quen là hàng ngàn người ra quốc lộ mua nông sản, hàng hóa. Chợ đầu mối sẽ góp phần tạo lập được thói quen tiêu dùng, hành vi tiêu dùng. Mặt khác, nếu kiểm soát được hệ thống chợ nông thôn và kết hợp được với chợ đầu mối thì sẽ giải quyết được câu chuyện “được mùa mất giá”, giải quyết được cả câu chuyện kiểm soát được thương lái Việt Nam và cả thương lái nước bạn.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến có cả chục nhà máy chế biến rau quả và sản phẩm chăn nuôi được khánh thành, đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng. Điều này góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách bền vững qua việc hình thành một nền công nghiệp chế biến nông sản có sức hội nhập, làm trụ đỡ cho đầu ra của sản phẩm.

Đồng Nai đã có chợ đầu mối nông sản Dầu Giây, bản thân tôi cũng trực tiếp giới thiệu để chợ này trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp Chợ đầu mối thế giới, nằm trong chuỗi của chợ đầu mối thế giới.

 Những hỗ trợ của Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản cho các địa phương trong thời gian tới là gì?

- Yêu cầu của thị trường là tín hiệu quyết định sản xuất. Giải quyết vấn đề này, trước tiên chúng ta phải có thông tin thị trường. Do đó, thời gian tới, hàng tháng chúng tôi gửi thông tin thị trường về các địa phương, cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài; kết nối thông tin các hiệp hội, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ để đưa ra những dự báo về tình hình thị trường.

Đầu tháng 8, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình kết nối nông sản Việt. Trong chương trình  này, chúng tôi giới thiệu các nhóm sản phẩm của từng địa phương và nếu Đồng Nai có nhu cầu thì đăng ký với bộ thông qua cục.

* Cần đầu tư trung tâm chế biến

 Theo ông, những đột phá trong đầu tư cho ngành chế biến hiện nay là gì?

- Năm 2018 là năm Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Đặc biệt, 2 năm qua chúng ta đã có chủ trương đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu, trong đó đẩy mạnh một số ngành chế biến nông sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới.

 Ông góp ý riêng gì cho Đồng Nai về lĩnh vực chế biến nông sản?

- Trước hết, về công tác sơ chế, bảo quản, phân loại, địa phương cần phải làm thật tốt từ cấp cơ sở gắn với việc đổi mới, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất và đặc biệt là dịch vụ ở nông thôn.

Hiện Đồng Nai có 137 hợp tác xã, trong đó có 77 hợp tác xã về dịch vụ nông nghiệp. Tỉnh cần kích hoạt khu vực này và xác định đây là một loại dịch vụ của nông nghiệp và gắn với làng nghề, du lịch và phát triển ngành chế biến.

Tôi được biết Đồng Nai có trên 2,7 ngàn cơ sở chế biến nhưng chủ yếu là các cơ sở chế biến đồ gỗ, giày da, cao su... vẫn chưa có nhiều cơ sở chế biến cho nhóm trái cây, dù Đồng Nai là vùng nguyên liệu trù phú về đất đai, rất dồi dào các loại trái cây. Mỗi năm, cả nước chế biến 16 triệu tấn trái cây, 8,5 triệu tấn rau và chúng ta mới chỉ có 144 cơ sở chế biến.

Chưa kể, Đồng Nai cũng đã xây dựng được những vùng chuyên canh về chăn nuôi thì tại sao chúng ta không có những trung tâm chế biến sản phẩm chăn nuôi?

 Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Vì sao, thưa ông?

- Thực ra, ngân sách không đủ để hỗ trợ cho nhà đầu tư. Sự hỗ trợ của Nhà nước có thể hiểu ở các góc độ: tạo ra môi trường hoạt động tốt, thuế, phí... Những điều này đều nằm trong nhóm Nghị định 57 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa được Chính phủ ban hành.

Xử lý thanh long xuất khẩu tại cơ sở của ông Đoàn Trung Ngọc (huyện Trảng Bom).
Xử lý thanh long xuất khẩu tại cơ sở của ông Đoàn Trung Ngọc (huyện Trảng Bom).

Như vậy, nhóm những nghị định, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là đã đầy đủ như: Nghị định 210 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Điều quan trọng là tổ chức triển khai như thế nào và doanh nghiệp ứng dụng thành công hay không. Cũng phải đặt câu hỏi ngược lại là tại sao có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công dù không là doanh nghiệp thân tín, không dựa vào quan hệ? Nhiều doanh nghiệp vẫn tự đi tốt bằng đôi chân của mình chứ không chỉ chờ hỗ trợ.

 Vậy Đồng Nai nên làm gì để thu hút nhà đầu tư nông nghiệp?

- Các địa phương nên tổ chức những chương trình xúc tiến, thu hút nhà đầu tư bằng những dự án hấp dẫn trong thực tế. Đặc biệt, những địa phương có vùng nguyên liệu về trái cây, nông sản lớn như Đồng Nai chắc chắn là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến.

Việc các địa phương cần làm là tạo ra môi trường đầu tư tốt và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế. Cụ thể như năm nay chúng ta đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến tại các quốc gia và góp mặt tại nhiều diễn đàn quốc tế. Các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm tìm cơ hội đầu tư mới, trong đó Việt Nam là điểm đến khá hấp dẫn. Thông qua đó, Đồng Nai nói riêng và các nơi khác nói chung cần đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều