Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xây dựng cơ chế thông thoáng hơn cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa

04:12, 14/12/2019

Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân phát triển nhanh và được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, ngày càng có nhiều những chính sách liên quan đến khối doanh nghiệp này được triển khai.

Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân phát triển nhanh và được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, ngày càng có nhiều những chính sách liên quan đến khối doanh nghiệp này được triển khai.

Ông Tô Hoài Nam
Ông Tô Hoài Nam

Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, có đến 97% trong tổng số doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế rất thấp. Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần phải có thêm các chính sách mạnh mẽ, thông thoáng hơn để kinh tế tư nhân, cụ thể là khối DNNVV có thêm động lực phát triển.

* Đóng góp của doanh nghiệp tư nhân ngày càng quan trọng

* Ông có đánh giá gì đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay?

- Khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước. Việt Nam cũng xây dựng các các khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trong đó có Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV… Kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng, sự đối xử khác biệt về mặt pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tự trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã cơ bản dỡ bỏ.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, sự liên kết của các DNNVV Việt Nam còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ… Chính vì vậy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

* Ông vừa nói tới Luật Hỗ trợ DNNVV, hiệu quả thực sự của luật này đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Luật Hỗ trợ DNNVV đã được thiết kế nhiều công cụ hỗ trợ rất mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của các doanh nghiệp theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chủ yếu mới thực hiện được phần thể chế luật bằng các nghị định, nghị quyết, thông tư, quyết định và tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các đề án triển khai chương trình hỗ trợ. Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp thì quá hiếm hoi, quy mô nhỏ nên tác động đến doanh nghiệp không đáng kể. Chúng ta vẫn yếu thế trong cạnh tranh, trong tiếp cận nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Mặc dù luật không thể phát huy tác dụng trong một sớm, một chiều nhưng sự chậm trễ này đang là những trở ngại lớn kiềm chế lực lượng sản xuất phát triển và đang làm nản lòng khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là DNNVV.

* Vậy theo ông, nếu muốn hỗ trợ cho các DNNVV phát triển thì cần tập trung vào những điểm nào?

- Theo tôi, để cho cộng đồng này phát triển bền vững thì điều kiện cần cho các DNNVV khác hẳn với doanh nghiệp lớn. Vì bản thân các doanh nghiệp lớn đã có tiềm lực, có nguồn lực mạnh. Còn DNNVV thì chỉ hỗ trợ về chính sách thôi là chưa đủ, chính sách cho khối doanh nghiệp này không chỉ là chính sách mang tính định hướng mà họ cần chính sách hỗ trợ thiết thực.

Với quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực yếu thì khó có thể tổ chức sản xuất sạch, xanh và tiếp cận công nghệ mới, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, có những nơi để cho các DNNVV trong sản xuất được thuê hoặc dùng chung các công nghệ mới, giúp doanh nghiệp có đủ sức để tham gia vào thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới thông qua các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thách thức nếu đặt nó trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và một số vấn đề bất ổn trong quan hệ thương mại EU - Trung Quốc. Chúng ta có lợi thế về mặt xuất khẩu và thu hút vốn FDI, cần phải khai thác triệt để bằng việc thông qua sự tập trung nguồn lực, thúc đẩy nhanh và mạnh năng lực của các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 25% doanh nghiệp trong nước tham gia xuất khẩu trực tiếp thay vì phải làm gia công như hiện nay.

* Đổi mới sáng tạo là yếu tố “sống còn”

 Hội nhập quốc tế phải tuân theo các quy định chung và có cuộc chơi sòng phẳng với các bên, nhất là khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ông có nghĩ điều này là cơ hội giúp DNNVV phát triển, tạo nguồn lực tốt hơn trong tương lai?

- Điều này thì hoàn toàn đúng. Chúng ta phải khuyến khích được DNNVV tham gia vào chuỗi. Việc tham gia vào chuỗi trên thực chất là doanh nghiệp phải thực hiện được một số cam kết cơ bản. Một là cam kết về chất lượng hàng hóa. Hai là cam kết hậu bán hàng, thời gian và các cam kết khác trong chuỗi. Muốn cam kết được về chất lượng hàng hóa thì phải có công nghệ, muốn có công nghệ thì DNNVV phải có những khu dùng chung. Đây là điểm cơ bản, nút thắt trong sản xuất, phân phối thương mại.

“Để hội nhập thành công, các doanh nghiệp cần phải liên kết lại với nhau. Không liên kết sẽ không làm được việc lớn với quy mô doanh nghiệp của chúng ta như hiện nay. Điều này cũng đặt ra một áp lực nhưng đây còn là cơ hội để chính quyền, các hiệp hội doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp nhận thức lại. Làm được điều đó, chúng ta sẽ giải được bài toán làm sao cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI”.

Để tạo điều kiện cho các DNNVV tham gia vào chuỗi thì phải có cơ chế để các doanh nghiệp này tham gia được vào từng công đoạn trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, về mặt chính sách, Nhà nước cần có những khuyến khích, giúp cho DNNVV phát triển ý tưởng. Vì ý tưởng kinh doanh liên quan đến giá trị gia tăng của sản phẩm. Ví dụ Nhà nước nếu cần thiết có thể cho doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ 100%, các nghiên cứu dùng thử trải nghiệm 100%. Nếu tổ chức được những nơi như vậy thì khẳng định DNNVV mới có thể phát triển bền vững được. Nếu chỉ nói mà không triển khai thì sẽ rất ít biến đổi về thực chất.

* Chúng ta thường nói đến đổi mới sáng tạo, ở Việt Nam đã thực hiện được đến đâu, thưa ông?

- Phong trào đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có một đề án hay kế hoạch về đổi mới sáng tạo tầm quốc gia có nét sáng tạo kiểu “mô hình Việt Nam” với mục tiêu tổng thể dài hạn, ngắn hạn. Đi kèm với đó là giải pháp để cùng với những thước đo để đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu ở mỗi giai đoạn, thời kỳ để phong trào này được phát triển liên tục và bền vững.

Thực tế hiện nay, Việt Nam đang ở một nền tảng công nghệ không hiện đại và muốn tham gia được vào cuộc cách mạng 4.0 thì phải 3.0 tốt, nhưng phần lớn DNNVV lại đang ở 2.0. Vì thế, chính sách của Việt Nam phải rất khác biệt so với thế giới về chính sách lao động. Có nhiều DNNVV sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì thu nhập của người lao động mới cao được, từ đó mới có nguồn lực để đào tạo được lao động chất lượng cao.

Theo đó, những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có khả năng thay đổi đột phá trong công nghệ cần phải được hỗ trợ ngay. Thứ nhất, nên miễn thuế cho các doanh nghiệp này. Thứ hai là tạo điều kiện cho họ được vào những khu, được sử dụng chung các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước, được tiếp cận mặt bằng giá rẻ, được hỗ trợ về khảo nghiệm, hỗ trợ về đăng ký sản phẩm hàng hóa.

* Cũng giống như cả nước, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, DNNVV tại Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn, Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẽ có những trợ giúp gì?

- Trước hết có thể nói, đội ngũ doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng rất năng động trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Nhiều tổ chức đã hình thành để tập hợp, liên kết doanh nghiệp như Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân cựu chiến binh, các hội ngành nghề và đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai… Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của các tổ chức này đối với sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Về những khó khăn, tất nhiên, Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẵn sàng trợ giúp trong điều kiện của mình. Những khó khăn của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội, hội thành viên, các bạn liệt kê ra các vấn đề cụ thể và những kiến nghị để chúng tôi có văn bản gửi Chính phủ. Tại sao chúng tôi tự tin về điều đó, bởi Hiệp hội DNNVV Việt Nam là tổ chức được Chính phủ giao thực hiện vấn đề này. Trong nỗ lực của mình, hiệp hội sẽ có những tác động cụ thể tới Chính phủ, bộ, ngành cũng như ngay cả với chính quyền địa phương Đồng Nai.

 Xin cảm ơn ông!

Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều