Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống

04:12, 12/12/2019

Ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về mục đích, ý nghĩa và các quy định đáng chú ý của luật này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết:

Ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về mục đích, ý nghĩa và các quy định đáng chú ý của luật này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết:

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019, là yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm mục đích hướng tới thay đổi ý thức, hành vi, nhận thức và thói quen uống bia rượu.

* Theo bà, một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là gì?

- Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là luật quy định 12 hành vi bị nghiêm cấm như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quảng cáo rượu có độ cồn từ 150 trở lên. Đặc biệt luật còn quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập...

* Để 12 điều cấm của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được cá nhân, tổ chức tuân thủ nghiêm thì cần những giải pháp nào?

- Để 12 điều cấm này được cá nhân, tổ chức tuân thủ nghiêm, theo tôi cần phải thực hiện được một số nhiệm vụ sau: đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thái độ của mọi người đối với những tác hại của rượu, bia. Đặc biệt là tập trung giáo dục ý thức, thái độ của những người trẻ tuổi như học sinh, sinh viên về tác hại của rượu, bia. Bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền thực hiện các quy định của luật cũng cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh, phạt tiền ở mức độ cao đối với các cá nhân, tổ chức nào vi phạm pháp luật.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa. Ảnh:T.Hải

Để quy định này được thực hiện nghiêm thì ngay bây giờ và thời gian tiếp theo, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và nêu gương. Vấn đề không chỉ là vận động thực hiện nữa mà sẽ có chế tài, cả về hành chính, hình thức kỷ luật có liên quan đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên nếu vi phạm quy định.

Những tháng cuối năm, vào dịp đầu năm mới, việc sử dụng rượu, bia khá phổ biến, đây cũng là thời điểm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Vậy công tác tuyên truyền luật sẽ được Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Việc sử dụng rượu, bia trong dịp lễ, Tết là khá phổ biến trong xã hội của chúng ta hiện nay. Theo đó, một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khó thực thi do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy, để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến luật là hết sức quan trọng.

Trước hết, trong các dịp cuối năm, lễ, Tết, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng rượu, bia để giảm thiểu và ngăn chặn các hậu quả tiêu cực cho gia đình và xã hội như: tai nạn giao thông, ảnh hưởng sức khỏe, tình hình an ninh trật tự

Về lâu dài, Sở Tư pháp sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tập trung tuyên truyền thông qua các hình ảnh trực quan sinh động tại các địa điểm công cộng, nơi tiếp công dân và các trường học... nhằm nâng cao ý thức và thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu, bia của mọi người.

  Xin cảm ơn bà!

Đoàn Phú (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích