Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình linh hoạt để thu hút người học nghề

11:03, 10/03/2020

Hiện nay, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đang phối hợp với Bộ LĐ-TBXH hỗ trợ một số cơ sở trở thành trung tâm xuất sắc về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), làm hình mẫu để nhân rộng trong hệ thống.

Hiện nay, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đang phối hợp với Bộ LĐ-TBXH hỗ trợ một số cơ sở trở thành trung tâm xuất sắc về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), làm hình mẫu để nhân rộng trong hệ thống.

[links()]Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với TS.Juergen Hartwig, Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (thuộc GIZ) về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai và cơ hội việc làm của người tham gia học nghề.

* TS có thể giới thiệu đôi nét về chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam và một vài kết quả của chương trình?

- Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam thuộc GIZ. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Bộ LĐ-TBXH, cụ thể là Tổng cục GDNN, để nâng cao năng lực cho hệ thống GDNN. Chúng tôi hỗ trợ một số cơ sở trở thành trung tâm xuất sắc về GDNN, làm hình mẫu để nhân rộng trong hệ thống.

Chương trình đang hợp tác với 12 cơ sở GDNN trên cả nước, trong đó có 2 trường tại Đồng Nai là Trường cao đẳng Nghề công nghệ quốc tế Lilama 2 (Lilama 2) và Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (VCMI).

Tại Lilama 2, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng 1 trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề. Tại VCMI, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng 2 nghề mới là công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà; công nghệ cơ khí sưởi ấm và điều hòa không khí.

Hiện nay, chúng tôi đang bố trí các chuyên gia làm việc dài hạn tại nhà trường và chuyên gia ngắn hạn để nâng cao năng lực cho nhà trường. Mới đây, chúng tôi đã phát triển xong 2 bộ chương trình cho 2 nghề mới này và đã trang bị các trang thiết bị cơ bản cho nhà trường để phục vụ cho công tác giảng dạy.

* Ông đánh giá như thế nào về hệ thống đào tạo nghề hiện nay của Việt Nam?

- Trong khối các trường nghề tại Việt Nam, có 2 cấp độ đào tạo dài hạn là trung cấp và cao đẳng. Hai trình độ này có sự liên hệ, liên kết với nhau. Đây là định hướng mà tôi đánh giá rất tốt. Tất nhiên, sau khi học cao đẳng thì họ có thể liên thông lên đại học nhưng tôi cho rằng cấp độ trung cấp và cao đẳng đã đáp ứng được với thị trường lao động.

Đáng tiếc là phần lớn các bạn trẻ và các bậc phụ huynh vẫn ưu tiên giáo dục đại học hơn đào tạo nghề, dẫn tới số lượng học viên học nghề còn hạn chế.

* Nước Đức rất thành công với việc phát triển hệ thống GDNN. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Đức và đưa ra một vài giải pháp để thúc đẩy GDNN ở Việt Nam phát triển hơn?

 - Ở Đức, học sinh được định hướng đi học nghề từ sớm. Sang lớp 10, đa số học sinh sẽ vào các trường nghề rồi sau đó tiếp tục học đại học.

Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đang tư vấn phân luồng sau THCS cho tốt để thu hút ngày càng nhiều các bạn trẻ vào học trung cấp nghề.

Để làm được điều này, có 2 điều mà tôi muốn chia sẻ. Thứ nhất là chương trình đào tạo phải được thiết kế thật hữu hiệu và linh hoạt cho người học. Chẳng hạn, mới đây chúng tôi đã hỗ trợ VCMI thiết kế 6 module cho trình độ trung cấp nghề. Với trình độ này thì học sinh lớp 9 có thể theo học được và sau khi học xong trung cấp thì họ có thể học tiếp những module còn lại để đạt trình độ cao đẳng.

Thứ hai là chúng ta cần phải nâng cao được hình ảnh của các trường nghề. Phải truyền thông tốt để cho các bạn trẻ hiểu được rằng các bạn có thể tham gia học nghề sau khi học tốt nghiệp THCS để đi làm. Sau khi đi làm, các bạn có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học để nâng cao trình độ chứ không phải chỉ học đến đó là dừng lại.

Các hoạt động truyền thông phải tính đến yếu tố giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về GDNN.

* Được biết, chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam có hỗ trợ các cuộc thi kỹ năng nghề và hỗ trợ Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề thế giới (World Skills). Những cuộc thi như vậy có tác động gì đến hoạt động đào tạo nghề, thưa ông?

- Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề có tác động đến công tác đào tạo nghề của các trường. Thứ nhất là tạo điều kiện và động lực cho các trường hướng tới tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo nghề. Thứ hai là giúp nâng cao hình ảnh về GDNN. Từ đó, thu hút được ngày càng nhiều tham gia học nghề hơn là chỉ chú trọng vào bậc đại học mà thôi.

Bên cạnh đó, các kỳ thi tay nghề cũng tạo cơ hội cho người học biết được xu thế nghề nghiệp sắp tới của họ.

* Vậy theo ông, những nghề nào mà thị trường lao động tại Việt Nam sẽ cần nhiều trong thời gian tới?

- Những năm gần đây, kinh tế của Việt Nam phát triển rất nhanh và theo xu hướng phát triển của thế giới. Trong xu thế đó, những nghề có liên quan đến công nghệ cao, vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số hóa… sẽ phát triển mạnh mẽ.

Có thể kể tên một số nghề như: cơ - điện tử, cắt gọt kim loại CNC; một số nghề sử dụng năng lượng tái tạo mới như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió; một số nghề liên quan đến nghề xanh, nghề về xử lý nước thải… cũng là những nghề mà là xu thế tương lai rất cần.

* Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu của Việt Nam là tăng tỷ lệ lao động có tay nghề lên 55% tổng lực lượng lao động vào năm 2020. Với sự hỗ trợ của GIZ, mỗi năm, khoảng 21 ngàn học viên mới hưởng lợi từ những khóa đào tạo theo nhu cầu tại các cơ sở GDNN được hỗ trợ. 85% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và có mức thu nhập ổn định.

Tường Vi (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều