Báo Đồng Nai điện tử
En

Trốn cách ly phòng, chống dịch: Có thể bị xử lý hình sự

10:03, 25/03/2020

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan tốt nhất đang được Bộ Y tế triển khai thực hiện đó là: khai báo y tế và cách ly...

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan đang được Bộ Y tế triển khai thực hiện là: khai báo y tế và cách ly. Bên cạnh những người dân tự nguyện chấp hành quy định vẫn còn một số người trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định… Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về biện pháp chế tài đối với các hành vi này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết:

Ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (dịch Covid-19)  gây ra, nên các hành vi cố tình trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không chịu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

* Theo quy định pháp luật hiện hành thì các hành vi cố tình trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không chịu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý như thế nào, thưa bà?

- Theo Khoản 2, Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau: người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, thực hiện các hành vi gian dối để trốn tránh việc cách ly mà có mang mầm bệnh, gây lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Khu cách ly tập trung của Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch được lắp camera theo dõi từ xa
Khu cách ly tập trung của Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch được lắp camera theo dõi từ xa (Ảnh: MH)

 Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

* Hành vi không chấp hành đeo khẩu trang y tế nơi công cộng, khạc nhổ nơi công cộng, vứt bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định… sẽ bị xử lý ra sao thưa bà?

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 98/TB-VPCP về kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, kể từ ngày 16-3-2020 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như: siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng… Đeo khẩu trang tại nơi công cộng là chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp để người dân tự bảo vệ bản thân.

Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị.

* Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng các chế tài trong xử lý vi phạm liên quan đến việc phòng ngừa dịch Covid-19 còn gặp nhiều vướng mắc do quy định chưa chặt chẽ. Xin cho biết ý kiến của bà về vấn đề này?

- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch toàn cầu Covid-19 có tỷ lệ lây nhiễm nhanh và tỷ lệ tử vong khá cao.

Một người ở Khu cách ly tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu (đóng tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) nhận phần cơm trưa.
Một người ở Khu cách ly tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu (đóng tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) nhận phần cơm trưa. Ảnh minh họa: An Nhiên

Về quy định pháp luật, hiện tại chúng ta có một số quy định điều chỉnh các hành vi liên quan đến phòng dịch bệnh như: Bộ luật Hình sự: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Luật Khám, chữa bệnh; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và một số văn bản hướng dẫn thực hiện.

Theo tôi, các quy định của chúng ta hiện nay cũng khá đầy đủ và chặt chẽ. Việc xử phạt vi phạm hành chính hay hình sự đòi hỏi phải thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và mức độ vi phạm cũng như thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.

Hiện tại, cả hệ thống chính trị của chúng ta đều đang tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “tính mạng của người dân là trên hết”. Chính vì vậy để góp phần phòng, chống dịch Covid-19 lây lan, mỗi người nên có ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tuân thủ các biện pháp do cơ quan có thẩm quyền đưa ra, nhất là về cách ly và khai báo y tế đối với những người bắt buộc phải cách ly và khai báo y tế, tránh để xảy ra vi phạm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh.

Do đó, công tác tuyên truyền cho người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh để hạn chế xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh cần tiếp tục được các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đoàn thể tăng cường thực hiện trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn bà!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều