Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiên cứu đưa vào quy hoạch để khai thác tối đa lợi thế sân bay Long Thành mang lại

04:10, 21/10/2020

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai sẽ nghiên cứu, đưa vào quy hoạch để khai thác tối đa lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai sẽ nghiên cứu, đưa vào quy hoạch để khai thác tối đa lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, sự kiện bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng sân bay Long Thành hết sức có ý nghĩa đối với Đồng Nai và tạo ra sự lan tỏa đến các dự án trọng điểm trung ương trên địa bàn, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Đồng Nai với Trung ương. “Hôm nay tổ chức lễ bàn giao để khẳng định được rằng Đồng Nai cũng đã giữ được cam kết với Chính phủ vào tháng 10-2020 sẽ bàn giao khu vực 1,8 ngàn ha để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 để cho đơn vị chủ đầu tư được triển khai các thủ tục tiếp theo đúng theo tiến độ, lộ trình. Mục tiêu cuối cùng là đến năm 2025 đưa sân bay Long Thành  vào hoạt động.

Về trách nhiệm sau bàn giao giữa địa phương với Bộ GT-VT và đơn vị chủ đầu tư sau này, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn sẽ gắn kết với nhau chặt chẽ từ nay cho đến khi bàn giao hết mặt bằng diện tích 5 ngàn ha cũng như công tác khởi công xây dựng của đơn vị chủ đầu tư. Về cơ bản, chủ đầu tư cũng phải phối hợp với địa phương trong các khâu thủ tục hành chính tiếp theo, quản lý bảo vệ vùng ranh đất đã được giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phân tích, khi có sân bay quốc tế nằm ở trên địa bàn thì sức lan tỏa của sân bay sẽ tác động đến cả một vùng rộng lớn chứ không chỉ là câu chuyện “sân bay khai thác được như thế nào, tỉnh được bao nhiêu”. Đó không phải là mong muốn duy nhất. Mong muốn lớn hơn nữa là sự lan tỏa rộng lớn. Tất cả những gì được cho là lợi thế mà sân bay mang lại, Đồng Nai cũng phải nghiên cứu ngay từ bây giờ để sớm đưa vào quy hoạch. Sau đó, tỉnh sẽ triển khai từng nội dung một, cái nào là ngân sách làm, cái nào phải huy động vốn kêu gọi nguồn đầu tư để hình thành một vùng xung quanh sân bay nhằm phát triển một cách đồng bộ và tận dụng được tối đa các lợi thế mà sân bay đem lại.

Để phát huy lợi thế của sân bay, vấn đề kết nối hạ tầng là rất quan trọng. Bởi vì không có hạ tầng thì cũng khó có thể phát huy được dự án sân bay. Theo người đứng đầu UBND tỉnh, nếu “cứ đi ra cái là kẹt, đi vào cái là kẹt” thì rất khó để phát triển. Thực tế, tỉnh Đồng Nai đã định hướng vấn đề này. Thời gian qua, các dự án hạ tầng giao thông của Trung ương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều tập trung giải phóng mặt bằng rất tích cực.

Ví dụ như với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Đồng Nai rất tích cực làm để khởi công, rồi đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện nay địa phương cũng rất khẩn trương. Sắp tới đây, với dự án đường vành đai 3, Đồng Nai đang triển khai để đảm bảo có mặt bằng “sạch” để thi công. Đồng thời, tỉnh đang chờ chủ trương của Chính phủ về đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tỉnh cũng tính toán nội dung này để đầu tư.

Ngoài ra, các dự án đường giao thông của địa phương thì địa phương phải chủ động đầu tư. Riêng 2 tuyến đường kết nối từ sân bay ra quốc lộ 51 và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì Đồng Nai cũng đã phối hợp tốt với chủ đầu tư để làm công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và các bước ban đầu cơ bản đã xong.

Đối với các dự án thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư, tỉnh cũng đã đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm, tiến hành lập các hồ sơ chủ trương đầu tư, bố trí, tính toán nguồn vốn để các dự án giao thông có tính kết nối thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư được đồng bộ với hệ thống giao thông chung.

Quỳnh Nhi (ghi)

Tin xem nhiều