Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngừng bắn có chấm dứt được khủng hoảng Syria?

10:10, 26/10/2012

Liệu lệnh ngừng bắn được đề ra ngày 24/10 có báo hiệu một hồi kết cho cuộc nội chiến kéo dài gần 2 năm qua ở Syria, hay đó chỉ là một văn bản suông?

Liệu lệnh ngừng bắn được đề ra ngày 24/10 có báo hiệu một hồi kết cho cuộc nội chiến kéo dài gần 2 năm qua ở Syria, hay đó chỉ là một văn bản suông?

T

Một chiến binh Quân đội Syria Tự do đang nã súng về phía quân chính phủ ở thành phố Aleppo. (Ảnh tư liệu: AP)

Đặc sứ của Liên Hợp Quốc về Syria cho biết, chính phủ nước này đã nhất trí "trên nguyên tắc" về một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, những người nổi dậy đòi hạ bệ Tổng thống Bashar al-Assad tỏ ra hoài nghi. Họ muốn biết liệu lệnh ngừng bắn này có chịu chung số phận với lệnh ngừng bắn đầu tiên hay không.

Lệnh ngừng bắn hồi tháng 4 chỉ kéo dài được một ngày thì cảnh đổ máu tiếp diễn. Tổng cộng, hơn 32.000 người Syria đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 3/2011, theo thống kê của các nhóm chống al-Assad. 

Đặc sứ Lakhdar Brahimi cho hay, lần này, đề xuất hạ vũ khí có thể kéo dài hết lễ Eid al-Adha. Bắt đầu từ thứ Sáu (26/10) và kéo dài vài ngày, người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ mừng kết thúc lễ Hajj, cuộc hành hương tới thánh địa Mecca hàng năm.

Tại văn phòng của mình ở Cairo ngày 24/10, Brahimi cho biết ông vừa trở về sau một chuyến đi tới thủ đô Damascus của Syria, nơi các chỉ huy nói với ông rằng họ "nhất trí trên nguyên tắc về một lệnh ngừng bắn".

Tuy nhiên, đến hôm nay vẫn chưa có thông điệp chính thức nào được văn phòng Tổng thống Assad đưa ra như đã hứa.

Brahimi không cho biết nội dung đề xuất ngưng bắn. Tuy nhiên, đại sứ Pháp đã cung cấp những chi tiết mơ hồ sau một cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Sau khi nhận được phản ứng chính thức từ chính phủ Syria, Liên Hợp Quốc muốn việc nã pháo ở các khu vực dân cư phải ngừng lại, theo đại sứ Gérard Araud.

Nếu lệnh ngừng bắn có hiệu lực 3 ngày, theo ông Araud, mục tiêu dài hạn sẽ là "chuyển thỏa thuận này thành một lệnh ngừng bắn lâu dài".

Nhưng rõ ràng, để lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Quân đội Syria Tự do sẽ phải tuân thủ nó. 

Quân đội Syria Tự do là một lực lượng được tổ chức lỏng lẻo gồm các chiến binh chống lại lực lượng vũ trang của Tổng thống Assad, và họ không đưa ra được một thông điệp thống nhất rằng họ sẽ nhất trí.

Tuy nhiên, một người tự nhận là phó chỉ huy nói hôm 24/10 rằng khó có khả năng quân nổi dậy sẽ tin chính phủ Syria. "Chúng tôi không nghĩ chính phủ nghiêm túc khi đồng ý ngưng bắn, vì hơn 200 người đã hy sinh mỗi ngày bởi các lực lượng của chính phủ", Malek Kurdi nói.

Thật ngốc nếu hy vọng về một lệnh ngừng bắn tuyệt đối, Aram Nerguizian - một chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Các Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington - nhận xét. Theo ông, giết chóc thỉnh thoảng sẽ vẫn diễn ra. Một lệnh ngừng bắn trong bối cảnh này là về một mục tiêu lớn hơn, yêu cầu các lữ đoàn nổi dậy và quân đội của ông Assad tạm thời dừng lại hoặc giảm bớt giết chóc. Ông cho rằng, chính phủ Syria có thể đang muốn có cơ hội nghỉ xả hơi. 

Ở New York, các thành viên Hội đồng Bảo an đã có cuộc họp qua điện thoại với đặc sứ Brahimi. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với một lệnh ngưng bắn nhưng không lạc quan về tính hiệu quả của nó. 

Đại sứ Đức nói rằng Brahimi đã vẽ ra một cái nhìn "kinh khủng và ấn tượng" về Syria, và Đức sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ một lệnh ngưng bắn. Tuy nhiên, ông Peter Whittig nói rằng quan trọng là "thận trọng và có óc thực tế".

Nga và Trung Quốc có quan hệ gắn bó với Syria từ lâu và bị cáo buộc ủng hộ chính quyền Assad. Cả hai nước đều phản đối hành động cứng rắn hơn đối với chính phủ Syria.  

Navi Pillay, phụ trách về nhân quyền của Liên Hợp Quốc, nhắc lại điệp khúc của bà trong 19 tháng qua: rằng cộng đồng quốc tế phải có các biện pháp khẩn thiết để bảo vệ người dân Syria.

Và Mỹ xen vào khi Ngoại trưởng Hillary Clinton nói Washington "muốn chứng kiến một sự chuyển giao chính trị diễn ra". 

Trong khi đó ở Syria, máu vẫn tiếp tục đổ.

Ngày 24/10, 124 người tử vong trên khắp cả nước, theo Ủy ban Điều phối địa phương về Syria, một mạng lưới gồm các nhà hoạt động đối lập. Một vụ đánh bom ở Damascus đã giết chết 4 người. Một xe gài bom phát nổ tại Quntari; lính chính phủ cũng thiệt mạng. Ở thành phố Douma, ít nhất 15 người bị giết hại. Quân nổi dậy và quân chính phủ đổ tội cho nhau.

Rất khó để có một mô tả chính xác về những gì đang diễn ra bên trong Syria, bởi vì chính phủ nước này cấm các phóng viên nước ngoài. 

Từng có chút hy vọng về lệnh ngừng bắn hồi tháng 4, khi chính phủ Syria nhất trí về một kế hoạch hòa bình 6 điểm. Thỏa thuận đó bao gồm trả tự do cho những người bị bắt và mở tiếp cận cho viện trợ nhân đạo. Văn bản này hứa hẹn cho phép báo chí quốc tế vào Syria và cho phép biểu tình hòa bình. Chính phủ Syria cũng cam kết sẽ rút vũ khí hạng nặng và quân đội khỏi các khu dân cư.  

Nhưng lệnh ngưng bắn chỉ kéo dài vài giờ trước đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice phát biểu rằng Syria không tuân thủ đầy đủ.

Mọi thứ trượt dốc kể từ đó.

Bạo lực nổ ra cùng ngày và kế hoạch hòa bình đổ vỡ chỉ trong vài ngày. Cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm cam kết. 

(Theo CNN)

 

Tin xem nhiều