Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính phủ Mali tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11

04:09, 19/09/2013

Chính phủ Mali ngày 18/9 đã quyết định tổ chức vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24/11 và vòng 2, nếu có, sẽ diễn ra vào ngày 15/12 tới, trên toàn lãnh thổ nước này.

Cử tri Mali bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Bamako.
Cử tri Mali bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Bamako.

Chính phủ Mali ngày 18/9 đã quyết định tổ chức vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 24/11 và vòng 2, nếu có, sẽ diễn ra vào ngày 15/12 tới, trên toàn lãnh thổ nước này.

Phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn nguồn tạp chí Afrique cho biết quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Mali diễn ra cùng ngày tại Bamako dưới sự chủ tọa của Tổng thống Ibrahim Boubakar Keita và sau khi đã tham khảo ý kiến của 15 chính đảng có ghế trong Quốc hội.

Thông cáo của chính phủ Mali cho biết chiến dịch vận động tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 3-22/11. Nếu phải tổ chức vòng 2, các ứng cử viên có thể vận động tranh cử một ngày sau khi kết quả chính thức của vòng 1 được công bố ngày 13/12.

Sau cuộc bầu cử tổng thống, cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ giúp Mali có được các thể chế Nhà nước có thẩm quyền và tính hợp pháp được công nhận để đưa đất nước bước vào tiến trình tái thiết sau cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 18 tháng.

Trên tinh thần đó, các lực lượng vũ trang Touareg và Da Đen ở Mali sau hai ngày 17 và 18/9 nhóm họp tại Bamako đã ký tuyên bố chung cam kết cùng giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Bắc Mali, lên kế hoạch bảo đảm an ninh, phát triển và cùng chung sống trên các vùng đất của mình, đồng thời lập nhóm công tác để tìm kiếm lập trường chung trước khi tiến hành thương lượng với chính quyền Bamako.

Tuy nhiên, thông báo ấn định thời điểm tổ chức tổng tuyển cử đã khiến một số đảng phải tức giận do các đảng này chưa được dành đủ thời gian cân nhắc đề xuất đó.

Mặt trận thống nhất Bảo vệ Dân chủ và Cộng hòa (FDR), một tập hợp 40 đảng phái và khoảng 100 tổ chức xã hội dân sự tại Mali đòi hỏi sự "tham khảo ý kiến tầng lớp chính trị Mali" trước khi thống nhất với việc hợp tác tổ chức bầu cử.

Phó chủ tịch Phong trào dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) Mahamadou Djeri Maiga cho biết tổ chức vũ trang của người Touareg này sẽ "chỉ thương lượng với Bamako trên cơ sở quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ phía Bắc."

Tuy nhiên, Tổng thống Keita tỏ thái độ cứng rắn khi tuyên bố mọi thứ "đều có thể được đưa ra thảo luận," trừ vấn đề "toàn vẹn lãnh thổ của Mali và quyền tự trị cho miền Bắc".

TTXVN

Tin xem nhiều