Báo Đồng Nai điện tử
En

Châu Âu bừng tỉnh trước vấn nạn nhập cư trái phép

02:10, 22/10/2013

Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã “bừng tỉnh” trước thảm kịch kinh hoàng đầu tháng 10 vừa qua, cướp đi mạng sống của hơn 300 người nhập cư trái phép. Có khoảng 500 người trên con tàu xấu số này và đa phần trong số họ đã bỏ mạng khi chỉ còn cách “bến bờ hạnh phúc”- hòn đảo Lampedusa của Italy đúng 500 mét.

Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã “bừng tỉnh” trước thảm kịch kinh hoàng đầu tháng 10 vừa qua, cướp đi mạng sống của hơn 300 người nhập cư trái phép. Có khoảng 500 người trên con tàu xấu số này và đa phần trong số họ đã bỏ mạng khi chỉ còn cách “bến bờ hạnh phúc”- hòn đảo Lampedusa của Italy đúng 500 mét.

Người di cư Somalia gặp nạn tại biển Địa Trung Hải sau khi được tàu chiến USS San Antonio cứu ngày 17/10. Ảnh: AFP-TTXVN
Người di cư Somalia gặp nạn tại biển Địa Trung Hải sau khi được tàu chiến USS San Antonio cứu ngày 17/10. Ảnh: AFP-TTXVN

Đây không phải lần đầu tiên những con tàu mang theo khát vọng đổi đời của người nhập cư bị chìm ngoài khơi, và có lẽ nó cũng không phải là con tàu xấu số cuối cùng. Chỉ có một điều chắc chắn- các nhà chức trách châu Âu sẽ không thể làm ngơ trước vấn nạn đau lòng này. Thực tế, Chính phủ Italy đã lần đầu tiên tuyên bố quốc tang để tưởng nhớ những người nhập cư thiệt mạng.

Bộ trưởng Nội vụ các nước EU cũng đã nhóm họp tại Luxembourg để thảo luận vấn đề nhập cư. Cuộc họp tuy không hẳn kịp thời, song cũng có thể đem lại giải pháp nào đó, khi mà ai cũng biết chắc chắn sẽ còn nhiều con tàu nữa có thể chìm ngoài khơi, vì chở theo quá nặng những khát vọng đổi đời của người tị nạn, chủ yếu đến từ những nước nghèo đói và bị chiến tranh tàn phá ở châu Phi.

“Báo Độc lập” (Nga) bình luận phải chăng “châu Âu như một pháo đài không chấp nhận người nhập cư”? Song dù muốn hay không, châu Âu lúc này phải thừa nhận tình trạng di cư trái phép như một trào lưu không thể ngăn cản. Italy để tang người nhập cư, hay việc các nhà lãnh đạo EU tích cực tìm giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này hơn nữa...

Tất cả điều đó nói lên một thực tế, dù muốn hay không, đã đến lúc EU cần xem xét vấn nạn nhập cư dưới một góc cạnh khác. EU không thể cứ “cao cổng kín tường”, bỏ mặc người di cư chết chìm khi nhìn về “miền đất hứa”.

Ngoài khát vọng đổi đời của người nhập cư, khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc đưa người nhập cư trái phép đã khiến những kẻ môi giới, vận chuyển người khó lòng từ bỏ miếng mồi béo bở. Trong khi đó người di cư đã và sẽ không bao giờ được cảnh tỉnh bởi những con số thống kê đáng sợ- trong 20 năm qua, những kẻ đưa người nhập cư trái phép đã thu bộn tiền, mà không hề phải đền bù cho khoảng gần 19.000 “khách hàng-bị hại” của họ đã bỏ mạng ngoài khơi.

Xác các nạn nhân trong vụ lật tàu gần đảo Lampedusa của Italy ngày 3/10. Ảnh: AFP-TTXVN
Xác các nạn nhân trong vụ lật tàu gần đảo Lampedusa của Italy ngày 3/10. Ảnh: AFP-TTXVN

Sau thảm kịch đau lòng, EU yêu cầu 28 nước thành viên tăng cường hoạt động tìm kiếm cứu hộ trên toàn Địa Trung Hải, đây cũng chính là một phần trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn đang ồ ạt đổ vào lục địa già. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz khẳng định cần nhanh chóng cải thiện chính sách di cư của EU.

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cũng nhấn mạnh thảm họa hôm 3/10 cho thấy sự cấp thiết phải có một chính sách tổng thể, cân đối và thống nhất về nhập cư trên toàn châu Âu. Theo ông, “EU cần tăng cường đấu tranh chống các mạng lưới tổ chức nhập cư trái phép vào châu Âu”. Bên cạnh đó, tại chính quê hương những người tị nạn, cần phát triển các chương trình cải thiện điều kiện sống cho người dân, để họ không đổ xô đi tìm “miền đất hứa”.

Trong khi đó, Báo cáo viên đặc biệt LHQ về quyền của người nhập cư, ông Francois Crepo đã đau buồn cho rằng thảm họa này sẽ không xảy ra nếu chính sách nhập cư của EU “không như hiện nay”. Ông Crepo cho rằng mọi biện pháp để giải quyết vấn nạn này không được phép nhằm vào người nhập cư, mà phải nhằm vào những đối tượng môi giới, tổ chức và chuyên chở người nhập cư.

Thảm họa Lampedusa một lần nữa cho thấy chính sách nhập cư của EU còn nhiều bất cập, một chính sách vốn đã chịu nhiều chỉ trích do buộc người nhập cư liều lĩnh hơn để có thể tới được châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách Nội vụ Cecillia Malmstroem cho rằng EU cần thay đổi chính sách nhập cư quá cứng rắn và mở ra các con đường cho người nhập cư, chẳng hạn cấp “hộ chiếu nhân đạo” hoặc cho phép người tị nạn vào những khu vực ngoài lãnh thổ EU.

Dù thế nào, châu Âu không nên biến mình thành một “pháo đài” bất khả xâm phạm trước dòng người nhập cư. Song giải pháp để làm được điều đó vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Theo TTXVN

 

Tin xem nhiều