Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảm kịch Libya được coi là bản án của chủ nghĩa đế quốc

11:08, 05/08/2014

Khi các nhân viên ngoại giao Mỹ phải di tản vội vã từ Tripoli đến Tunisia, đó là kết quả của một thảm kịch có mầm mống cách đây ba năm bởi chiến tranh do Mỹ và NATO tiến hành tại Libya.

Khi các nhân viên ngoại giao Mỹ phải di tản vội vã từ Tripoli đến Tunisia, đó là kết quả của một thảm kịch có mầm mống cách đây ba năm bởi chiến tranh do Mỹ và NATO tiến hành tại Libya. 
Khói bốc lên từ khu vực gần sân bay Tripoli khi chiến sự nổ ra tại đây. (Nguồn: AP)
Khói bốc lên từ khu vực gần sân bay Tripoli khi chiến sự nổ ra tại đây. (Nguồn: AP)
Trong những ngày gần đây, giao tranh giữa lực lượng dân quân đối địch nổ ra ở thủ đô Libya dữ dội đến nỗi các quan chức Mỹ không dám bay từ sân bay Tripoli ở gần đó.

Theo các nguồn tin khu vực, họ chạy trốn bạo lực bằng đường bộ với xe địa hình và được yểm trợ bằng phi cơ chiến đấu và một tàu chiến ở ngoài khơi Libya, sẵn sàng loại bỏ bất cứ ai cản đường của họ. 

Người ta còn nhớ, trong năm 2011, các thế lực đế quốc đã trang bị vũ khí cho chính các lực lượng dân quân này trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh nhằm mục đích loại bỏ Tổng thống Muammar Gaddafi. 

Hậu quả một đất nước bị tàn phá, ngành công nghiệp dầu lửa, trọng tâm của nền kinh tế bị đình đốn và một cuộc nội chiến ngày càng lan rộng tại Libya. 

Cũng vào thời điểm nói trên, hàng chục ngàn người Libya đã thiệt mạng khi Mỹ, Anh, Pháp và các đồng minh của họ ở Trung Đông ném bom Libya, đồng thời trang bị vũ khí cho một tập hợp các lực lượng dân quân Hồi giáo có quan hệ với al-Qaeda, các lực lượng bộ tộc và một số đơn vị ly khai từ chế độ Gaddafi được họ sử dụng làm đội quân dưới mặt đất. 

Tại Libya, cũng như trước đây ở Afghanistan và Iraq, sự can thiệp ban đầu của chủ nghĩa đế quốc chỉ mở đường cho cuộc tàn sát và sự tàn phá lớn hơn.

Chính quyền thân phương Tây tại Libya đã thất bại thảm hại trong khi cố gắng nắm quyền tại một đất nước bị tàn phá, dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân quân Hồi giáo và bộ lạc xung đột với nhau.

Ở Benghazi, một lực lượng dân quân Hồi giáo đã sát hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens trong năm 2012 và trong tháng 3 vừa qua, một cuộc đảo chính buộc Thủ tướng Ali Zeidan, được Mỹ hỗ trợ, phải chạy trốn khỏi đất nước, trước khi diễn ra cuộc di tản vội vã gần đây của Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli. 

Kết cục nói trên tố cáo sự can thiệp tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc ở Trung Đông vì lợi ích của tư bản tài chính và dầu khí. Lo sợ trước các cuộc nổi dậy của quần chúng lật đổ chế độ độc tài thân phương Tây ở Tunisia và Ai Cập, các thế lực đế quốc đã tìm cách tổ chức ở Libya, quốc gia nằm giữa hai nước này, một cuộc chiến tranh nhằm thay đổi chế độ và thiết lập tại đây một chế độ bù nhìn dưới sự kiểm soát của Mỹ. 

Cần nhắc lại rằng năm 1970, chính quyền của Tổng thống Gaddafi đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu lửa dẫn đến một sự gia tăng đáng kể về mức sống của người Libya, nhưng lại là một trở ngại cho các tập đoàn dầu khí Phương Tây. Với quan điểm của họ, ở Libya cũng như ở Iraq, một cuộc nội chiến trả giá bằng mạng sống của hàng trăm ngàn người, chỉ là những chi phí được phát sinh nhằm phục vụ cho việc trục lợi của họ từ nguồn dầu lửa trong khu vực. 

Do vậy, các thế lực đế quốc tại Mỹ và các nước Phương Tây khác cần phải bị lên án khi châm ngòi cho các cuộc tàn sát hiện này ở Libya cũng như tại Iraq./.

(VIETNAM+)

Tin xem nhiều