Báo Đồng Nai điện tử
En

Bầu cử Quốc hội Ukraine khóa 8 - cuộc bầu cử khó đoán định

04:10, 25/10/2014

Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa 8 (Verkhovnaya Rada) trước thời hạn ở Ukraine, được ấn định vào ngày Chủ nhật 26/10, đang tới thật gần.

Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa 8 (Verkhovnaya Rada) trước thời hạn ở Ukraine, được ấn định vào ngày Chủ nhật 26/10, đang tới thật gần.
Trụ sở Quốc hội Ukraine, vốn bị phá hoại trong các vụ đụng độ ngày 14/10 vừa qua, đã được tu sửa kịp thời ngay trước ngày bầu cử. (Nguồn Reuters)
Trụ sở Quốc hội Ukraine, vốn bị phá hoại trong các vụ đụng độ ngày 14/10 vừa qua, đã được tu sửa kịp thời ngay trước ngày bầu cử. (Nguồn Reuters)
Cuộc bầu cử được dư luận Ukraine và thế giới đặc biệt quan tâm bởi nó diễn ra trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và dai dẳng suốt gần một năm qua, được đánh dấu bởi những thời khắc, sự kiện đau buồn và cả máu của những người dân vô tội, kể từ khi vị Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich, nhắc tới hai từ "tạm dừng" kế hoạch liên kết sâu rộng hơn với Liên minh châu Âu hồi tháng 11/2013, tiếp đó là cuộc bầu cử Tổng thống sớm hồi tháng 5/2014 và việc khôi phục hiệu lực của Hiến pháp Ukraine năm 2004 theo hình thức Nghị viện-Tổng thống.

Nguyên nhân chính khiến Ukraine phải bầu cử Quốc hội trước thời hạn là do sự sụp đổ ngày 24/7 của liên minh đa số ủng hộ Chính phủ tại Quốc hội.

Trong vòng một tháng, liên minh mới không được hình thành nên theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội.

Ngày 25/8, trong tuyên bố chấm dứt quyền hạn của quốc hội khóa 7, Tổng thống mới đắc cử Ukraine Petro Poroshenko coi đây là "quyết định có trách nhiệm và đúng đắn duy nhất," được đưa ra dựa trên kết quả thăm dò ý kiến xã hội, mà theo ông, có tới "80% người dân ủng hộ bầu cử trước thời hạn."

Bên cạnh đó, Tổng thống Poroshenko đánh giá thành phần tại Quốc hội khóa 7 không phù hợp với "tâm trạng" chính trị của xã hội Ukraine và việc tiến hành bầu cử sớm là một phần trong kế hoạch hòa bình với yếu tố then chốt là "đối thoại chính trị với Donbass."

Theo ông Poroshenko, những đại biểu được khu vực Donbass bầu chọn sẽ giành được sự tin tưởng và quyền đại diện cho khu vực trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền trung ương.

Tổng thống Poroshenko cũng hy vọng cuộc bầu cử Verkhovnaya Rada ngày 26/10 sẽ là bước đệm hợp thức hóa quyền lực để ông có thể hoàn thành kế hoạch hòa bình gây nhiều tranh cãi ký hồi đầu tháng Chín cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau hàng loạt thất bại nghiêm trọng của quân đội nước này trước lực lượng nổi dậy.

"Ông trùm ngành chocolate" thân phương Tây mong muốn thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp các ngành công nghiệp quan trọng của Ukraine, vốn bị ảnh hưởng và đình trệ do các vụ đụng độ nghiêm trọng diễn ra hàng ngày, sẽ nhanh chóng tái hoạt động và từng bước cải thiện nền kinh tế Ukraine.

Cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn này sẽ được tổ chức theo luật hiện hành, tức là một nửa trong tổng số 450 ghế của Quốc hội Ukraine sẽ được bầu theo danh sách các chính đảng và một nửa còn lại sẽ được bầu theo các khu vực.

Có tổng cộng 29 đảng phái sẽ tham dự cuộc chạy đua này. Ngoài ra, do sự "ra đi" của Crimea và cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, bởi vậy thay vì 225 đại biểu được bầu theo danh sách các khu vực có thể sẽ chỉ bầu được 213 đại biểu (10 đại biểu của Crimea và 2 đại biểu của thành phố Sevacstopol hiện sẽ chưa được bầu). Một số nguồn tin còn cho biết 14 nghị sỹ của vùng Donbass cũng có thể sẽ chưa được bầu.

Bất chấp tuyên bố tẩy chay bầu cử ngày 23/9 của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, rằng họ sẽ tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử vào ngày 2/11 để chọn các nhà lãnh đạo và Quốc hội của họ, Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraine (SIC) cho biết vẫn sẽ tổ chức các điểm bỏ phiếu tại hai phần ba trong tổng số 32 huyện ở Donetsk và Lugansk, nơi dự kiến sẽ có khoảng trên dưới 2 triệu cử tri đi bầu.

Công tác chuẩn bị cho bầu cử cũng tương đối công phu, trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine sa sút trầm trọng. Số tiền dự kiến chi cho bầu cử, theo SIK, được phê duyệt lên tới 957,8 triệu gripna, tương đương 65 triệu USD.

Các lá phiếu bầu được in ấn bằng tiếng Ukraine với công nghệ đặc biệt, các hòm phiếu được bảo vệ bằng những lớp sơn đặc biệt... Tất cả chỉ nhằm một mục đích tránh gian lận trong bầu cử, nhằm có thể tìm ra một cơ quan lập pháp hợp lòng dân nhất.

Trước thềm cuộc bầu cử, giới phân tích cho rằng đây sẽ là cơ hội củng cố lực lượng thân phương Tây và dân tộc chủ nghĩa. Và họ cũng sẽ là những nhân tố quyết định xem liệu Tổng thống Poroshenko có thể tạo lập hòa bình với Kremlin trong khi vẫn duy trì ưu thế trước phe ly khai ở miền Đông hay không.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít lo ngại rằng trên thực tế Tổng thống Poroshenko đã phải nhượng bộ Nga, với bằng chứng là đề xuất trao quyền tự trị giới hạn cho các khu vực ly khai để đổi lấy hòa bình. Điều đó càng củng cố hơn hy vọng giành chiến thắng của các đảng dân tộc chủ nghĩa - lực lượng luôn từ chối đàm phán với Nga.

Thời điểm cử tri Ukraine đi bầu cử một thể chế có quyền chỉ định thủ tướng và hầu hết các vị trí trong nội các đang tới thật gần.

Và theo các kết quả thăm dò, hiện Khối Petro Poroshenko của Tổng thống Poroshenko đang dẫn đầu các bảng xếp hạng song vẫn chưa đạt đủ đa số cần thiết để thành lập chính quyền và họ sẽ phải liên minh với các chính đảng khác để có thể thành lập chính phủ.

Giới phân tích cũng cho rằng Tổng thống Poroshenko nhiều khả năng sẽ không phải nhượng bộ đáng kể (với Kremlin) nếu ông có thể thành lập một liên minh cầm quyền với Mặt trận Nhân dân, mới được thành lập của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk.

Ông Yatsenyuk là người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Ukraine với các đối tác cho vay phương Tây và cũng chính là người mà Tổng thống Poroshenko có thể trông cậy nếu Ukraine buộc phải triển khai các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo điều kiện gói cứu trợ toàn cầu trị giá 27 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, sự thể hiện kém cỏi của ông Yatsenyuk có thể sẽ khiến Tổng thống Poroshenko phải tìm kiếm một liên minh với đối thủ kỳ cựu là cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko - người luôn lớn tiếng chỉ trích ông Putin, hoặc với Đảng Cấp tiến của nhà dân túy khó lường Oleg Lyashko.

Trong khi đó, các cử tri ủng hộ Kremlin sẽ chỉ có hai lựa chọn, giữa một bên là Đảng Cộng sản đang suy yếu với một bên là Khối Đối lập - được thành lập một cách vội vàng, quy tụ một nhóm các nhà tài phiệt và chính trị gia từng ủng hộ cựu Tổng thống Yanukovych.

Trước thềm cuộc bầu cử, Tổng thống Poroshenko đã lên tiếng khẳng định: "Bất cứ cuộc bầu cử nào do lực lượng đối lập tiến hành không tuân theo hiến pháp Ukraine, không có quan sát viên, vi phạm quyền bầu cử của công dân Ukraine đều không được Ukraine và toàn thế giới công nhận."

Ông Poroshenko đồng thời cũng kêu gọi "Nga không công nhận kết quả cuộc bầu cử này." Trong khi đó, từ một tuần qua, Nga đã lên tiếng cam kết đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu được tổ chức tại Moskva.

Liệu cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn có thể tạo ra bước đột phá quan trọng, giúp xoay chuyển tình hình Ukraine vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng hay không? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Song với thực trạng kinh tế suy kiệt, mâu thuẫn phe phái và xã hội sâu sắc hiện nay ở Ukraine, có thể thấy rõ một cuộc bầu cử là hoàn toàn chưa đủ để giúp Ukraine giải quyết các vấn đề của mình. Và cuộc bầu cử lần này có lẽ chỉ dừng lại như “phép thử” đối với một bên là chính sách ôn hòa của Tổng thống Poroshenko và một bên là các chủ trương cực đoan hiếu chiến hơn của các lực lượng cánh hữu Ukraine./.
(VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều