Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc cách mạng 14 năm của người Đức

10:07, 16/07/2014

Chức vô địch thế giới thứ 4 và là chiếc cúp đầu tiên của nước Đức thống nhất không phải tự dưng mà có. Đó là kết quả, trái ngọt của một chiến lược đầu tư kiên định mà người ta gọi là "kế hoạch 14 năm".

Chức vô địch thế giới thứ 4 và là chiếc cúp đầu tiên của nước Đức thống nhất không phải tự dưng mà có. Đó là kết quả, trái ngọt của một chiến lược đầu tư kiên định mà người ta gọi là “kế hoạch 14 năm”. Sau chức VĐ Italia 90, nền bóng đá (BĐ) Đức hùng mạnh rơi vào khủng hoảng. 2 kỳ World Cup liên tiếp sau đó, “cỗ xe tăng” đều dừng bước ở tứ kết, trong đó có thất bại nhục nhã 0-3 trước Croatia ở France 98. Đến Euro 2000, Đức thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng (bị Romania cầm hòa 0-0, thua Anh 0-1 và Bồ Đào Nha 0-3). Đó là giọt nước tràn ly. Không chỉ đi xuống về thành tích, người Đức còn đau đớn với nhận xét của Brian Laudrup sau khi Đan Mạch thắng họ 2-0 ở chung kết Euro 1992: “Người Đức coi BĐ là làm việc. Liệu có khán giả nào đi xem người khác... làm việc không?”.

Ban huấn luyện tuyển Đức tự hào với nhiệm vụ vừa hoàn thành một cách xuất sắc.
Ban huấn luyện tuyển Đức tự hào với nhiệm vụ vừa hoàn thành một cách xuất sắc.

Từ đây, LĐBĐ Đức (DFB) bắt đầu quá trình cải cách tận gốc nền BĐ, về cả tư duy, đào tạo lẫn nhân sự và tổ chức. Người Đức nhận ra muốn thay đổi hình ảnh của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) phải bắt đầu công cuộc cải tổ từ cấp CLB, bởi không thể áp dụng lối chơi mới cho ĐT khi các cầu thủ đã quen với nếp đá cũ ở CLB. Một công cuộc “đãi cát tìm vàng” trên phạm vi quốc gia bắt đầu. DFB đứng ra tổ chức các chương trình tuyển chọn trên khắp đất nước, bắt đầu dạy kỹ năng chơi bóng cho trẻ em từ 6-8 tuổi. Một khoản kinh phí lên đến 80 triệu euro hàng năm và một đội ngũ HLV chuyên nghiệp của DFB được đưa xuống các CLB (kể cả hạng nhì) và liên đoàn địa phương để làm công tác đào tạo trẻ theo cùng một giáo án, mô hình thống nhất. Thống kê năm 2010 cho thấy, DFB có 366 cơ sở đào tạo trẻ, và hiện 1 ngàn HLV đang dạy dỗ cho 14 ngàn tài năng trong lứa tuổi 11-14, lứa tuổi bắt đầu định hướng chuyên nghiệp, lấy kỹ thuật cơ bản, cơ sở chiến thuật và sự sáng tạo trong lối chơi là nội dung học tập chủ yếu.

Với tỷ lệ “chọi” 50 ngàn lấy 1, lứa trái ngọt đầu tiên đã cho thu hoạch với chức VĐ U.21 châu Âu 2009 mà 6 cầu thủ khi ấy vừa cùng Die Mannschaft lên ngôi ở Brasil 2014: Neuer, Howedes, Boateng, Khedira, Ozil, Hummels. Còn cuộc cách mạng về lối chơi của ĐT Đức được khởi xướng và bắt đầu từ World Cup 2006, dưới triều đại Jurgen Klinsmann. Từ một “cỗ xe tăng” xù xì, thô kệch, khô khan, Đức chơi tấn công cống hiến, quyến rũ. Sau thành tích hạng 3 tại kỳ World Cup trên sân nhà ấy, cuộc cách mạng về tư duy lối chơi của Klinsmann được người trợ lý Joachim Low tiếp nối bằng chiếc HCĐ World Cup 2010 và 1 ngôi á quân Euro 2008 cùng đồng hạng 3 Euro 2012, và bây giờ là đỉnh cao VĐ World Cup 2014.

***

Tân chủ tịch và Liên đoàn BĐ Việt Nam khẳng định sẽ chấp nhận hy sinh thành tích trước mắt để xây nhà từ móng, nhưng tất cả những gì VFF làm cho đến nay là hướng mắt về người Nhật. Không hề có một chiến lược phát triển dài hạn, không kế hoạch đào tạo nào. Công tác đào tạo trẻ bấy lâu nay là chuyện của các CLB, thậm chí VFF hoàn toàn không hề có sự hỗ trợ về cả kinh phí lẫn định hướng chuyên môn. Trong khi đó, công trình Trung tâm đào tạo trẻ của VFF trị giá 140 tỷ đồng từ sự hỗ trợ của FIFA, suốt 6 năm ngốn cả trăm tỷ đồng, không cho ra bất kỳ sản phẩm nào, thậm chí không có nguồn để chiêu sinh(?). Bài học của người Đức cho thấy đào tạo trẻ phải là một chiến lược thống nhất ở tầm vĩ mô vì đây là chuyện của cả nền BĐ quốc gia.

Đông Kha

 

 

Tin xem nhiều