Báo Đồng Nai điện tử
En

Tại sao?

09:07, 24/07/2014

Những ngày qua tôi nhận được rất nhiều câu hỏi này, đồng thời cũng tự hỏi mình trước scandal "bán độ" của 6 cầu thủ Đồng Nai (ĐN).

Những ngày qua tôi nhận được rất nhiều câu hỏi này, đồng thời cũng tự hỏi mình trước scandal “bán độ” của 6 cầu thủ Đồng Nai (ĐN). Tại sao chuyện động trời như vậy lại rơi vào ĐN, một đội bóng chỉ thuộc hàng trung bình ở V.League và lâu nay vốn luôn “gió yên, biển lặng”, được tiếng nội bộ thuần, cầu thủ lành tính? Tại sao các cầu thủ lại táo tợn “bán mình cho quỷ”, bất chấp đánh đổi quá khứ lẫn tương lai bản thân?

Cầu thủ Đồng Nai cúi đầu, che mặt trước ống kính phóng viên khi viết tường trình.
Cầu thủ Đồng Nai cúi đầu, che mặt trước ống kính phóng viên khi viết tường trình.

Với câu hỏi đầu không khó giải thích, bởi cả 6 cái tên “nhúng chàm” đều là những gương mặt mới đến ĐN mùa này sau khi đã đi qua nhiều môi trường bóng đá phức tạp. Còn câu hỏi sau thì thật khó lý giải. Hẳn nhiên là người ta bán mình vì tiền. Nhưng giới cầu thủ chuyên nghiệp hiện tại đâu có thiếu thốn, thậm chí “xông xênh” là đằng khác. Riêng ở ĐN, dù không phải là CLB “đại gia”, nhưng mức đãi ngộ hoàn toàn không hề thua kém mặt bằng chung của V.League. Lương tháng mỗi cầu thủ nội đá chính từ 20-25 triệu đồng (thấp nhất cũng 15 triệu đồng), cộng tiền thưởng cho mỗi trận thắng, một cầu thủ loại A được nhận khoảng 15 triệu đồng. Có nghĩa cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập của cả những ngành nghề đòi hỏi trình độ và ngất ngưởng so với người lao động bình thường. Đó là chưa kể khoản lót tay, như Long Giang số tiền tích lũy có thể lên đến cả chục tỷ đồng khi đầu quân cho Navibank SG và về ĐN cũng phải nhận không dưới 400 triệu đồng/năm, hay Hữu Phát từ ĐN về K.Khánh Hòa với giá 600 triệu đồng/năm và trở về lại đội bóng quê hương Phát cũng được nhận 400 triệu đồng/năm.

Không có nhà tài trợ, đội bóng ĐN chủ yếu sống bằng nguồn ngân sách địa phương, có lúc CLB phải chạy vạy, “giật gấu vá vai”, thậm chí vay mượn để đảm bảo chi trả kịp thời lương, thưởng để VĐV an tâm thi đấu, cống hiến, thế mà họ lại quay lưng với sự chăm lo ấy, với những đồng tiền thuế của nhân dân.

Hoàn cảnh, hậu phương của các cầu thủ “nhúng chàm” cũng chẳng phải khó khăn. Gia đình Long Giang ở Tiền Giang  khá giả, đi ĐN đá bóng bằng xe hơi, theo lời cha mẹ anh khi lên xin lỗi HLV Trần Bình Sự và đội bóng: “Từ trước đến giờ chưa hề để cho nó phải thiếu thốn tiền bạc”. Còn Hữu Phát có tin đã đặt cọc mua 2 lô đất vàng ở khu dân cư Golden Hill, thị trấn Trảng Bom dự tính kinh doanh. Hay như trường hợp của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng - người được xác định chủ mưu trong vụ dàn xếp tỷ số của V.Ninh Bình ở AFC Cup, gia đình là tiệm giò chả lớn, có tiếng ở Nam Định.

Lòng tham con người là vô đáy, cộng thêm đồng tiền “đen” kiếm được quá dễ, trong khi trình độ và nền văn hóa của đa phần giới cầu thủ đều thấp để nhận thức đầy đủ những hậu quả và tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nên họ đã không đủ “sợ” để nói “không” trước những cám dỗ (chưa nói đến động cơ có thể là vì thua cờ bạc, cá độ nên tìm cách gỡ gạc). Cũng phải nói đến sự nhiễu nhương của môi trường bóng đá Việt Nam nhiều năm qua đã tạo điều kiện dung dưỡng, tiếp tay cho tiêu cực, chỉ có điều giờ khối u mới vỡ bọc.

Tuy nhiên, tội phạm không bỗng nhiên hình thành trong một ngày một bữa. Soi lại tất cả 6 cầu thủ phạm tội đều từng có vấn đề, có “tì vết” trong quá khứ, hoặc từng trải qua môi trường “sống chung với lũ”. Nổi bật là nghi án bán độ của trung vệ trẻ Phan Lưu Thế Sơn với cú đá thẳng vào lưới nhà U.19 VN trong trận gặp U.21 Singapore ở giải U.21 quốc tế 2010 trong tình huống không hề bị gây áp lực và có đến 3 phương án đưa bóng lên. Cùng với Sơn, đàn anh Long Giang cũng là thành viên đội bóng đầy tai tiếng XM.XTSG của “cò” Đại với hàng loạt nghi vấn tiêu cực ở V.League 2013 mà đỉnh điểm là trận thua sặc mùi trước K.Kiên Giang, bị VFF kỷ luật dẫn đến xóa sổ. Trước đó, cầu thủ gốc Tiền Giang này là một trong 2 trung vệ chính của ĐT U.23 bị đặt rất nhiều dấu hỏi tại SEA Games 2007 ở Nakhon, Thái Lan. Còn Hà Niệm Tiến, Đinh Kiên Trung, trước khi về K.Kiên Giang từng là cầu thủ của CLB TP.Hồ Chí Minh, có trận đấu tai tiếng trước Bình Định ở lượt trận cuối giải hạng nhất 2011. Với Đức Thiện, có lẽ không phải vô cớ mà Bình Định bỏ ra một đống tiền đưa anh về từ B.Bình Dương, trao băng đội trưởng để rồi “nhốt” hẳn 1 năm không cho chơi bóng. Chỉ có Phạm Hữu Phát là chưa có điều tiếng gì nên mới gây bất ngờ nhất, nhưng có lẽ “mầm mống” đã được gieo từ 2 mùa chơi bóng ở K.Khánh Hòa và Hải Phòng.

Trong 6 cầu thủ “dính chàm” hầu hết đều mới ở độ tuổi 25, 26, riêng Thế Sơn chỉ mới 22, con đường phía trước còn rất dài, nhưng tất cả giờ đây đã đóng sập trước mắt. Không chỉ chắc chắn chấm dứt sự nghiệp cầu thủ, họ còn phải đối mặt với những năm tháng lao lý, tù tội. Giờ thì những gương mặt cúi gằm trước ống kính mới vì xấu hổ, không dám đối diện với chính mình, nhưng sắp tới sẽ là nỗi sợ hãi, ân hận giày vò. Thật xót xa, nhưng mọi sự đã quá muộn để... giá có thể làm lại!

Minh Chung

 

Tin xem nhiều