Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỉnh mộng!

10:08, 24/08/2014

Lần thứ 2 liên tiếp U.19 Việt Nam trượt chân ở trận chung kết và lần này là một trận thua tâm phục khẩu phục chứ không còn ấm ức vì đối phương đá xấu.

Lần thứ 2 liên tiếp U.19 Việt Nam trượt chân ở trận chung kết và lần này là một trận thua tâm phục khẩu phục chứ không còn ấm ức vì đối phương đá xấu.

2 thất bại trong vòng chưa đầy 1 năm ở giải đấu trẻ cấp khu vực chỉ ra thực tế, đúng là chúng ta đang có một lứa trẻ rất tài năng, được đào tạo bài bản nhất từ trước đến nay, nhưng trình độ vẫn chưa thể vượt tầm Đông Nam Á chứ chưa nói đến châu Á, hay như tham vọng ban đầu của “bầu” Đức là có thể bán cầu thủ sang châu Âu.

Thủ môn Lê Văn Trường ngồi khóc ngay trên sân sau trận thua Myanmar.
Thủ môn Lê Văn Trường ngồi khóc ngay trên sân sau trận thua Myanmar.

Không thể phủ nhận sự tiến bộ nhiều mặt của U.19 Việt Nam so với trận chung kết 1 năm trước trên đất Indonesia, đặc biệt là nét tích cực từ những nhân tố mới như Tuấn Tài, Phan Văn Long. Trận thua U.19 Myanmar trong thế rượt đuổi, ghi đến 3 bàn và có lúc đã vượt lên là rất đáng khen ngợi. Nhưng với sự kỳ vọng “vượt vũ môn” đặt vào “đội tuyển hy vọng” thì thất bại này giúp “vỡ” ra nhiều điều. Trước hết, phải thừa nhận dù không có sự đầu tư quy mô, một mô hình đào tạo tiên tiến, hiện đại như Học viện HAGL Arsenal JMG, nhưng U.19 Myanmar hơn hẳn các cầu thủ trẻ chúng ta không chỉ về tầm vóc, thể lực mà còn cả tốc độ lẫn lối chơi, một tư duy chơi bóng cũng luôn hướng lên phía trước nhưng tối giản và cực kỳ hiệu quả (rõ ràng việc họ đánh bại U.19 Indonesia và cả Nhật Bản là thực lực thực sự). Về mặt cá nhân, U.19 Việt Nam không hề thua kém, thậm chí hơn hẳn về kỹ thuật, nhưng lại không thể phát huy, biến thành sức mạnh tập thể. Cái thua trước tiên và chủ yếu của U.19 là từ vị trí thuyền trưởng. Dấu ấn Đức của HLV Gerd Zeise lên lối chơi của các cầu thủ trẻ Myanmar là rất rõ. Ông Zeise cũng tỏ ra hơn hẳn người đồng nghiệp trẻ Graechen bên phía U.19 Việt Nam một cái đầu, đặc biệt là khả năng làm chiến thuật. Điển hình nhất là khả năng tấn công biên sở trường của U.19 Việt Nam hoàn toàn bị triệt tiêu, phá sản khi hầu như cả trận này 2 hậu vệ cánh Hồng Duy, nhất là Lê Văn Sơn bị ghìm chặt ở phần sân nhà, không sao có thể dâng cao. Ngược lại, trong 20 phút đầu tiên khi U.19 Việt Nam chịu sức ép hết sức nặng nề, nguy cơ vỡ trận có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng HLV Guillume Graechen không có bất kỳ sự điều chỉnh chiến thuật hay đưa ra những chỉ đạo cần thiết nào cho các học trò. Nhưng cũng không thể chê Graechen, bởi vị HLV người Pháp đơn thuần là một ông giáo dạy đá bóng chứ không phải là một nhà cầm quân, lên sa bàn. Phải ghi nhận công lao đào tạo, dẫn dắt của “Giôm” nhưng có lẽ đã đến lúc U.19 Việt Nam cần có một HLV phù hợp theo sự trưởng thành, một ông thầy đại học.

Ngay sau cúp Hassanal Bolkiah 2014, về nước U.19 Việt Nam sẽ bước vào giải U.19 Đông Nam Á mở rộng, diễn ra trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội từ ngày 5 đến 13-9 tới. U.19 Việt Nam nằm ở bảng B sẽ có dịp gặp lại U.19 Nhật Bản và U.19 Australia. Còn bảng A là cuộc kỳ phùng địch thủ giữa 3 đội U.19 trong khu vực: Indonesia, Myanmar và U.19 Thái Lan.

Một cái thiếu quan trọng khác của U.19  Việt Nam là một thủ lĩnh trên sân, có khả năng cầm nhịp, chỉ huy, “xốc nách” đồng đội (Công Phượng rất tài hoa nhưng chỉ có khả năng lĩnh xướng hàng công). Việc toàn giải ghi được 16 bàn (Myanmar: 19 bàn) nhưng lại để thủng lưới đến 9 bàn (trong đó riêng trận chung kết chiếm gần phân nửa) cho thấy U.19 Việt Nam khá mong manh. Vấn đề ở đây không phải do năng lực của hàng thủ mà nằm ở cách vận hành chiến thuật khi đội bóng của HLV Graechen không sử dụng vai trò tiền vệ phòng ngự, đánh chặn; bộ đôi Xuân Trường, Tuấn Anh hầu như chỉ phục vụ tấn công và Myanmar đã khai thác triệt để điều này.

Một thất bại mang đến rất nhiều bài học, đặc biệt là biết mình đứng ở đâu để không bước hụt.

Đông Kha

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều