Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2014: Những câu hỏi cần trả lời

05:08, 19/08/2014

Sáng 19-8 tại TP.Hồ Chí Minh, VPF tiến hành tổng kết mùa giải 2014 và chiều cùng ngày sẽ tổ chức cuộc hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và công tác chuẩn bị mùa giải 2015.

Sáng 19-8 tại TP.Hồ Chí Minh, VPF tiến hành tổng kết mùa giải 2014 và chiều cùng ngày sẽ tổ chức cuộc hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và công tác chuẩn bị mùa giải 2015. Với việc lại thêm 1 CLB bỏ giải giữa chừng (V.Ninh Bình) và 2 vụ án tiêu cực, dàn xếp tỷ số khiến có tới 15 cầu thủ bị khởi tố, V.League dù cuối cùng cũng cập được bến cuối nhưng sẽ rất nực cười nếu BTC vẫn sử dụng cái điệp khúc quen thuộc “về đích an toàn” trong báo cáo.

Nhức nhối tình trạng gia tăng bạo lực sân cỏ tại V.League 2014. Trong ảnh: Cầu thủ Hải Phòng phản ứng trọng tài sau một vụ ẩu đả và có đến ba án phạt được đưa ra.
Nhức nhối tình trạng gia tăng bạo lực sân cỏ tại V.League 2014. Trong ảnh: Cầu thủ Hải Phòng phản ứng trọng tài sau một vụ ẩu đả và có đến ba án phạt được đưa ra.

Dư luận mong muốn tại 2 cuộc bàn thảo quan trọng hôm nay, trên tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc và đầy trách nhiệm (chứ không phải chỉ trích, cãi nhau như diễn biến 3 kỳ hội nghị tổng kết gần đây) lãnh đạo VFF, VPF, các bộ phận chuyên môn của BTC, cùng các CLB phải mổ xẻ, đưa ra cho được câu trả lời về những câu hỏi mang tính bức thiết, sống còn đến sự tồn tại và phát triển của bóng đá nước nhà. Báo cáo tổng kết phải phản ánh chính xác, đúng thực trạng công tác quản lý, tổ chức, điều hành cũng như tình hình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. “Bóng ma” tiêu cực, cầu thủ làm độ, dàn xếp tỷ số có phải chỉ dừng lại ở 2 CLB V.Ninh Bình và Đồng Nai hay còn “kính thưa những đội chưa bị phát hiện”? Công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa ra sao? Vì sao số bàn thắng tăng kỷ lục nhưng khán giả đến sân lại giảm? Tình trạng gia tăng bạo lực sân cỏ do đâu? Về chuyên môn không phải là những số liệu thống kê thuần túy, bề nổi... mà BTC phải đưa ra những đánh giá, phân tích về xu hướng chiến thuật, tiến bộ và hạn chế, nhất là tình hình sử dụng lực lượng trẻ ở các đội (chẳng hạn có bao nhiêu cầu thủ dưới 22 tuổi thường xuyên có mặt trong đội hình chính ở V.League, giải hạng nhất và họ đã thể hiện ra sao?)...

Cuộc hội thảo nhằm tiếp tục bổ sung, sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và phương hướng chuẩn bị mùa giải 2015, vấn đề cực kỳ quan trọng là xác định hướng đi, mô hình tồn tại (chứ chưa nói đến phát triển) của CLB chuyên nghiệp trong đặc điểm, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn. Rõ ràng VFF và VPF vẫn hoàn toàn bất lực trong biện pháp chế tài các CLB bỏ dở cuộc chơi. Một giải đấu “chuyên nghiệp” không thể như cái chợ, muốn đến thì đến muốn đi thì đi, thành viên nào không hài lòng, bất mãn, thậm chí thành tích không như ý thì gây sức ép, hăm dọa “nghỉ chơi cho biết tay”. Đáp lại là tuyên bố từ người quản lý, điều hành tưởng như cứng rắn nhưng thực chất đầy yếu ớt, bị động: “Còn bao nhiêu (thì) chơi bấy nhiêu”! Ở chiều ngược lại, như tiêu chí ra đời ban đầu mà “bầu” Kiên từng tuyên bố, hứa hẹn: vai trò của VPF không chỉ là đơn vị đứng ra tổ chức các giải đấu mà còn phải giúp các CLB thêm thu nhập (bản quyền truyền hình, phân chia cổ tức...), hoặc chỉ ra cách làm bóng đá chuyên nghiệp kiếm tiền. Thực tế với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ là cái cối xay tiền không đáy thì sau những háo hức V.League ban đầu với việc hàng năm tiêu tốn từ 35 tỷ đồng trở lên (mức tối thiểu mà VPF yêu cầu) để nuôi đội bóng, ngoài một vài đại gia, các CLB còn lại - đặc biệt là những đội sống chủ yếu bằng nguồn ngân sách địa phương - khó có thể kham nổi, trụ lại dài hơi. Không có đáp án từ cấp vĩ mô cho vấn đề mang tính “tồn tại hay không tồn tại” ở cấp vi mô này, chắc chắn sẽ còn những Hòa Phát, CLB Hà Nội, K.Khánh Hòa, Navibank, XTSG, K.Kiên Giang, HV An Giang, SQC Bình Định... và 2 giải đấu chuyên nghiệp quốc gia sẽ vẫn là cái “chợ” !

Minh Chung

Tin xem nhiều