Báo Đồng Nai điện tử
En

U.19 Việt Nam với vòng chung kết U.19 châu Á 2014: Kỳ thi "đại học" bổ ích

10:10, 15/10/2014

Trước ngày lên đường sang Myanmar, 10 tuyển thủ U.19 thuộc Học viện HAGL Arsenal JMG được tuyển thẳng vào Đại học sư phạm TDTT TP.Hồ Chí Minh theo hợp đồng đào tạo giữa đôi bên.

Trước ngày lên đường sang Myanmar, 10 tuyển thủ U.19 thuộc Học viện HAGL Arsenal JMG được tuyển thẳng vào Đại học sư phạm TDTT TP.Hồ Chí Minh theo hợp đồng đào tạo giữa đôi bên. Nhưng trong sự nghiệp cầu thủ không có sự đặc cách, tuyển thẳng, vòng chung kết U.19 châu Á 2014 vừa qua chính là kỳ thi tuyển “đại học” vậy. Có thể ví von, sau 2 kỳ thi “tốt nghiệp THPT” đạt điểm xuất sắc liên tiếp (đều giành ngôi á quân tại Giải U.19 Đông Nam Á 2013 và 2014), ở “kỳ thi đại học” này, đội tuyển U.19 Việt Nam chỉ trên trung bình một chút, do ghi tên vào “trường” có “tỷ lệ chọi” quá cao (sự hiện diện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khiến bảng C... cỡ y dược, bách khoa(!), nếu ở những “đại học” top dưới chắc chắn kết quả sẽ cao hơn nhiều. Nhưng cũng chính nhờ được “chọi” với những “thí sinh” ưu tú mà các cầu thủ trẻ Việt Nam đã học hỏi, rút ra được rất nhiều điều, và quan trọng chúng ta biết chính xác trình độ của mình ở đâu trong mặt bằng châu lục, cần phải làm gì để tiếp cận đỉnh cao.

Nhờ được thi đấu với những đối thủ mạnh như U.19 Nhật Bản, các cầu thủ trẻ Việt Nam (phải) đã học hỏi, rút ra được rất nhiều kinh nghiệm.
Nhờ được thi đấu với những đối thủ mạnh như U.19 Nhật Bản, các cầu thủ trẻ Việt Nam (phải) đã học hỏi, rút ra được rất nhiều kinh nghiệm.

Hoàn toàn có thể tự hào khẳng định, với phương pháp đào tạo của hệ thống toàn cầu Arsenal JMG, Việt Nam đang sở hữu một lứa cầu thủ trẻ rất tài năng với phẩm chất kỹ thuật tuyệt vời, hơn hẳn Trung Quốc, ngang ngửa Hàn Quốc và chỉ kém một chút so với Nhật Bản. Mới chỉ sau hơn 1 năm (chính xác là 1 năm 1 tháng), nhưng so với lần đầu ra mắt tại giải đấu U.19 khu vực tại Indonesia (tháng 9-2013), U.19 Việt Nam đã cho thấy sự trưởng thành rất lớn trong tư duy chiến thuật, khả năng tổ chức, thay đổi lối chơi. Điều đó đã được thể hiện trong 44 phút đầu tiên trước Hàn Quốc, 93 phút với Nhật Bản và 86 phút “hành hạ” Trung Quốc - khi các cầu thủ còn sức để chơi đúng ý đồ. Đỉnh cao trong 3 trận đấu trên đất Myanmar là 45 phút hiệp I trận gặp Trung Quốc, một màn trình diễn mà gần như chúng ta ở một đẳng cấp trên so với đối thủ Đông Bắc Á. Dù chỉ ghi 2 bàn thắng tại vòng chung kết, nhưng đó đều là những tác phẩm rất đẹp, xuất phát từ những pha dàn xếp liên hoàn rất bài bản, ăn ý, có chủ đích mang tính “thương hiệu”, chứ không phải đến từ sự ngẫu nhiên, ăn may. Ngoài những pha phối hợp ban bật sở trường, U.19 Việt Nam cũng có thêm những miếng đánh như bài cả cặp trung vệ Tiến Dũng - Xuân Hưng cùng lên tham gia tấn công ở tình huống cố định mà một lần đã suýt có bàn thắng trước Nhật Bản.

Việc thay đến 5 vị trí trong trận gặp Nhật - điều rất hiếm hoi trong một giải đấu chính thức, nhưng vẫn chơi tốt là rất đáng mừng, cho thấy khoảng cách giữa các cầu thủ dự bị và chính thức ở đội tuyển U.19 là không lớn. Ngoài ra, sự đứng dậy nhanh chóng sau cú sốc thảm bại nặng nề ở trận ra quân cũng là rất đáng khâm phục, nhất là ở những người trẻ. Như chính cơ thể còn chưa hoàn thiện, trưởng thành hết, tiềm năng và khả năng tiến bộ của các cầu thủ U.19 Việt Nam còn rất lớn. Bây giờ họ cũng chỉ mới bắt đầu lên cấp “đại học”, 4 năm nữa mới tốt nghiệp “cử nhân”. Hãy chờ đến ngày ấy, không việc gì phải vội!

Đông Kha

 

Tin xem nhiều