Báo Đồng Nai điện tử
En

Xong... hội!

11:12, 17/12/2014

Sau 10 ngày tranh tài chính thức (thực ra các cuộc thi đấu đã diễn ra từ 5 tháng trước đó), Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 đã kết thúc.

Sau 10 ngày tranh tài chính thức (thực ra các cuộc thi đấu đã diễn ra từ 5 tháng trước đó), Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 đã kết thúc. Hơn 7 ngàn VĐV của 65 đơn vị, tỉnh, thành, ngành tham dự, 7 kỷ lục quốc gia và 158 kỷ lục đại hội bị phá, 99,8% số huyện và 98,5% số xã trong toàn quốc tổ chức đại hội... là những con số biết nói. Nhưng như thừa nhận của ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Ánh Viên thâu tóm toàn bộ huy chương vàng bơi lội tại đại hội.
Ánh Viên thâu tóm toàn bộ huy chương vàng bơi lội tại đại hội.

Trước hết là căn bệnh thành tích, việc mua bán, lôi kéo VĐV diễn ra rầm rộ, loạn xạ tạo nên thành tích ảo, không phản ánh đúng thực trạng đầu tư, phát triển thể thao ở các địa phương, đơn vị. Điển hình ở môn bóng bàn, BTC đã phải loại một loạt các VĐV Hưng Yên. Cũng vì căn bệnh thành tích mà một VĐV đỉnh cao, được Nhà nước đầu tư cho tầm thế giới, châu lục - kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, được điều từ Mỹ về để... thi hội làng. Kết quả, VĐV của Quân đội đã làm nên kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, thu gom tất cả 18 HCV ở tất cả các cự ly, nội dung (phá 3 kỷ lục quốc gia và 11 kỷ lục đại hội). Hay câu chuyện về VĐV marathon Phạm Thị Bình, bất chấp cảnh báo của các bác sĩ nếu cứ cố thi đấu có thể bị đột tử vì bệnh tim, đoàn Quảng Ngãi vẫn quyết lấy HCV, báo hại BTC phải huy động xe cứu thương chạy kè kè với Bình để đề phòng. Rồi scandal VĐV đánh trọng tài, trọng tài - HLV thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhau trong môn vật...

Căn bệnh tranh thủ hoành tráng, lãng phí ở mỗi kỳ đại hội là điều trông thấy, hàng loạt công trình được xây dựng hàng ngàn tỷ đồng nhưng sau đây chưa biết khai thác vào việc gì. Nhà thi đấu Hà Nam “lớn nhất Đông Nam Á” với diện tích quy hoạch 120 hécta, có sức chứa 7.500 chỗ ngồi với kinh phí xây dựng hơn 1 ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ để tổ chức thi đấu môn taekwondo và tới đây là giải bóng chuyền các CLB châu Á. Nam Định đầu tư 854 tỷ đồng xây nhà thi đấu đa năng, 150 tỷ đồng xây bể bơi. Nhà thi đấu Thái Bình mới khánh thành tiêu tốn 650 tỷ đồng nhưng ngay ngày thi đấu đầu tiên đã... dột, khiến VĐV trượt chân chấn thương. Càng xót hơn khi các công trình quy mô trăm tỷ, ngàn tỷ này vắng như “chùa bà đanh” bởi có quá ít khán giả tới xem các cuộc thi đấu. Có buổi cả khán đài mênh mông chỉ lác đác dăm người, lực lượng công an, bảo vệ còn đông hơn cả khán giả.

Sự thờ ơ của quần chúng, dư luận đối với đại hội TDTT toàn quốc 4 năm mới diễn ra một lần và các cuộc tranh tài đều mở cửa tự do là điểm trừ lớn nhất. Ngay bộ môn được đông đảo quần chúng hâm mộ nhất là bóng đá cũng có rất ít khán giả đến sân theo dõi. Cũng không hiểu vì lý do gì cả nước có 14 đội V.League, 8 đội hạng nhất mà chỉ có vỏn vẹn 5 địa phương dự tranh là Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Đà Nẵng và Nam Định. Bóng đá còn xảy ra chuyện dở khóc dở cười khi Thừa Thiên - Huế nghĩ mình bị loại nên đã... đi về, rồi lại phải vội vàng mua vé máy bay trở lại để đá chung kết (thua Nghệ An 0-4).

Cuối cùng, sau 2 kỳ Asiad liên tiếp thất bại nhưng ngành thể thao vẫn cho thấy sự lúng túng trong việc xác định tính chất đại hội TDTT toàn quốc giữa tranh tài đỉnh cao, chuyên nghiệp với phong trào quần chúng. Việc có đến 741 bộ huy chương ở 45 môn và phân môn là quá nhiều và dàn trải. Chính vì thế mới có chuyện khó hiểu, không giống ai là có đến 2 bảng tổng sắp, một là số huy chương thực tế các đoàn giành được tại đại hội và một được cộng thêm thành tích ở Asiad, SEA Games, theo “quy đổi”: 1 HCV Asiad 2014 được cộng 3 HCV đại hội, HCB bằng 2 HCV; HCĐ Asiad hoặc HCV SEA Games 2013 bằng 1 HCV…(?!)

Quỳnh Cao

 

 

Tin xem nhiều