Báo Đồng Nai điện tử
En

Thắp đuốc tìm ngoại binh chất lượng

10:01, 21/01/2015

Với 3 suất ngoại binh và không hạn chế nhập tịch, có thể nói thành bại của các đội trong những mùa giải trước có đến 70-80% yếu tố quyết định từ sức mạnh của dàn cầu thủ gốc nước ngoài.

Với 3 suất ngoại binh và không hạn chế nhập tịch, có thể nói thành bại của các đội trong những mùa giải trước có đến 70-80% yếu tố quyết định từ sức mạnh của dàn cầu thủ gốc nước ngoài. Với việc V.League 2015 khống chế mỗi CLB chỉ còn 2 ngoại binh và 1 nhập tịch, yêu cầu chất lượng của nguồn ngoại lực này đòi hỏi phải càng cao hơn.

Có vẻ đã qua rồi cái thời V.League là đất lành mà các cầu thủ tứ xứ lũ lượt tìm đến. Nhiều năm qua, ngay cả các “đại gia” cũng không chiêu mộ được những ngoại binh có thương hiệu, chất lượng như: Kesley Alves, Almeida (vua phá lưới 2 năm liên tiếp 2007, 2008), Gaston Merlo, Antonio Carlos, Fabio Santos (Phan Văn Santos), Leandro... ngày nào. Thậm chí V.League còn chứng kiến một cuộc “chảy máu” ngược, chỉ cần có một lời mời từ một quốc gia khác những ngoại binh tên tuổi sẵn sàng dứt áo ra đi (trường hợp bộ đôi Evaldo - Oseni của HAGL sau mùa 2013 là ví dụ). Nguyên nhân không hẳn là chế độ đãi ngộ mà thi đấu ở V.League cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp của họ hầu như không có.

B.Bình Dương vẫn giữ kỷ lục ngoại binh. Để thi đấu ở mặt trận AFC Champions League, nhà vô địch V.League đã bổ sung tân binh người Australia David Vrankovic cho suất ngoại binh thuộc khu vực châu Á. Trung vệ 21 tuổi này là ngoại binh thứ 4 ở đất Thủ, ngoài Moses, Abass, Oseni, cùng 3 cầu thủ Việt có nguồn gốc nước ngoài: Đặng Văn Robert, Michal Nguyễn (Việt kiều nên được tính là cầu thủ nội) và thủ môn Nguyễn Quốc Thiện Esele.

Chính vì vậy, các CLB đành quẩn quanh “bấu véo” vài cái tên cầu thủ ngoại lẫn nhau với cái giá mỗi lần chuyển đổi đội bóng chủ quản lại được đẩy lên một chút. Một chân sút nổi tiếng lắm tài nhiều tật như “bò mộng” Tymothy mà mỗi mùa lại khoác áo một CLB mới, để rồi chỉ sau 2 vòng đấu Thanh Hóa đã phải sớm thanh lý hợp đồng. Thay cho vua phá lưới 2012 (17 bàn) và chân sút đứng thứ nhì mùa rồi (18 bàn), đội bóng xứ Thanh đành phải vội vàng đưa về một tiền đạo đã 30 tuổi: Patrick Da Silva. Từng bôn ba qua rất nhiều nước, từ Mexico, Oman, Australia đến Brunei và giải hạng nhất Thái Lan, rất có thể Việt Nam sẽ là điểm “dối già” của tiền đạo người Brasil này.

Cũng ngay sau vòng 2, HAGL buộc phải thay cả 2 ngoại binh, do trung vệ người Croatia Morec bị phát hiện mắc bệnh tim, còn chân sút người Thụy Điển Lukanovic quá tệ, năng lực “không hơn cầu thủ nội” (lời “bầu” Đức), nhưng lại nhận lương 5 ngàn USD/tháng (nếu thi đấu đến hết mùa HAGL phải trả tổng cộng 100 ngàn USD, cùng với 50 ngàn USD phí chuyển nhượng). Nhưng thay vào đó lại là 2 cái tên không hề xa lạ với V.League: tiền vệ  29 tuổi người Montenegro Zdravko từng chơi lượt về V.League 2014 cho ĐTLA, và trung vệ người Romania Cosmin mà SHB.ĐN và Sanna Khánh Hòa thải loại(!?) Khó có thể trông đợi 2 ngoại binh này sẽ giúp ích gì nhiều cho Công Phượng và các đồng đội. Cũng lạ, thừa tiền và không thiếu mối quan hệ nhưng những năm gần đây HAGL luôn tuyển phải ngoại binh “lởm”.

Quả là ở V.League 2015 phải thắp đuốc để tìm ngoại binh chất lượng. Những chân sút hàng đầu sau 4 vòng, quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt cũ kỹ và ngoài “vua phá lưới” Samson những cái tên còn lại đều trôi giạt hết CLB này đến CLB khác: Abass, Patyo, Diabate, Fagan, Felix, Valentic...

Dương Cầm

 

 

 

 

Tin xem nhiều