Báo Đồng Nai điện tử
En

"Tội" của ông Miura

09:02, 01/02/2016

Trong những ý kiến "chê" HLV Toshiya Miura, điều dễ được đồng tình nhất đó là diện mạo lối chơi của 2 đội tuyển Việt Nam dưới thời nhà cầm quân người Nhật không đẹp mắt, thiếu rõ ràng, bản sắc.

 

Trong những ý kiến “chê” HLV Toshiya Miura, điều dễ được đồng tình nhất đó là diện mạo lối chơi của 2 đội tuyển Việt Nam dưới thời nhà cầm quân người Nhật không đẹp mắt, thiếu rõ ràng, bản sắc.

HLV Toshiya Miura không để lại dấu ấn trong lối chơi
 

Quả rất khó nhận ra đâu là vũ khí sở trường, cũng như mảng miếng chính yếu của đội tuyển. Điều này xuất phát từ triết lý thực dụng của ông Miura, từng được Công Vinh nói thay: “Với trình độ bóng đá Việt Nam không thể đòi hỏi vừa thắng (hoặc không thua) vừa đá đẹp, cống hiến”. Chịu ảnh hưởng của BĐ Đức, yếu tố đầu tiên trong việc chọn người của HLV Miura là thể hình, sức mạnh và đa năng. Sự đơn giản, chắc chắn trong lối chơi được đánh giá cao hơn kỹ thuật và khả năng sáng tạo cá nhân. Có xem các trận đấu ở VCK U.23 châu Á vừa qua mới thấy quan điểm ấy là không sai nếu như bóng đá Việt Nam muốn vươn tầm châu lục. Bóng đá hiện đại không có chỗ cho lối chơi nhỏ, nhuyễn “đã mắt” thuần túy, mà yếu tố quyết định là tiếp cận khung thành đối phương một cách nhanh nhất (Barcelona là ngoại lệ duy nhất bởi sở hữu những kỹ thuật gia bậc thầy, với Messi là thiên tài). Hạn chế của ông Miura ở đây là không xây dựng được lối chơi rõ ràng nào khác phù hợp với con người cầu thủ Việt Nam để thay thế, dù đã có thời gian gần 2 năm. Chỉ đến trận cầu thủ tục với U.23 UAE trên đất Qatar, nhà cầm quân người Nhật mới thay đổi (bằng việc sử dụng 6 cầu thủ HAGL, với cặp tiền vệ trung tâm Tuấn Anh, Xuân Trường), nhưng đã quá muộn, ông không còn có cơ hội để sửa chữa.

Ngoài việc không để lại dấu ấn trong lối chơi của 2 ĐT, hạn chế lớn nhất của HLV Miura là khả năng đọc và điều chỉnh chiến thuật trong trận đấu. Điều này thể hiện qua việc nếu đội tuyển có cách tiếp cận, chuẩn bị trận đấu “đúng bài” thì chơi rất tốt, rất tưng bừng; nhưng khi không thể thực hiện được ý đồ đề ra là rơi vào thế hoàn toàn bị động, thua không thể chống đỡ, thay đổi. Miura cũng có lẽ là vị HLV... khó hiểu nhất thế giới. Ngoài việc hoán đổi, bố trí cầu thủ chơi nghịch với sở trường, không một ai, kể cả các học trò, biết được ông sẽ ra sân với đội hình nào, đôi khi giữa trận trước với trận sau là sự thay đổi hoàn toàn. Tất nhiên, là người chịu trách nhiệm chính về sự thành bại, hẳn ông có cái lý, ý đồ riêng của mình. Nhưng thói thường khi người ta không hiểu, nhất là trước những cái mới mẻ, xa lạ, đi ngược nếp quen, thì... phản đối. Mà Miura lại cho rằng mình không có nhu cầu phải giải thích.

Nếu A.Riedl, người từng có tổng cộng 5 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong 3 triều đại, luôn chỉ về nhì, thì xem ra vị HLV người Nhật tuổi Mão (ông Miura sinh ngày 16-7-1963) còn “nặng vía”, kém duyên hơn. Tại AFF Cup 2014, sau chiến thắng nức lòng 2-1 lượt đi trước Malaysia ngay tại chảo lửa Rajamangala, bóng đá Việt Nam hầu như đã mở cửa vào chung kết. Thế rồi, “thảm họa” 2-4 trên sân Mỹ Đình ập xuống mà không ai kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Đến SEA Games 2015, U.23 Việt Nam lại tưởng như cầm chắc vượt qua Myanmar ở bán kết, và thực tế diễn biến trận đấu đúng như thế, nhưng việc bỏ lỡ vô số cơ hội và... cái tay của Ngọc Thắng cùng... cái chân của Thanh Hiền đã “đổ sông, đổ biển” tất cả. 2 giải đấu chính đều thất bại trước ngưỡng cửa chung kết trong thế hoàn toàn có thể thắng, Miura rõ ràng quá kém duyên. Sự xui rủi của ông thầy người Nhật còn đeo bám ở mọi đợt tập trung khi luôn có hàng loạt cầu thủ chấn thương (về việc này nhiều người cho rằng do phương pháp huấn luyện của Miura không phù hợp với thể trạng cầu thủ Việt Nam là oan, bởi hầu hết đều là bất khả kháng hoặc xảy ra trước đó ở CLB; mới đây Tuấn Anh cho biết những buổi tập ở CLB Yokohama còn nặng hơn rất nhiều).

Tuy nhiên, có lẽ cái “tội” lớn nhất của ông Miura là phát biểu, không biết tiếng Việt nên không quan tâm đến những nhận xét, góp ý của các “cây đa cây đề” bóng đá Việt Nam, mà vẫn trung thành với quan điểm của mình. “Đường ta ta cứ đi”, nên ông phải ra đi!

Minh Chung

Tin xem nhiều