Báo Đồng Nai điện tử
En

Một EURO thiếu cảm xúc

10:07, 10/07/2016

Khi bài báo này đến tay bạn đọc EURO 2016 đã hạ màn, chiếc cúp vô địch châu Âu thứ 15 đã được trao cho đội chiến thắng trên SVĐ Stade de France sáng nay 11-7.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc EURO 2016 đã hạ màn, chiếc cúp vô địch châu Âu thứ 15 đã được trao cho đội chiến thắng trên SVĐ Stade de France sáng nay 11-7. Không biết có phải vì tình yêu theo thời gian thường chai sạn, hay vì bóng đá quốc tế đỉnh cao với người hâm mộ bóng đá Việt Nam giờ đây không còn là “của hiếm” nên EURO không còn gây “sốt”. Nhưng đâu phải vậy, mới 2 năm trước World Cup trên đất Brasil không khí vẫn sôi sùng sục, tất cả chỉ vì kỳ EURO này có quá ít cảm xúc mang lại cho bõ những đêm thức trắng ngóng đợi, hồi hộp, say mê...

* Thất vọng mọi ứng cử viên

Hãy bắt đầu từ Đức, nhà vô địch thế giới, ứng cử viên số 1 trong mắt giới chuyên môn. Đúng là Đức có lối chơi thuyết phục nhất ở kỳ EURO này và lần đầu tiên họ đã giải được “lời nguyền Italia”, nhưng Die Mannschaft còn xa mới sánh được hình ảnh của kẻ chinh phục với thứ bóng đá tấn công vũ bão hủy diệt Brasil mà họ từng thể hiện ở World Cup 2014. Với Tây Ban Nha, ngay từ đầu đã có thể dự đoán cuộc thoái vị của nhà ĐKVĐ sau khi rời ngôi ở Wordl Cup, khi họ chẳng có gì mới mẻ, thậm chí cũ kỹ hơn so với 4 năm trước. Bỉ rất được trông chờ mang đến làn gió mới, rốt cuộc chỉ là một tập hợp lỏng lẻo của những tài năng cá nhân, thiếu tổ chức đến mức ngây thơ để rồi bị loại dễ dàng ở tứ kết. Ngay đến Pháp dù vào chung kết (và có thể sáng nay đã đăng quang) cũng không mang lại những cảm xúc thăng hoa như chất nghệ sĩ hào hoa của nhà vô địch EURO 1984 hay tráng ca hào hùng ở France 1998. Bồ Đào Nha thì khỏi nói. Nhưng thất vọng nhất là Anh. Vẫn biết đây là đội tuyển luôn “nói cho nhiều, cũng vậy thôi” nhưng màn trình diễn nhạt nhòa để rồi chết “không kèn không trống” trước một Iceland bé nhỏ quả là đỉnh cao của sự thất vọng.

Cái tay xuất hiện không đúng chỗ của Bastian Schweinsteiger đã hại tuyển Đức.
Cái tay xuất hiện không đúng chỗ của Bastian Schweinsteiger đã hại tuyển Đức.

Trong bối cảnh ấy, rất nhiều lời ca ngợi được dành cho Italia, nhưng xin nhớ tại EURO này Italia chưa bao giờ được xếp vào hàng ứng cử viên như lẽ ra phải thế. Quả không thể không ngả mũ trước chiến tích loại Tây Ban Nha, gây vô vàn khó khăn cho Đức của thầy trò Conte, nhưng người Italia mang lại gì cho bóng đá và người xem với một đội tuyển già nua, lấy lao động cật lực và kinh nghiệm để bù đắp, khỏa lấp cho những hạn chế, khiếm khuyết về tài năng? Mỗi cầu thủ Italia không phải là những cá nhân mà chỉ là những ốc vít trong cỗ máy kỷ luật tập thể. Một đội bóng như thế có thể mang lại cảm xúc thăng hoa?

Như bữa tiệc mà các món sơn hào hải vị dọn lên đều bị nêm nếm thiếu vị, nhàn nhạt, thực khách đành quay ra với những món dân dã, bình dân như: Iceland, Xứ Wales, Ba Lan...Nhưng sau sự “lạ miệng” không có nhiều hương vị đọng lại, bởi thành công bất ngờ của những đội này không phải vì họ vụt sáng xuất sắc mà chủ yếu do các đối thủ lớn đã tự thua chính mình. Đúng là tại EURO 2016, trình độ các đội bóng châu Âu đã có sự xích lại gần nhau đáng kể, nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra các trận cầu hấp dẫn và ấn tượng về mặt chuyên môn. Thậm chí việc lấy tới 16/24 đội vào vòng đấu loại trực tiếp khiến tính cạnh tranh vòng bảng như... V.League ở mùa không có đội xuống hạng. Đã vậy lá thăm còn dồn tất cả các đội mạnh vào một nhánh khiến chẳng thể có trận “chung kết trong mơ”.

* Không có những bùng nổ cảm xúc

Xem EURO lần này cứ cảm thấy thiêu thiếu thế nào, như tình yêu mà không có những rung động bồi hồi, thèm thuồng, gặp nhau xong về đêm lại mất ngủ, ngập tràn cảm xúc, nôn nao mong chóng sáng để được gặp lại. Hay như một vở kịch, bộ phim nghèo nàn không có cao trào, một vài kịch tính là do đạo diễn cố tình tạo ra nhưng lại không tới khiến người xem có cảm giác gượng gạo, giả tạo. Hãy kể ra những ấn tượng cảm xúc đậm nét của vở diễn tại Pháp cho đến trước trận chung kết? Trận tứ kết Đức - Italia (đọng lại là 9 đợt sút 11m luân lưu, chứ 120 phút đấu trước đó 2 đội chủ yếu... đánh cờ) và... trận bán kết Pháp - Đức. Chỉ 2 trận, quá ít cho một vở diễn lớn với 5 màn và 50 cảnh.

Cảm xúc bóng đá bị đè nén, giết chết bởi tư tưởng đá không phải để thắng mà trước hết là không thua, làm khổ khán giả. Chính vì thế thứ bóng đá trình diễn, tận hiến “vị nghệ thuật” không có chỗ đứng trên đất Pháp. Cũng vì vậy chẳng có những “thất bại vĩ đại”, những cái chết “cháy hết mình, cánh phượng nhẹ nhàng rơi” để “hóa thành bất tử” khiến người xem ngẩn ngơ, đau đớn, tan nát con tim và phải nhớ mãi (thậm chí tuyển Anh còn chưa kịp “nhóm lửa” chứ đừng nói “cháy”).

Có gì để nhớ về một giải đấu giống cuốn phim đứt đoạn, với những ngôi sao không tỏa sáng, những hậu vệ trở thành người hùng, những trận đấu nhạt nhòa và khiêm tốn bàn thắng (bàn thắng đẹp khiến ngây ngất càng hiếm), những cảm xúc bị nghẹn lại mà không thể bùng nổ như một cơn khoái cảm của bóng đá sau những chiến thắng?

Minh Chung

 

 

 

Tin xem nhiều