Báo Đồng Nai điện tử
En

Hẹn gặp Olympic Tokyo 2020

11:08, 22/08/2016

Sau 16 ngày tranh tài đầy sôi nổi, sáng qua 22-8, Olympic Rio 2016 đã khép lại. Vượt qua tất cả những mối hoài nghi, lo ngại, nước chủ nhà Brasil đã tổ chức một kỳ Thế vận hội thành công với những khán đài thi đấu đầy ắp khán giả và sắc màu, trái với lo lắng vé ế ẩm ngay trước ngày khai mạc.

Sau 16 ngày tranh tài đầy sôi nổi, sáng qua 22-8, Olympic Rio 2016 đã khép lại. Vượt qua tất cả những mối hoài nghi, lo ngại, nước chủ nhà Brasil đã tổ chức một kỳ Thế vận hội thành công với những khán đài thi đấu đầy ắp khán giả và sắc màu, trái với lo lắng vé ế ẩm ngay trước ngày khai mạc. Các VĐV chủ nhà cũng giành 19 HC, trong đó có 7 HCV, đứng thứ 13 toàn đoàn, đặc biệt là chiếc HCV lịch sử lần đầu tiên ở môn bóng đá nam của Neymar và đồng đội.

Về chuyên môn, Mỹ không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí cường quốc thể thao số 1 thế giới mà còn có một kỳ Olympic thành công nhất từ trước đến nay với con số kỷ lục 121 HC (46 HCV, 37 HCB, 38 HCĐ). Một bất ngờ lớn là đoàn thể thao Vương quốc Anh lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để đoạt vị trí thứ 2 với 27 HCV, 23 HCB, 17 HCĐ. Không chỉ mất một trong hai thứ hạng đầu luôn chiếm giữ suốt từ Olympic Athens 2004 đến London 2012 với hơn 30 HCV mỗi đại hội, đây là kỳ Olympic có thành tích tệ nhất của Trung Quốc kể từ Sydney 2000 khi chỉ giành được 26 HCV (cùng 18 HCB và 26 HCĐ). Việc Nga, dù tất cả các VĐV điền kinh đều bị cấm thi đấu, nhưng vẫn bảo vệ được vị trí thứ 4 tại Olympic London 2012 với 19 HCV, 18 HCB, 19 HCĐ, là thành tích rất đáng khen.

Olympic Rio 2016 cũng chứng kiến những VĐV đi vào huyền thoại. Đó là kình ngư Mỹ Michael Phelps, với 5 HCV trên đường đua xanh đã nâng tổng số HCV tại các kỳ Olympic lên con số 23, trở thành VĐV vĩ đại nhất trong lịch sử Thế vận hội. Hay tia chớp đen người Jamaica Usain Bolt lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu với cú “triple-triple”- giành HCV ở 3 nội dung: 100m, 200m cá nhân và 4x100m tiếp sức tại 3 kỳ Olympic liên tiếp. Ngoài ra phải kể đến VĐV Simone Biles (Mỹ) giành 4 HCV, 1 HCĐ ngay trong lần đầu tiên dự Olympic, hay việc tay vợt người Anh Andy Murray bảo vệ thành công chiếc HCV đơn nam quần vợt. Đặc biệt, Olympic 2016 còn lần đầu tiên có sự tham dự của một đoàn thể thao tị nạn, với những VĐV phải sống lưu vong khắp nơi trên thế giới.

Với thể thao Việt Nam, đây sẽ là kỳ Olympic không thể nào quên. Với chiếc HCV lịch sử và 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng, lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam lọt vào tốp 50 trên bảng tổng sắp - hạng 48, điều mà những quốc gia giàu có như Qatar, UAE, Ả rập Saudi... cũng không làm được. Xét riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 3 sau Thái Lan (hạng 35 với 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ) và Indonesia (hạng 46 với 1 HCV và 2 HCB); trên Singapore (hạng 54 với duy nhất 1 HCV). Ngoài ra chỉ có 2 nước nữa trong khu vực giành được HC là Malaysia (hạng 60, 4 HCB,1 HCĐ) và Philippines (hạng 69, 1 HCB). Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức lớn cho thể thao Việt Nam 4 năm tới.

Sau 56 năm kể từ Olympic 1964, Thế vận hội sẽ trở lại với thủ đô của nước Nhật. Hẹn gặp lại Tokyo 2020!

Trần Đỗ

 

Tin xem nhiều