Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á

10:09, 27/09/2016

Ngày thi đấu chính thức thứ 3 (ngày 27/9) trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5, Đoàn Thể thao Việt Nam có thêm một ngày bội thu huy chương và vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng với tổng số 58 huy chương (18 vàng, 17 bạc và 23 đồng).

Ngày thi đấu chính thức thứ 3 (ngày 27/9) trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5, Đoàn Thể thao Việt Nam có thêm một ngày bội thu huy chương và vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng với tổng số 58 huy chương (18 vàng, 17 bạc và 23 đồng); xếp thứ hai là Thái Lan với 18 vàng, 12 bạc, 15 đồng và thứ ba là Trung Quốc với 6 vàng, 8 bạc và 11 đồng. 
Trận thi đấu bóng đá bãi biển giữa hai đội Việt Nam và Thái Lan. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Trận thi đấu bóng đá bãi biển giữa hai đội Việt Nam và Thái Lan. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Đội tuyển cầu mây nữ đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao bãi biển Việt Nam trong ngày thi đấu thứ 3. Trận chung kết Cầu mây bộ 3 nữ là cuộc tái đấu giữa Việt Nam và Myanmar. Ở vòng bảng, các cô gái của chúng ta đã xuất sắc giành thắng lợi trước đối thủ với tỷ số chung cuộc 2-0. 

Trong cuộc tái đấu để dành huy chương cao nhất, bộ 3 nữ Việt Nam đã sớm áp đảo thế trận ngay ở những phút đầu để dễ dàng giành thắng lợi ở lượt đấu thứ nhất với điểm số 21-9. Trong lượt đấu thứ hai, bộ 3 nữ của Myanmar đã nỗ lực thi đấu tập trung trở lại. Tuy nhiên, với sự phối hợp ăn ý, bộ 3 nữ Việt Nam đã liên tục ghi điểm ở nửa sau lượt đấu để giành thắng lợi với điểm số 21-16, ấn định thắng lợi chung cuộc 2-0.

Tiếp đến là tấm huy chương vàng của môn Điền kinh Việt Nam của vận động viên Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ.

Thành tích của Thảo ở vòng thi chung kết sáng nay là 6,32m ở ngay lượt thi đấu tiên. Giành huy chương bạc là một vận động viên khác của chủ nhà Việt Nam là Nguyễn Thị Trúc Mai với thành tích 6,11m ở lượt thi thứ 5. Giành huy chương đồng là vận động viên Sunang Marestella của Philippines với thành tích 6,10m ở lượt thi thứ 5. 

Sau tấm huy chương vàng của Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ, Điền kinh bãi biển Việt Nam tiếp tục giành thêm huy chương vàng nội dung 60m nữ của Lê Tú Chinh với thành tích 7 giây 60, giành huy chương bạc là vận động viên của Thái Lan Pakdee Khanruta với thành tích 7 giây 73 trong khi Lê Mộng Tuyền giành huy chương đồng với thành tích 7 giây 74 chỉ hơn người giành huy chương bạc 0,01 giây. 

Cũng trong buổi sáng ngày 27/9, môn đá cầu có hai trận chung kết nội dung đôi nam và đôi nữ. Cả hai trận đấu này đều là những cuộc đối đầu giữa chủ nhà Việt Nam và Trung Quốc. Ở trận chung kế nội dung đôi nam, cặp vận động viên Lê Thanh Tuấn và Nguyễn Anh Tuấn đã xuất sắc giành thắng lợi trước cặp vận động viên Mai Y và Gao H của Trung Quốc với tỷ số 2-0 (21-10 và 21-13) để giành tấm huy chương vàng thứ 13 cho đoàn Thể thao Việt Nam. 

Ngay sau chiến thắng ở nội dung đôi nam, cặp vận động viên nữ Nguyễn Thị Đào và Hoàng Thị Trà My cũng đã giành thắng lợi 2-0 (21-11, 21-9) trước các vận động viên người Trung Quốc để mang về tấm huy chương vàng thứ hai cho đội tuyển đá cầu bãi biển Việt Nam. Đây cũng là tấm huy chương vàng thứ 14 của đoàn Thể thao bãi biển Việt Nam tại ABG5 và cũng là tấm huy chương vàng thứ 5 của đoàn Thể thao Việt Nam trong buổi sáng 27/9. Môn đá cầu tại ABG5 sẽ tục diễn ra các nội dung trong những ngày tới và sẽ kết thúc vào ngày 30/9. 

Đội tuyển bóng ném nam Việt Nam đã có một bước quan trọng tiến vào bán kết sau khi giành chiến thắng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Hong Kong với tỷ số 2-0. Vẫn với cách chơi nhanh nhẹn, mạnh mẽ, đội chủ nhà thắng với các tỷ số 21-13 và 22-20. Đây là trận thắng thứ ba liên tiếp của bóng ném nam Việt Nam để có cùng 6 điểm với Oman, đội thắng Afghanistan 2-0. Oman là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí số 1 bảng B. Cũng tại bảng B này, Nhật Bản thắng trận đầu tiên (2-0 trước Sri Lanka). Ở bảng A, Qatar thắng Thái Lan 2-0, Bahrain thắng Ấn Độ 2-0 để có cùng 3 điểm với Pakistan. Tuy nhiên, Bahrain đã đấu 3 trận. Đội nữ Nhật Bản cũng thắng trận đầu tiên (2-0 trước Ấn Độ) tại bảng B, bảng đấu có Trung Quốc toàn thắng 3 trận sau khi vượt qua Bangladesh 2-0.

Nổi bật, với 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 5 huy chương Kurash Việt Nam đã bất ngờ vượt qua 2 đoàn mạnh như Iran và Uzbekistan để giành vị trí nhất toàn đoàn. Với tính chất kỹ thuật tương đồng với Judo, nhiều nước đã dùng kế hoạch “đi tắt đòn đầu”, đưa các vận động viên Judo tầm cỡ “đổ bộ” vào danh sách thi đấu Kurash và làm nên một mùa giải ấn tượng về trình độ chuyên môn. Cùng chung cách làm đó, Việt Nam đã sớm gọi tên những niềm hy vọng vàng như Văn Ngọc Tú, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Thị Thanh Thủy… vào đội hình thi đấu Kurash. 

Sau khi thu hoạch 2 chiếc huy chương vàng ở ngày thi đấu đầu tiên, đội Kurash Việt bước vào ngày thi đấu cuối cùng khá thành công khi gặt hái thêm 2 chiếc huy chương vàng nữa. Nguyễn Thị Hương giành huy chương vàng và Nguyễn Ngọc Diễm Phương mang về huy chương bạc ở hạng cân dưới 63kg. Còn ở hạng cân 70kg, Nguyễn Thị Lan giành huy chương vàng và Nguyễn Thị Diệu Tiên mang về tấm huy chương đồng. 

Mùa giải ABG5 của bộ môn Kurash kết thúc và để lại nhiều bài học cho lực lượng vận động viên. Thực tế thi đấu đã cho thấy các vận động viên xuất thân từ Judo là nguồn nhân lực triển vọng để các quốc gia “săn” vàng Kurash. Tuy nhiên, với tác phong thi đấu chuyên nghiệp, các vận động viên dễ gặp áp lực tâm lý khi phải kiểm soát chính bản thân trong mỗi trận đấu, tránh phạm lỗi do những khác biệt nhỏ từ luật đấu Judo và Kurash, từ đó khiến cho sự thể hiện trên sàn đấu chưa hoàn toàn đúng với thực lực. 

Điều này đặt ra vấn đề mới cho những quốc gia đang muốn xây dựng đội tuyển Kurash thi đấu lâu dài, chứng minh bài học rõ ràng cho bộ môn này: “Có thể đi tắt đón đầu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự chuẩn bị sơ sài”. Kurash là môn võ cổ truyền của Uzbekistan cho nên việc chúng ta vượt qua đất nước sản sinh ra môn võ này có thể xem là một kỳ tích. Với kết quả này, nhiều khả năng thể thao Việt Nam sẽ chú trọng trọng việc phát triển môn võ này để hội nhập với các nước cũng như cho thấy cơ địa người Việt Nam rất phù hợp Kurash. Bên cạnh đó, những quốc gia như Iran, Turkmenistan… cũng nổi lên như các “thế lực” đáng sợ trên sàn đấu Kurash, hứa hẹn một tương lai sôi nổi và đầy thách thức của bộ môn này trên đấu trường khu vực./. 

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều