Báo Đồng Nai điện tử
En

World Cup 2018: Điểm danh những "ông lớn" bị loại ngay từ vòng bảng

03:06, 08/06/2018

Trong lịch sử World Cup, đã có nhiều giải đấu chứng kiến những đội bóng được kỳ vọng lớn nhưng lại thất bại ngay tại vòng bảng. Điển hình nhất là lần Pháp thất bại ở World Cup 2002, chỉ 4 năm sau khi họ đăng quang ngôi vô địch thế giới.

Trong lịch sử World Cup, đã có nhiều giải đấu chứng kiến những đội bóng được kỳ vọng lớn nhưng lại thất bại ngay tại vòng bảng. Điển hình nhất là lần Pháp thất bại ở World Cup 2002, chỉ 4 năm sau khi họ đăng quang ngôi vô địch thế giới.
Pháp đã ngã đau tại World Cup 2002 trong tư thế nhà đương kim vô địch. (Nguồn: EJA)
Pháp đã ngã đau tại World Cup 2002 trong tư thế nhà đương kim vô địch. (Nguồn: EJA)
Trang thể thao nổi tiếng Goal mới đây đã điểm lại một số lần những "ông lớn" bị "ngã đau" tại các kỳ World Cup.

1. Argentina (World Cup 1958)

World Cup 1958 đánh dấu sự trở lại của Argentina sau lần tham dự hồi năm 1934 và khi đó, Albiceleste được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch. Tuy nhiên, họ đã bị đội Tây Đức vượt qua trong trận mở màn và sau đó là thua tan nát 1-6 trước đội Tiệp Khắc cũ.

2. Brazil (World Cup 1966)

Khi dự World Cup 1966, Brazil đã 2 lần vô địch thế giới. Tuy nhiên, dù có ngôi sao sáng nhất của bóng đá thế giới lúc đó là Pele song Selecao cũng không thể vượt qua vòng bảng. Sau đó, trong một cơn giận dữ vì đội nhà bị loại, Pele lúc đó đã tuyên bố từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế.

3. Colombia (World Cup 1994)

World Cup 1994 diễn ra trên đất Mỹ được tiến hành theo thể thức được thực hiện 4 năm trước đó ở giải đấu tại Italia. Khi đó, 16 trong tổng số 24 đội đi tiếp vào vòng trong. Trước khi tới Mỹ, Colombia là một thế lực của bóng đá Nam Mỹ với thành tích bất bại 30 trận liên tiếp, trong đó có cả trận thắng 5-0 ngay trước Argentina ở Bueinos Aires. 

Nhưng vòng bảng đã diễn ra không đúng như mong đợi của cựu danh thủ Valderama và các đồng đội khi họ để thua 2 trong 3 trận ở bảng A.

4. Tây Ban Nha (World Cup 1998)

Tại World Cup 1998, Tây Ban Nha nằm ở bảng D cùng với tuyển Nigeria, Paraguay và Bulgaria. Dù có chiến thắng mở màn 6-1 nhưng với hai trận thua sau đó, Tây Ban Nha đành nhường quyền đi tiếp cho Nigeria và Paraguay.

5. Pháp (World Cup 2002)

Năm 1998, Pháp lên ngôi vô địch World Cup 1998 đầy thuyết phục và được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất trong lần giải đấu này tổ chức ở Hàn Quốc & Nhật Bản. Khi đó, họ có những tiền đạo thượng thặng như Thierry Henry, Djibril Cisse và David Trezeguet. Chưa kể, Pháp còn được nằm cùng bảng đấu với các đội không được đánh giá cao như Đan Mạch, Uruguay và Senegal. 

Tuy nhiên, Les Blues năm đó đã không vượt qua nổi vòng bảng. Họ không ghi nổi bàn thắng nào, bị Senegal và Đan Mạch vượt qua và chỉ giành được 1 điểm nhờ trận hoà 0-0 với Uruguay.

6. Argentina (World Cup 2002)

Sau khi làm mê đắm người hâm mộ bằng thứ bóng đá kỹ thuật tại World Cup 1998, tuyển Argentina dự World Cup 2002 với sự kỳ vọng lớn, dù họ rơi vào bảng "tử thần" có cả Anh, Nigeria và Thuỵ Điển. Khi đó, Argentina đang sở hữu những tài năng lớn trải đều ở 3 tuyến nên việc giành vé đi tiếp được đánh giá không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Trong trận đấu đầu tiên ở vòng bảng, Argentina giành chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Nigeria. Tuy nhiên, họ đã để thua Anh ở vòng thứ 2 và bị Thuỵ Điển cầm hoà trong trận đấu cuối. Với kết quả này, Thuỵ Điển và Anh đã giành vé vào chơi vòng tiếp theo.

7. Bồ Đào Nha (World Cup 2002)

Trước khi Cristiano Ronaldo nổi danh, người hâm mộ trên thế giới luôn theo dõi tuyển Bồ Đào Nha với tình yêu dành cho những pha đi bóng của Luis Figo. Khi đó, tới dự giải đấu ở châu Á, Figo và những đồng đội được đánh giá rất cao, đặc biệt là khi họ rơi vào bảng đấu không quá khó khăn như với Ba Lan, Mỹ hay chủ nhà Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sau trận thua Mỹ ở loạt đầu tiên, Bồ Đào Nha đã đánh mất đi sự tự tin. Sau đó, trong trận đấu quyết định, tiền vệ Park Ji-sung đã ghi bàn đưa Hàn Quốc đi tiếp đồng thời "tiễn" Bồ Đào Nha về nước. 

8. Italy (World Cup 2010)

Cũng như Pháp năm 2002, tuyển Italy tới dự ngày hội bóng đá thế giới ở Nam Phi với vị thế của nhà đượng kim vô địch. Khi đó, những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đã buộc LĐBĐ Italia mời lại HLV Marcelo Lippi nhằm cứu vãn tình hình. 

Nhưng với một đội hình từng vô địch trên đất Đức đã "già đi" 4 tuổi, tại giải đấu ở Nam Phi Italia bị Paraguay và New Zealand cầm hòa. Kế đó, trận thua 2-3 trước Slovakia đã đưa đội bóng đất nước chiếc ủng trở về nước. Sau giải đấu, HLV Lippi bị thay thế bởi HLV Cesare Prandelli.

9. Italy (World Cup 2014)

Tuyển Italy ở World Cup 2014 đã khởi đầu khá suôn sẻ với trận thắng Anh trong trận ra mắt. Cùng bảng, Uruguay thua Costa Rica đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng tuyển Italia sẽ sớm có vé đi tiếp. 

Nhưng hai trận thua sau đó đã buộc nhà vô địch World Cup 2006 một lần nữa về nước sớm.

10. Tây Ban Nha (World Cup 2014)

Như một "lời nguyền" với các đội châu Âu giành chức vô địch thế giới trong gần hai thập niên qua, những gì xảy đến với Tây Ban Nha cũng có gì đó tương tự với Pháp và Italia. Sau khi đăng quang trên đất Nam Phi với lối đá ti-ki ta-ka trứ danh, tuyển Tây Ban Nha được đánh giá cực cao tại World Cup 2014 ở Brazil. 

Song mọi thứ đã tan vỡ với đoàn quân của HLV Vicente del Bosque chỉ sau hai trận đấu vòng bảng, trận đầu là khi để thua 1-5 trước Hà Lan và sau đó là trận thua 0-2 trước Chile./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều