Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức 3 HCV Á vận hội 2018

10:08, 19/08/2018

Kể từ SEA Games 2003 trên sân nhà, qua 7 Đại hội khu vực liên tiếp thể thao Việt Nam (TTVN) luôn giữ vững vị trí trong "đệ tam anh hào" Đông Nam Á, giành tổng cộng 605 HCV, bình quân 86 ngôi vô địch một kỳ(!) Tuy nhiên, ở đấu trường châu lục lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cùng trong khoảng thời gian 14 năm ấy, với 5 kỳ Asiad TTVN chỉ giành được 11 HCV; thậm chí xếp sau cả các đối thủ trong khu vực mà chúng ta từng bỏ xa ở SEA Games như: Malaysia, Indonesia, Singapore và cả Philippines, Myanmar.

Kể từ SEA Games 2003 trên sân nhà, qua 7 Đại hội khu vực liên tiếp thể thao Việt Nam (TTVN) luôn giữ vững vị trí trong “đệ tam anh hào” Đông Nam Á, giành tổng cộng 605 HCV, bình quân 86 ngôi vô địch một kỳ(!) Tuy nhiên, ở đấu trường châu lục lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cùng trong khoảng thời gian 14 năm ấy, với 5 kỳ Asiad TTVN chỉ giành được 11 HCV; thậm chí xếp sau cả các đối thủ trong khu vực mà chúng ta từng bỏ xa ở SEA Games như: Malaysia, Indonesia, Singapore và cả Philippines, Myanmar.

* Asiad mới là thước đo

Chính thức trở lại đấu trường Á vận hội từ năm 1982 tại New Delhi, Ấn Độ, nhưng chỉ từ Bắc Kinh 1990 (Trung Quốc) trở đi TTVN mới tham dự đều đặn, liên tục. Trải qua 8 kỳ Asian Games trong 32 năm qua, VĐV Việt Nam chỉ mới 11 lần được vinh dự bước lên bục huy chương cao nhất. Con số này chỉ đúng bằng số HCV của Ấn Độ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và thua cả Thái Lan giành được tại một kỳ Asiad 4 năm trước.

Ở Asiad 1994 ở Hiroshima, Nhật Bản, võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử giành HCV Asiad (hạng cân 58kg). 4 năm sau tại Asiad 13-1998 ở Bangkok, Thái Lan, Hồ Nhất Thống xuất sắc tiếp tục bảo vệ tấm HCV của taekwondo. Asiad 14-2002 ở Busan, Hàn Quốc thực sự đánh dấu bước tiến vượt bậc khi đoàn TTVN lần đầu tiên giành được tới 4 HCV: Trần Đình Hòa - bida; Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc - karate và Lý Đức - thể hình. Đến Asian Games 15-2006 tại Doha, Qatar, cầu mây (đồng đội và đôi nữ) cùng karatedo (Vũ Thị Nguyệt Ánh) mang về 3 HCV.

Tuy nhiên, 2 kỳ Asian Games gần đây là sự thất bại, tụt dốc. Ở Quảng Châu 2010 dù giành tới 17 HCB, 15 HCĐ, nhưng đoàn TTVN phải trải qua “cơn khát vàng” cho đến tận phút chót. Chỉ nhờ cứu tinh, võ sỹ trẻ karatedo Lê Bích Phương, TTVN mới thoát khỏi một kỳ Asiad “trắng vàng”. Và 4 năm trước, ở Incheon, Hàn Quốc, dù tham dự với con số kỷ lục 247 VĐV tranh tài đến 29 môn và chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn 2-3 HCV, nhưng đoàn TTVN chỉ có một ngôi vô địch duy nhất của nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi (VĐV vừa giành 2 HCV trong đó có chiếc HCV đầu tiên cho đoàn TTVN ở SEA Games 29).

* Jakarta - Palembang thì sao?

Tại Asiad 18, đoàn TTVN được giao nhiệm vụ phải giành được số HCV bằng với lần cao nhất ở Busan 2002 (4 HCV). Nếu không cũng phải đạt được không dưới 3 HCV như ở Doha 2006. Đây thực sự là một thách thức!

Tất cả 58 HCV các nội dung TTVN giành được tại SEA Games năm rồi đều sẽ có trong chương trình thi đấu tại Á vận hội 18 ở Indonesia. Trong số này có khoảng 12 môn có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng giành vàng vẫn là dấu hỏi. Hoàng Xuân Vinh vẫn là niềm hy vọng lớn nhất nếu anh trở lại đúng với phong độ và tâm lý của nhà vô địch Olympic Rio 2016. Điền kinh cực kỳ xuất sắc tại Malaysia 2017 khi lần đầu tiên lật đổ Thái Lan, lên ngôi bá chủ Đông Nam Á, nhưng trong số 17 ngôi vô địch SEA Games chỉ có duy nhất 1 thành tích vượt ngưỡng HCV Asian Games của Bùi Thị Thu Thảo ở môn nhảy xa nữ (6,68m so với 6,55m của nhà vô địch Asiad tại Incheon 4 năm trước Londa (Indonesia). Ngoài ra nếu giữ được phong độ, 2 nội dung tiếp sức nữ 4x100m và 4x400m cũng có thể cạnh tranh. Hay Lê Tú Chinh ở 200m, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan trong 400m và 400m rào. Có thể nói, chưa khi nào TTVN có cơ hội giành được tấm HCV lịch sử môn điền kinh ở đấu trường Asiad như lần này.

Nước chủ nhà Indonesia là quê hương của Pencak Silat nên lần đầu tiên môn võ này được đưa vào chương trình thi đấu Asiad, cũng mở ra cơ hội vàng cho TTVN. Được du nhập khá muộn nhưng Pencak Silat đã nhanh chóng vươn lên tầm thế giới, thậm chí từng vượt qua chính Indo. Tại SEA Games năm rồi việc Pencak Silat chỉ giành 3 HCV là rất đáng tiếc khi vào chung kết đến 8 hạng cân đối kháng nhưng thất bại tới 6 do đó các võ sĩ rất quyết tâm chuộc lỗi. Tương tự là taekwondo. Wushu với nhà ĐKVĐ Asiad Dương Thúy Vi hy vọng sẽ làm được nhiều hơn 1 HCV ở Asiad 2014. Karatedo cũng có khả năng mang về tấm HCV Asiad thứ 3 trong lịch sử sau Vũ Kim Anh, Bảo Ngọc ở Busan 2002. Đội thể dục dụng cụ nam với trình độ đã tiếp cận châu lục và thế giới cũng có khả năng ở một số nội dung đơn môn.

Với “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, sau khi từng giành tấm HCĐ ở 2 nội dung 200m, 400m hỗn hợp 4 năm trước ở Incheon, sẽ là thách thức lớn cho mục tiêu đổi màu tấm huy chương. Còn lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn vấn đề là khắc phục điểm yếu tâm lý, nếu không nâng được thành tích tổng cử lên mức 300kg, anh sẽ đứng trước nguy cơ thêm một kỳ Á vận trắng tay.

Cử lực lượng tham dự Asiad hùng hậu nhất từ trong lịch sử, nhưng điều đó có đồng nghĩa tăng trưởng về số ngôi vô địch?

Trần Đỗ

Tin xem nhiều