Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải có giải pháp căn cơ cho bài toán chấn thương

09:04, 08/04/2020

Một trong những mối lo lắng, bận tâm được HLV Park Hang-seo cho biết hiện nay là việc tính toán, xem xét những phương án thay thế các trường hợp chấn thương và làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế được tình trạng cầu thủ bị chấn thương xảy ra quá nhiều như thời gian qua.

Một trong những mối lo lắng, bận tâm được HLV Park Hang-seo cho biết hiện nay là việc tính toán, xem xét những phương án thay thế các trường hợp chấn thương và làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế được tình trạng cầu thủ bị chấn thương xảy ra quá nhiều như thời gian qua.

Duy Mạnh là cái tên thứ 6 của đội tuyển U.23 Việt Nam làm nên kỳ tích lịch sử tại vòng chung kết (VCK) U.23 châu Á 2018 bị đứt dây chằng trong 2 năm qua. Trước đó là Vũ Văn Thanh, Phạm Xuân Mạnh, Phan Văn Đức, Đình Trọng, Xuân Trường. Chưa kể Quang Hải gặp chấn thương ở SEA Games cuối năm ngoái, tuy không nặng nhưng đến nay vẫn chưa có thể trạng tốt nhất. Dù chấn thương ở các mức độ khác nhau nhưng các cầu thủ này phải phẫu thuật, buộc rời xa sân cỏ ít nhất từ 9-12 tháng. Ngoài việc không may, điều này đặt ra rất nhiều dấu hỏi trong việc sử dụng con người và điều kiện chăm sóc y tế của bóng đá Việt Nam từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia.

2 lứa tuyển thủ U.19 năm 2014 và năm 2016 hơn 2 năm qua phải cày ải quá nhiều, từ sân chơi quốc nội đến đấu trường quốc tế: Asiad 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 30, vòng loại - VCK U.23 châu Á 2020, vòng loại World Cup 2022… (riêng Quang Hải từ năm 2018 đến nay thi đấu xấp xỉ 120 trận trên mọi đấu trường, nhiều hơn cả “lực sĩ” Ronaldo). Vì áp lực thành tích mà HLV Park luôn phải dùng những quân bài tốt nhất, kể cả không ở trạng thái sung sức nhất. Chính việc mạo hiểm sớm sử dụng Đình Trọng tại VCK U.23 châu Á 2020 khi chưa hoàn toàn bình phục đã khiến đầu gối của trung vệ này bị tràn dịch, phải nghỉ thi đấu thêm 2-3 tháng. Không chỉ các trường hợp va chạm mạnh, việc cơ thể quá tải còn dẫn đến những ca tự chấn thương “lãng nhách” trong tập luyện không đối kháng, tranh chấp, hay… vấp cỏ như Đình Trọng.

Khoa học thể thao đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia về thể lực, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, hồi phục... (ở các CLB châu Âu, tỷ lệ bác sĩ, phục hồi với cầu thủ gần như là 1-1). Chi phí, trả lương cho ê-kíp này ít hơn rất nhiều so với một cầu thủ ngoại, nhưng gần như không có một CLB nào ở Việt Nam đầu tư đúng mức, nên chuyện cầu thủ chấn thương là điều tất yếu. Bóng đá là môn đối kháng trực tiếp nên chấn thương là điều khó tránh khỏi, nhưng vẫn có thể hạn chế nếu biết cách phòng tránh. Đã đến lúc các CLB cần chú trọng có hệ thống y tế chuyên biệt.

Trường Xuyên

Tin xem nhiều