Báo Đồng Nai điện tử
En

SEA Games 31: Cảm phục những tấm HCV

06:05, 16/05/2022

Chỉ sau ngày thi đấu chính thức thứ 3 sau lễ khai mạc SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn thành gần 1/3 chỉ tiêu HCV, trong đó có những tấm HCV đầy cảm xúc.

Chỉ sau ngày thi đấu chính thức thứ 3 sau lễ khai mạc SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn thành gần 1/3 chỉ tiêu HCV, trong đó có những tấm HCV đầy cảm xúc.

Phạm Văn Mách (giữa) đoạt HCV ở tuổi 46, trở thành nhà vô địch duy nhất 2 kỳ SEA Games tại Việt Nam
Phạm Văn Mách (giữa) đoạt HCV ở tuổi 46, trở thành nhà vô địch duy nhất 2 kỳ SEA Games tại Việt Nam

Vinh dự ghi danh “mở hàng” đầu tiên cho chủ nhà là nữ võ sĩ kurash Tô Thị Trang. Nhỏ nhẹ, mỏng manh, nụ cười của cô gái có gì đó không trọn vẹn. Khi phóng viên hỏi Trang muốn tặng tấm HCV này cho ai, cô mới rưng rưng, nước mắt lưng tròng: “Cho bố, mong bố khỏe” và ôm chầm lấy người dì ruột đã khóc òa. Ngay sau đó, Trang đã tức tốc mang tấm HCV vào bệnh viện cho người cha đang trong cơn nguy kịch. Và như chỉ chờ thành quả bao năm của cô con gái, ngay tối cùng ngày ông mãn nguyện trút hơi thở cuối cùng. Từ một VĐV judo, mất 6 năm chuyển sang tập luyện kurash, Tô Thị Trang mới có được tấm HCV SEA Games đầu tiên ở tuổi 23 và chưa biết liệu sẽ có lần thứ 2 khi năm sau kurash có thể không còn trong chương trình thi đấu.

Nói về cái duyên “mở hàng vàng” thì phải là Dương Thúy Vi, người mang về HCV đầu tiên cho TTVN từ Asiad 2014 đến SEA Games 2015, 2017. Lần này tuy “lỡ hẹn” vì wushu vào cuộc sau và không thể lập hat-trick vàng (chỉ giành HCĐ nội dung trường quyền) nhưng với “cú đúp” kiếm thuật và thương thuật, Thúy Vi đã nâng bộ sưu tập HCV SEA Games của mình lên 6 chiếc trong 4 kỳ Đại hội (chỉ đứt mạch ở Philippines 2019 vì chủ nhà bỏ nội dung sở trường của cô). 21 năm sống cùng đam mê, Thúy Vi là người “Mohican” wushu còn sót lại, nhưng theo các HLV cô vẫn chưa có đối thủ trong khu vực, còn thi đấu là còn lấy vàng. Nhưng mẹ Thúy Vi thì không thể không lo lắng, “con gái có thì”, mà năm nay cô đã 29 tuổi.

Chứng kiến cô gái bé hạt tiêu Nguyễn Thị Oanh (chỉ cao 1,60m, nặng 46kg), thống trị tuyệt đối đường chạy Mỹ Đình ở 3 nội dung rất gian khổ: 1.500m, 5.000m (bắt đuôi, bỏ các đối thủ đến hơn 1 vòng sân) và 3.000m vượt chướng ngại vật để bảo vệ cú hat-trick vàng cho điền kinh Việt Nam thật nể phục. Không chỉ thấp bé, nhẹ cân, Oanh từng những tưởng đã sớm giải nghệ khi đột ngột triệu chứng phù nề, được chẩn đoán viêm cầu thận. Tuy nhiên với nghị lực và ý chí không từ bỏ, ngoài tấm HCĐ Assiad 2018, Nguyễn Thị Oanh đã sở hữu tổng cộng 8 HCV tại 3 kỳ SEA Games liên tiếp, là “độc cô cầu bại” Đông Nam Á ở 3 cự ly chạy dài.

Nhưng có lẽ tấm HCV đặc biệt nhất là của lực sĩ Phạm Văn Mách, nhà vô địch duy nhất ở cả 2 kỳ SEA Games do Việt Nam đăng cai, cách nhau 19 năm. Ngay lần đầu tiên tham dự vào năm 2003 ở tuổi 27, chàng trai thể hình quê Long Xuyên đã giành HCV hạng cân 55kg và hoàn thành cú hat-trick tại SEA Games 2007. Bẵng đi gần chục năm giải nghệ, mở phòng tập gym, đi đóng phim, thậm chí thử làm… ca sĩ, Mách là VĐV “đàn chú” tại SEA Games 31 và đoạt tấm HCV thứ 4 ở tuổi… 46.

Lại nhớ đến một VĐV thể hình khác, Nguyễn Xuân Hải, người mang về tấm HCĐ SEA Games đầu tiên cho thể thao Đồng Nai. Tại Jakarta 1997, thỉnh thoảng trên đường phố tôi tình cờ gặp Hải, trong cái nóng bức xứ vạn đảo mà anh mặc 2, 3 lớp áo dày, mặt mày hốc hác và luôn miệng than “đói quá anh ơi!”. Thì ra Hải phải ráo riết làm cho ra mồ hôi và nhịn ăn để “ép cân” thi đấu.

Đời VĐV chuyên nghiệp phải đánh đổi nhiều thứ, đằng sau mỗi tấm huy chương không chỉ lấp lánh.       

Đông Kha

Tin xem nhiều