Báo Đồng Nai điện tử
En

Châu Âu - Nam Mỹ: Sân trung lập 1-1

05:12, 09/12/2022

Xuyên suốt chiều dài lịch sử 88 năm (cho đến Nga 2018), 21 chức vô địch World Cup chỉ xoay quanh châu Âu và Nam Mỹ. Châu Âu 12 lần lên ngôi (Đức và Italy 4; Pháp 2; Anh và Tây Ban Nha mỗi nước 1), Nam Mỹ 9 (Brasil 5; Argentina, Uruguay mỗi nước 2). Tuy nhiên, đôi bên chỉ mới một lần vô địch "trên đất địch". Còn Qatar 2022 là sân trung lập thì sao?

Xuyên suốt chiều dài lịch sử 88 năm (cho đến Nga 2018), 21 chức vô địch World Cup chỉ xoay quanh châu Âu và Nam Mỹ. Châu Âu 12 lần lên ngôi (Đức và Italy 4; Pháp 2; Anh và Tây Ban Nha mỗi nước 1), Nam Mỹ 9 (Brasil 5; Argentina, Uruguay mỗi nước 2). Tuy nhiên, đôi bên chỉ mới một lần vô địch “trên đất địch”. Còn Qatar 2022 là sân trung lập thì sao?

Brasil đang nắm giữ kỷ lục 5 lần vô địch World Cup
Brasil đang nắm giữ kỷ lục 5 lần vô địch World Cup

Luôn chiếm suất áp đảo và hơn Nam Mỹ tới 4 chức vô địch nhưng trong 8 kỳ World Cup diễn ra ở Tây bán cầu, châu Âu phải chịu lời nguyền kéo dài đến 84 năm.

World Cup 1930 tổ chức tại Uruguay, chủ nhà Nam Mỹ trở thành nhà vô địch đầu tiên mà trên đường vào chung kết với Argentina đã “hủy diệt” 2 đội bóng Đông Âu: Romania 4-0 và Nam Tư (cũ) 6-1. Năm 1950, tại Brasil, Italy dù 2 lần vô địch liên tiếp  trước đó vẫn phải ra về ngay sau vòng 1; Thụy Điển, Tây Ban Nha cũng nối bước sau vòng 2; Uruguay mang về chức vô địch thứ 2 sau khi đánh bại Brasil.

12 năm sau, World Cup mới trở lại Nam Mỹ tại Chile. Tiệp Khắc (cũ) xuất sắc vào chung kết, nhưng lại thất bại trước một Brasil đỉnh cao. Đến Mexico 1970, Pele cùng Brasil có lần thứ 3 lên ngôi sau khi đánh bại Italy ở trận chung kết.

Argentina 1978, “cơn lốc màu da cam” Hà Lan lại là “kẻ về nhì vĩ đại” trước đội chủ nhà. 8 năm sau, World Cup trở lại Mexico và Maradona mang về cho Argentina chức vô địch thứ 2 mà bại tướng ở chung kết là Đức. Người Đức trả được món nợ này ở Italy 1990, nhưng khi World Cup quay lại châu Mỹ, USA 1994, chiếc cúp cũng trở về với Brasil (thắng Italy ở chung kết).

Phải sau hơn 8 thập kỷ, đến Brasil 2014, lời nguyền mới được phá bỏ. Chủ nhà Nam Mỹ và châu Âu cùng có 4 đại diện vào tứ kết và mỗi bên còn 2 đội đi tiếp. Nhưng ở bán kết chứng kiến một cú sốc lớn khi Brasil bị Đức vùi dập 7-1, rồi chủ nhà thua luôn Hà Lan 0-3 ở trận tranh HCĐ, còn Đức thắng tiếp đội tuyển số 2 Nam Mỹ Argentina 1-0 ở chung kết. Lần đầu tiên một đội tuyển châu Âu đăng quang trên đất Nam Mỹ, lại ở “thánh địa” của Samba.

Thật ra, bóng đá Nam Mỹ cũng không khá hơn. Trong 11 kỳ World Cup diễn ra tại châu Âu, các đội bóng Nam Mỹ cũng chỉ một lần lên ngôi, có điều họ làm được sớm hơn châu Âu tới 56 năm với Brasil tại Thụy Điển 1958.

Còn trên đất trung lập thì sao? World Cup 2002 ở Nhật Bản và Hàn Quốc là lần đầu tiên vòng chung kết được tổ chức bên ngoài 2 châu lục Âu, Mỹ. Tại châu Á, Brasil cùng Đức vào chung kết và “người ngoài hành tinh” Ronaldo đưa Samba lên ngôi lần thứ 5, qua đó mang về cho Nam Mỹ chức vô địch thứ 9, cũng là cuối cùng cho đến nay. Bởi đến Nam Phi 2010, kỳ World Cup đầu tiên diễn ra ở châu Phi, châu Âu hoàn toàn áp đảo. Tại tứ kết, Hà Lan loại Brasil, Đức thắng đậm Argentina và Tây Ban Nha tiễn Paraguay. Thắng Hà Lan ở chung kết, Tây Ban Nha có lần đầu tiên lên ngôi vô địch.

Tỷ số “trên sân trung lập” đang là Nam Mỹ: 1, châu Âu: 1, tại Qatar 2022 ai sẽ vượt lên? Ngoài “khách lạ” Morocco, ở tứ kết châu Âu có tới 5 đại diện, trong đó còn đủ cả nhà ĐKVĐ và á quân của giải Pháp, Croatia; còn Anh là đội hạng tư và đương kim á quân EURO; Bồ Đào Nha, Hà Lan cũng không hề kém cạnh. Trong khi Nam Mỹ dù chỉ còn 2 nhưng là 2 tên tuổi hàng đầu: Brasil, Argentina. Số lượng áp đảo cũng không phải là yếu tố quyết định, nhất là khi sự run rủi dồn Anh, Pháp, Bồ vào cùng một nhánh, phải tự loại nhau. Rất nhiều khả năng trận chung kết sẽ lại là cuộc so tài giữa 2 trường phái bóng đá hàng đầu thế giới và Nam Mỹ thì đã khát khao chờ đợi tròn 20 năm qua khi đã 4 kỳ World Cup cúp vàng đều ở lại hoặc về với châu Âu.

Yên Chi

Tin xem nhiều