Báo Đồng Nai điện tử
En

SEA Games 32: Chưa thi đấu, Việt Nam đã mất 50 HCV

08:03, 16/03/2023

Ban tổ chức nước chủ nhà Campuchia đã chính thức công bố chốt danh sách 37 môn thi đấu chính thức tại SEA Games 32 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 17-5-2023.

Ban tổ chức nước chủ nhà Campuchia đã chính thức công bố chốt danh sách 37 môn thi đấu chính thức tại SEA Games 32 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 17-5-2023.

Bokator lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games, nhưng sau Campuchia 2023 bao giờ mới xuất hiện trở lại?
Bokator lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games, nhưng sau Campuchia 2023 bao giờ mới xuất hiện trở lại?

* Nước chủ nhà đưa vào 3 “đặc sản”

So với dự kiến trước đây là 36 môn, môn tăng thêm thứ 37 là Bokator - môn võ truyền thống của Campuchia. Cùng với Bokator, trước đó nước chủ nhà đã đưa vào chương trình thi đấu 2 môn thể thao dân tộc là Kun Khmer (võ Campuchia) và cờ ok chaktrong (cờ ốc).

Ngược lại, Ban tổ chức vẫn giữ nguyên quan điểm không tổ chức các môn dù có trong chương trình thi đấu Asiad, Olympic. Trong số này, nhiều môn là thế mạnh, “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam (TTVN) như: đua thuyền canoeing và rowing (từng đoạt 16 HCV tại SEA Games 31), bắn súng (7 HCV), thể hình (5 HCV), cờ vua (7 HCV, chỉ có cờ tướng và cờ ốc), kurash (7 HCV), bóng ném (3 HCV), lặn (10 HCV)… Tính sơ, chỉ những môn mà nước chủ nhà loại bỏ, TTVN mất trên dưới 50 HCV so với kỳ SEA Games diễn ra 1 năm trước.

Chưa dừng lại, Campuchia còn khống chế số lượng đăng ký các nội dung thi đấu ở một số môn võ đối kháng như taekwondo, pencak silat. Cụ thể, các đoàn chỉ được đăng ký không quá 70% số nội dung thi đấu, nhưng vô lý là VĐV chủ nhà lại được ưu tiên tham dự tất cả (?!). Không những vậy, các môn này còn bị cắt bớt một số hạng cân. Với quy định trái khoáy, chưa hề có tiền lệ này, taekwondo và pencak silat Việt Nam (từng giành 9 và 6 HCV tại SEA Games 31) sẽ mất từ 2-3 HCV mỗi môn.

Trong khi đó, bokator có đến 16 bộ huy chương gồm: 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội và 9 nội dung đối kháng cá nhân nam, nữ. Dù là môn đưa vào cuối cùng nhưng rõ ràng chủ nhà Campuchia đã có sự chuẩn bị khi đã tranh thủ được 5 nước đồng ý cùng tham gia gồm: Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia và Việt Nam (theo quy định, tối thiểu phải có 4 quốc gia đăng ký tham dự thì mới đủ điều kiện để tổ chức môn thi đấu).

* Chuyện bình thường… ở ao làng

Đây gần như đã là “truyền thống” của Đại hội Thể thao Đông Nam Á đến mức “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…!”. Các nước chủ nhà thường tìm cách để có lợi thế lớn nhất, đạt được thành tích cao nhất. Điều này đã trở thành “thói quen” đến mức các quốc gia khác coi là bình thường, xuề xòa nhắm mắt cho qua (vì đến mình cũng vậy). Do đó, dù Hội đồng Thể thao Đông Nam Á mong muốn SEA Games không chỉ là ngày hội thể thao khu vực mà còn là bàn đạp hướng đến thành tích cao của thể thao Đông Nam Á tại Asiad, Olympic, nhưng nếu không có sự thống nhất về ý chí và hành động giữa các quốc gia, đại hội vẫn sẽ mãi quanh quẩn ở “ao làng”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vừa trải qua kỳ SEA Games đại thắng trên sân nhà với kỷ lục 205 HCV (bỏ xa đoàn thứ nhì Thái Lan tới… 113 HCV), nhưng tại Phnom Penh 2023 dự kiến Đoàn TTVN chỉ tham dự 30/38 môn thi đấu với 444 nội dung và tự hạ mục tiêu xuống tới phân nửa (khoảng 100 HCV), để giữ vị trí tốp 3 toàn đoàn.

Bokator và Kun Khmer là gì?

Bokator là môn võ thuật cổ xưa của Campuchia được người Khmer sáng lập ngay trước sự ra đời của nền văn minh Ấn Độ hơn 2 ngàn năm trước. Thuật ngữ bokator có nghĩa là “đánh sư tử”. Môn võ này có nhiều chiêu thức bắt chước động vật, từ vịt, cua, ngựa, rồng, chim, khỉ đến sư tử, voi, cá sấu và các tuyệt chiêu. Năm 2022, môn võ cổ truyền bokator chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới phi vật thể.

Còn Kun Khmer được kế thừa từ chính bokator, là một môn võ đối kháng Kun Khmer, bao gồm 4 kiểu tấn công: đấm, đá, chỏ và gối. Vì những điểm tương đồng, môn võ này thường bị nhầm và từng xảy ra tranh chấp về tên gọi với Muay Thai của Thái Lan.

Yên Chi

Tin xem nhiều