Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân Đồng Nai khởi nghiệp, lập nghiệp từ sản phẩm địa phương

04:11, 27/11/2021

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai - TechFest DongNai 2021, sáng ngày 26-11, Sở Khoa học và Công nghệ phối với Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn "Nông dân Đồng Nai khởi nghiệp, lập nghiệp từ sản phẩm địa phương" năm 2021.

 

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai - TechFest DongNai 2021, sáng ngày 26-11, Sở Khoa học và Công nghệ phối với Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn “Nông dân Đồng Nai khởi nghiệp, lập nghiệp từ sản phẩm địa phương” năm 2021.

* Nông dân cần hỗ trợ vốn và cơ chế chính sách

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Lê Hữu Thiện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Ngọc Phương, Tổ trưởng Tổ triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ); Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và 200 đại biểu nông dân tham gia diễn đàn trực tuyến tại điểm cầu của các địa phương trong tỉnh.

10w.jpg
Diễn đàn nông dân khởi nghiệp.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các chuyên đề về các cơ chế, chính sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, cụ thể đó là cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đối mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025” và các vấn đề liên quan đến liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Cũng tại diễn đàn, một số chủ dự án khởi nghiệp thành công; các Hợp tác xã, Tổ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và cách thức vận hành dự án để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đồng thời kiến nghị các sở, ngành có các cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản…

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom), người nông dân có thâm niên làm chuối hơn 10 năm cho biết, trên thế giới nhiều nước đã sử dụng bẹ chuối làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm có ích. Tại Việt Nam, một số cá nhân cũng học cách tái chế bẹ chuối thành sản phẩm thô để xuất khẩu. Nhưng riêng Đồng Nai, “thủ phủ” chuối cấy mô chưa có ai làm. Ông trăn trở mãi rồi quyết định học cách làm bẹ biến bẹ chuối thành tiền.

Theo chia sẻ của ông Hùng, thị trường sản phẩm bẹ chuối, sơ, sợi chuối rất có tiềm năng. Không chỉ các đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng liên hệ thu mua bẹ chuối sấy khô để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng thân thiện với môi trường. Do đó, ông đã đặt hàng thêm thiết bị máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng đẩy mạnh sản xuất bẹ chuối, sơ, sợi chuối. Lên kế hoạch mở thêm cơ sở làm bẹ chuối sấy khô ở miền Trung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

11.jpg
Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Bình Lý Minh Hùng chia sẻ những khó khăn khi khởi nghiệp nông nghiệp.

Dự định là vậy, nhưng do dịch bệnh nên HTX phải thu hẹp quy mô sản xuất. Sau đó, tùy theo nhu cầu thị trường và năng lực của HTX, ông sẽ mở làng nghề sản xuất sơ, sợi chuối ngay tại địa phương để tận dụng hết những phụ phẩm từ thân cây chuối nhằm nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho lao động lớn tuổi địa phương và xây dựng làng nghề làm chuối. “Chúng tôi rất mong muốn nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để nông dân rộng đường vay vốn cũng như đầu tư máy móc cho chế biến, nâng cao giá trị nông sản”, ông Hùng bày tỏ.

* Đồng Nai hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam thì Đồng Nai là địa phương có tiềm năng lớn để dấn thân vào khởi nghiệp, phát triển các dịch vụ kinh tế liên quan đến nông nghiệp. Đồng Nai hiện có trên 1,7 ngàn trang trại, nhìn chung, hoạt động của các trang trại có hiệu quả cao, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn hạn chế do phần lớn trang trại là hộ gia đình. Trong khi đó, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị cho nông sản là bài toán dài hơi. Việc tham gia các hiệp định kinh tế cũng đã giúp cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu được vào các nước đối tác.

Theo ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tổ chức tư vấn, định hướng cho hội viên, nông dân, chủ trang trại lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất; đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường kết nối đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.

Để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Đồng Nai gần đây đã có những động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Trong đó, tỉnh đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa với Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025 với nhiều nội dung như: bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý và hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Những tiếp cận mới này từ phía địa phương được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút, thúc đẩy ngày càng nhiều cá nhân, DN và người nông dân mạnh dạn đầu tư vào khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

   Đức Quân

Tin xem nhiều