Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lòng nhà giáo

09:11, 18/11/2012

Một chiều cuối tuần giữa tháng 11, bạn bè Nhà giáo Đào tôi đang làm nghề dạy học bớt chút thời gian ít ỏi gặp nhau. Anh chủ nhà là người “ngoại đạo” hồ hởi chúc mừng khi mọi người mới vừa ngồi xuống bàn:

Một chiều cuối tuần giữa tháng 11, bạn bè Nhà giáo Đào tôi đang làm nghề dạy học bớt chút thời gian ít ỏi gặp nhau. Anh chủ nhà là người “ngoại đạo” hồ hởi chúc mừng khi mọi người mới vừa ngồi xuống bàn:

- Nhân Ngày Nhà giáo, chúc các thầy cô sớm sống được bằng lương.

Đang vui, nghe lời chúc, ai nấy mặt buồn xo. Cũng dễ hiểu thôi, bao năm nay nhà giáo hy vọng có ngày sống được bằng lương như lời Bộ trưởng GD-ĐT hứa cách nay đã lâu: “Năm 2010, giáo viên sống được bằng lương”.

Anh bạn hiệu trưởng trường tiểu học cũng có vợ là giáo viên cười buồn:

- Mới đây, trong một hội nghị về giáo dục, người ta đưa ra con số có tới hơn nửa triệu nhà giáo có thu nhập dưới 3- 5 triệu đồng, trong khi các ngành nghề khác bình quân lương là hơn 4 triệu đồng.

- Vậy sao vợ chồng thầy hiệu trưởng vẫn sống khỏe? - một người hỏi.

- Thì bà xã phải “cày” để tôi chuyên tâm vào lo việc trường. Mấy ông có tin không, lương ba chục năm trong nghề rồi mà hàng tháng bà xã tôi còn phải “tài trợ” thêm đó!

Mọi người nhìn anh vẻ thông cảm. Đúng là vậy, Nhà giáo Đào tôi đây, ngược xuôi đủ nghề, như làm báo, viết văn, dạy thêm, dạy kèm mà vẫn có tháng thiếu trước hụt sau.

Thầy giáo dạy tiểu học ở một trường chuẩn quốc gia than:

- Trường một buổi còn dạy thêm được chứ trường 2 buổi/ngày thì bó tay. Tháng tăng giờ được thêm vài trăm ngàn đủ tiền đổ xăng, nhưng phải bám trường, bám lớp suốt 8 tiếng.

- Mai mốt tiểu học cấm dạy thêm rồi, tôi không biết xoay xở sao nữa? - cô bạn buồn hiu hắt.

- Mà nghĩ cũng lạ, lương chưa đủ sống, làm thêm bằng nghề chân chính của mình lại bị cấm sao mà gắn bó với nghề giáo được. Thành ra phải dạy chui thôi. Mới vừa rồi, bộ về kiểm tra tỉnh, các trường ở thành phố đều đồng loạt cho học sinh nghỉ học thêm để né. Có giáo viên sắp về hưu bảo, cả đời dạy học lần đầu tiên mới thấy chuyện đó. Nghĩ mà buồn ghê.

- Mấy thầy cô sau này không biết chứ, những năm 80 của thế kỷ trước, giáo viên bỏ việc dữ lắm. Người yêu nghề ở lại thì kiếm đủ thứ việc làm, như: chạy chợ, chạy xe ôm, buôn bán quán ăn, cà phê... Đã mang cái nghiệp vào thân rồi, biết thế nào được.

- Đã mê nghề thì không toan tính thiệt hơn, phải không thầy cô? - cô bé đang học sư phạm con anh bạn hỏi vô tư.

- Con chưa bước vào ngành nên chưa thấm hết những cực khổ. Vừa qua, tại một cuộc hội thảo, có giáo sư đã cho biết: “Theo một khảo sát hơn 500 giáo viên ở ba cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề thì có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo, một bộ phận đáng kể đang chán nghề“.

Nhà giáo Đào tôi hỏi anh bạn hiệu trưởng: “Theo ông, làm gì để giải quyết những vấn đề rối như tơ vò trong giáo dục hiện nay?”.

Anh bạn trầm ngâm:

- Cải cách toàn diện nền giáo dục sao cho học sinh được học thật nhẹ nhàng không phải đi học thêm, đổi mới chính sách lương bổng cho giáo viên, làm sao cho trò ra trò, thầy ra thầy.

Đó có lẽ cũng là nỗi lòng của hầu hết nhà giáo chúng tôi. 

           Nhà giáo Đào

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều