Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng thành phố thông minh để phục vụ người dân

11:02, 04/02/2020

Khái niệm "đô thị thông minh" hay "thành phố thông minh" gần đây không còn lạ lẫm với người dân tại nhiều địa phương trong cả nước bởi hàng chục tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành xây dựng,..

Khái niệm “đô thị thông minh” hay “thành phố thông minh” gần đây không còn lạ lẫm với người dân tại nhiều địa phương trong cả nước bởi hàng chục tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành xây dựng, áp dụng các giải pháp quản lý đô thị có hàm lượng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cùng với hàng chục địa phương khác, Đồng Nai đã chuẩn bị đề án xây dựng đô thị thông minh từ vài năm nay và đặc biệt, 2020 được xác định là năm mà tỉnh tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng và vận hành đô thị thông minh, đánh dấu bằng việc khai trương và vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành đô thị thông minh trong tháng 1-2020 vừa qua. Trung tâm điều hành này dự kiến sẽ cung cấp “một cái nhìn” khá tổng thể và toàn diện về đô thị, đề cao tính tương tác giữa người dân và nhà quản lý. Một số tính năng cơ bản bước đầu như tổng hợp các báo cáo, chỉ đạo điều hành; họp thông minh, họp điện tử; lịch làm việc cá nhân, đơn vị; quản lý văn bản đi và đến, xử lý văn bản điện tử; giám sát toàn bộ thông tin trên hệ thống camera, giám sát phân tích thông tin báo chí, mạng xã hội; ứng dụng phục vụ người dân… sẽ nhanh chóng được triển khai.

Trên thực tế, có “va chạm” với những vấn đề bất cập hoặc các tình huống khẩn cấp của một đô thị đông dân cư mới thấy rõ, ngày nay không đô thị nào lại không cần đến những giải pháp thông minh trong quản lý, điều hành. Chưa kể, việc thu thập, tích hợp thông tin trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục và y tế. Chẳng hạn, với những giải pháp công nghệ thông minh kết nối thông tin trực tiếp từ trung tâm điều hành đến từng hộ dân, thì những thông tin chính thống về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona cùng các giải pháp phòng chống riêng của địa phương  sẽ được cập nhật hằng ngày, hằng giờ đến người dân một cách chính xác, hạn chế “tin giả” đến mức thấp nhất. Người dân cũng có thể dễ dàng thông tin ngược lại cho chính quyền những gì mình nắm bắt được trong thực tế đời sống cùng những kiến nghị kịp thời, đúng luật.

Hiện nay, quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung cũng mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Mức độ “thông minh” của từng đô thị đến đâu, dĩ nhiên phụ thuộc khá nhiều vào tiềm lực tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực và đặc thù của từng đô thị. Một đô thị ven biển ắt hẳn cần những giải pháp quản lý khác biệt ít nhiều so với một đô thị không có biển hoặc có đặc thù địa lý là đồng bằng hoặc núi non. Thêm vào đó, xây dựng và vận hành đô thị thông minh còn cần đến cả một quá trình, không thể ngày một ngày hai. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là để phục vụ chính cuộc sống hằng ngày của người dân, nâng cao tính tương tác với chính quyền, tiện nghi và hiện đại hơn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều