Báo Đồng Nai điện tử
En

Tín hiệu lạc quan về thị trường lao động hậu Covid-19

09:05, 29/05/2020

Dịch bệnh Covid-19 đã làm xáo trộn và gây ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc không có nguyên liệu sản xuất cũng như không tiêu thụ được hàng hóa làm ra khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm xáo trộn và gây ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc không có nguyên liệu sản xuất cũng như không tiêu thụ được hàng hóa làm ra khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua. Tỷ lệ lao động thất nghiệp trong quý I-2020 của cả nước là 2,22%, tăng 0,07% so với quý IV-2019 và 0,05% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến giữa tháng 4-2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại Đồng Nai, có 137 doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hơn 68 ngàn người lao động. Các doanh nghiệp đã buộc phải áp dụng một số biện pháp như: giảm giờ làm việc, cho lao động nghỉ không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ hưởng lương tối thiểu vùng hoặc lương căn bản, tổ chức làm việc các ngày luân phiên, chuyển sang công việc khác, tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc có hưởng lương. Có 4 doanh nghiệp không “trụ” nổi đã buộc phải giải thể với 89 lao động.

Sau nhiều tháng “chiến đấu” với dịch bệnh Covid-19 và gần 1 tháng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được dịch bệnh mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới còn khá phức tạp. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất và liên tục đăng tuyển lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa trong tình hình mới. Điều này được thấy rõ thông qua Sàn giao dịch việc làm lần thứ 182 vừa được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. 25 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển hơn 2,2 ngàn lao động. Trong đó, riêng Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai có nhu cầu tuyển 1 ngàn lao động có trình độ sơ cấp nghề và 300 lao động có trình độ phổ thông. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chuyên các lĩnh vực như: sản xuất bao dệt, sợi, sữa uống lên men, bao bì kim loại, xuất khẩu lao động, thiết bị y tế, buôn bán ô tô, hàng nội ngoại thất… cũng có nhu cầu tuyển khá nhiều lao động.

Trong báo cáo “Covid-19 và thị trường nhân lực: Những thách thức để tiến tới trạng thái bình thường mới” của Vietnam Works mới đây cho thấy, trong số 400 doanh nghiệp được khảo sát, có 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh. Trong đó, 44% doanh nghiệp cho biết vẫn đang hoạt động bình thường, có khả năng duy trì lực lượng nhân sự cũng như lương, phúc lợi cho người lao động. 16% doanh nghiệp cho biết đang tăng trưởng và tăng quy mô nhân sự.

Các chuyên gia nhận định, con số trên là tín hiệu lạc quan đối với thị trường lao động thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người lao động nào cũng được chia đều cơ hội việc làm như nhau. Bởi thực tế, qua khảo sát của Vietnam Works, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có 72% doanh nghiệp đã cắt giảm nhóm nhân sự cấp thấp, ít có kinh nghiệm.

Hậu Covid-19, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với tình hình mới. Dự báo các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng ưu tiên vào những vị trí liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, yêu cầu người lao động phải có trình độ, tay nghề chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt… Vì thế, bản thân mỗi người lao động cần kịp thời trang bị cho mình những điều kiện cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, đảm bảo đời sống, việc làm của bản thân và gia đình.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều