Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực kết nối giao thông tại các khu công nghiệp

03:06, 01/06/2020

Những năm trở lại đây, khi dân số tăng nhanh, tình trạng kẹt xe tại các đô thị cũng diễn ra phổ biến hơn. Đặc biệt, tại các tuyến quốc lộ, trục đường chính kết nối với các KCN đang dần quá tải...

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Những năm trở lại đây, khi dân số tăng nhanh, tình trạng kẹt xe tại các đô thị cũng diễn ra phổ biến hơn. Đặc biệt, tại các tuyến quốc lộ, trục đường chính kết nối với các KCN đang dần quá tải gây nên tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm.

Tuyến đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) trở thành “điểm nóng” kẹt xe nhiều năm nay do phải “gồng gánh” hàng vạn phương tiện đi và đến 3 khu công nghiệp lớn trên địa bàn
Tuyến đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) trở thành “điểm nóng” kẹt xe nhiều năm nay do phải “gồng gánh” hàng vạn phương tiện đi và đến 3 khu công nghiệp lớn trên địa bàn. Ảnh: T.Hải

[links()]Tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông không chỉ làm phát sinh chi phí lớn cho đơn vị vận tải, doanh nghiệp sản xuất trong các KCN mà còn là nỗi lo lắng thường trực của người tham gia giao thông, người dân sống hai bên đường.

* Nhiều tuyến đường quá tải

Đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) có chiều dài gần 6km, đầu tuyến giao quốc lộ 1 ở vòng xoay Tam Hiệp, cuối tuyến giao với quốc lộ 51, đoạn suối Cầu Quan. Do được xây dựng từ lâu, mặt đường hiện khá hẹp (chỉ rộng khoảng 10m) nên sau khi các KCN được hình thành trong khu vực, đường Bùi Văn Hòa lập tức rơi vào tình trạng quá tải.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4-2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân trên địa bàn tỉnh là 2,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (1,1%). Trong đó, dân số tăng nhanh và tập trung nhiều tại các khu vực đô thị, địa phương có nhiều KCN hoạt động. Cụ thể, H.Nhơn Trạch là địa phương có tỷ lệ tăng dân số bình quân mỗi năm cao nhất tỉnh, tiếp đến là các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành.

Lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng lớn, không chỉ tập trung nhiều xe container, xe tải chở hàng hóa ra vào 3 KCN: Biên Hòa 2, Loteco và Agtex Long Bình mà hàng trăm ngàn xe máy, ô tô cá nhân cũng đổ dồn về đây. Nếu như lưu thông trong KCN Biên Hòa 2, phương tiện còn có các hướng khác thoát ra quốc lộ 1 và quốc lộ 51 thì đối với KCN Loteco và KCN Agtex Long Bình, đường Bùi Văn Hòa là tuyến độc đạo để lưu thông ra bên ngoài. Vì vậy, ùn tắc trở nên nghiêm trọng, xe cộ nuối đuôi nhau “rồng rắn” trên đường.

“Chưa kể, tuyến đường Bùi Văn Hòa vốn đã nhỏ, lại không có hệ thống thoát nước, mỗi khi xảy ra mưa lớn giao thông tại đây có lúc tê liệt, người dân rất ngán ngẩm” - ông Đinh Văn Dần (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho hay.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, tuyến đường Bùi Văn Hòa bị quá tải cả về kết cấu mặt đường lẫn lưu lượng phương tiện nên ùn tắc xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch chưa tương xứng với tốc độ phát triển của kinh tế. Khi xây dựng các KCN khu vực này, việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối thiếu đồng bộ dẫn đến hiện trạng là đường hẹp, xe đông và kẹt xe xảy ra thường xuyên.

chen nhau di chuyển trên đường tỉnh 767 từ Khu công nghiệp Bắc Sơn đổ ra quốc lộ 1 (đoạn qua xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom)
chen nhau di chuyển trên đường tỉnh 767 từ Khu công nghiệp Bắc Sơn đổ ra quốc lộ 1 (đoạn qua xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom). Ảnh: T.Hải

Bên cạnh đó, vào các giờ cao điểm trên tuyến đường Đồng Khởi (trục đường chính nối từ KCN Amata đến KCN Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cũng chật cứng xe cộ. Thời điểm các giờ cao điểm buổi sáng, hàng ngàn phương tiện từ khu vực các phường: Trảng Dài, Tân Hiệp… đổ ra đường Đồng Khởi phải xếp hàng chờ đợi. Trong đó, chủ yếu là xe máy của công nhân lao động làm việc tại các KCN: Amata, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2…

Ông Hoàng Ngọc Đại, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM than phiền, đơn vị tham gia hoạt động logistics trong các KCN ở Biên Hòa nhưng hạ tầng giao thông còn bất cập nên ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kinh doanh. Trong đó, nhiều đường chính kết nối với KCN thường xảy ra tình trạng ùn tắc dẫn đến chi phí vận tải tăng lên, lợi nhuận giảm theo từng năm. Do đó, ông Đại kiến nghị các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Ðồng Nai cần nhanh chóng xây dựng phương án mở rộng đường sá bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển.

* Vùng ven cũng kẹt xe

Trong những năm gần đây, Đồng Nai đã “dịch chuyển” phân bố theo hướng phát triển KCN ra các địa phương lân cận như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… nhằm "đón đầu" các dự án đầu tư, thu hút doanh nghiệp lớn. Mặc dù đã được đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông nhưng do lượng người và phương tiện tăng cao theo từng năm nên tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra.

Tại khu vực ngã ba Trị An (giao giữa quốc lộ 1 với đường tỉnh 767) đi vào KCN Sông Mây (H.Trảng Bom) lâu nay tình trạng kẹt xe cũng thường rơi vào các khung giờ cao điểm 6-8 giờ và 17-19 giờ. Trong đó, lượng xe hướng từ KCN Sông Mây đổ ra quốc lộ 1 đông nghẹt. Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường điều tiết, tuy nhiên người dân vẫn phải xếp hàng dài trên đường.

Một cán bộ cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại ngã ba Trị An cho hay, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an H.Trảng Bom thường xuyên được điều động đến khu vực này để phân luồng, hạn chế kẹt xe. Tuy nhiên, việc quá đông phương tiện tập trung về một lúc nên khó khăn trong việc di chuyển.

Đường Tôn Đức Thắng (còn gọi là đường tỉnh 25B) là trục giao thông chính của H.Nhơn Trạch. Nhiều năm nay, tuyến đường này đã quá tải bởi phải “gồng gánh” hàng vạn phương tiện đi và đến 6/10 KCN, cụm công nghiệp trên toàn huyện. Cũng chính vì mật độ lưu thông của người dân lẫn vận chuyển hàng hóa phục vụ các KCN nên hiện nay tuyến đường 25B liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe.

Theo UBND huyện Nhơn Trạch, đường 25B có chiều dài khoảng 14,5km, lộ giới theo yêu cầu là 80m với 8 làn xe. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh chỉ mới đầu tư được 2 làn xe để phục vụ đi lại. Hiện tại, với tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn quá nhanh nên đường 25B đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông cũng như vận chuyển hàng hóa.

Đồ họa thể hiện thông tin các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và những giải pháp giúp giảm kẹt xe, tai nạn giao thông tại các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)
Đồ họa thể hiện thông tin các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và những giải pháp giúp giảm kẹt xe, tai nạn giao thông tại các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)

Tương tự, tuyến đường Hùng Vương nối từ tỉnh lộ 25A vào các KCN của H.Nhơn Trạch cũng xảy ra tình trạng ùn tắc trong thời gian gần đây. Trong đó, đoạn ngang qua ngã tư Hiệp Phước (thuộc TT.Hiệp Phước đến khu vực xã Long Thọ) không chỉ kẹt xe trầm trọng vào ban ngày mà vào buổi chiều tối đoạn đường này thường xuyên bị kẹt xe.

Đầu giờ làm việc buổi sáng và tan ca buổi chiều hằng ngày, hàng vạn ô tô, xe máy cùng với đó là các loại xe container, xe tải chở hàng tràn ra đường Hùng Vương khiến người và xe đều rất khó di chuyển bởi mặt đường quá hẹp. Thực trạng này khiến công tác phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông tại đây gặp nhiều vất vả.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết, hiện nay mật độ giao thông tại các trục đường chính quanh các KCN trên địa bàn tăng nhanh. Dù vài năm trở lại đây, vấn đề hạ tầng giao thông trên địa bàn H.Nhơn Trạch đang từng bước được tháo gỡ, nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” giao thông. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, gây ách tắc giao thông cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đóng trên địa bàn.     

Thanh Hải

Tin xem nhiều