Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa Đồng Nai trở thành trung tâm chế biến nông sản cả nước

04:06, 08/06/2020

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt đầu tư chế biến sâu được xem là giải pháp quan trọng giúp gia tăng giá trị, giải bài toán tiêu thụ để có nền nông nghiệp bền vững.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt đầu tư chế biến sâu được xem là giải pháp quan trọng giúp gia tăng giá trị, giải bài toán tiêu thụ để có nền nông nghiệp bền vững. Thu hút đầu tư vào chế biến sâu cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho nông sản khi bước vào hội nhập.

Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên

Với lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước cũng như phát triển được các vùng chuyên canh cây trồng với quy mô lớn, Đồng Nai đã thu hút không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào ngành chế biến. Thời gian tới, thu hút đầu tư phát triển chế biến nông sản là mục tiêu hàng đầu của tỉnh.

* Tốp đầu về chế biến sản phẩm chăn nuôi

Đồng Nai là thủ phủ sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)…

Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận xét, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay thu hút hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia. Vì áp lực cạnh tranh ngày càng lớn nên ngay cả những doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ cũng quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, đầu tư công nghệ, máy móc, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn để có chỗ đứng trên thị trường.

“Tuy nhiên, ngành này hiện do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối. Cuộc đua giữa các tập đoàn lớn đầu tư vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp người nông dân có thêm nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn” - ông Đoán nói.

Sơ chế gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên
Sơ chế gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên

Ngoài ra, ngành chế biến dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi đại gia súc từ các phế phẩm nông nghiệp cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư. Công ty TNHH Việt Nông Lâm (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) là doanh nghiệp đi tiên phong trong đầu tư chế biến, xuất khẩu dòng sản phẩm thức ăn đại gia súc.

Ông Hồ Sáu, đại diện doanh nghiệp trên cho hay, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu tốt thức ăn đại gia súc vào các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc có nhiều lợi thế khi tham gia thị trường xuất khẩu vì nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chi phí sản xuất thấp do tận dụng được nhiều loại phế phẩm nông nghiệp… Hiện doanh nghiệp đang liên kết với nông dân bao tiêu hàng trăm ha bắp cây để có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định. Nông dân cũng được lợi vì trồng bắp cây có thể làm được 4 vụ/năm, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng bắp thu hạt truyền thống.

Cũng từ lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chế biến thịt tươi cũng như các sản phẩm khác từ thịt gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 ngàn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu tươi. Các sản phẩm chế biến rất đa dạng như: giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, jambon, xông khói...

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Những tập đoàn, doanh nghiệp có tiếng trong đầu tư sơ chế, chế biến gồm: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã phát triển hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh Five Star với trên 500 điểm kinh doanh và mục tiêu sẽ tăng lên 2 ngàn điểm trong 3 năm tới; Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP.Biên Hòa) đi tiên phong trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường khó tính là Nhật Bản…

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) chia sẻ, hiện nay nhu cầu về thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn không ngừng tăng cao tại các thành phố lớn, các tỉnh công nghiệp. Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về ngành chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trong ngành chế biến. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, phát triển ngành chế biến thịt là một trong những giải pháp căn cơ để giải bài toán đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi và mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành này. Đồng Nai có thế mạnh về chăn nuôi, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn về chăn nuôi heo, gà nên rất thuận lợi để thu hút đầu tư chế biến sâu trong ngành này.

* Chế biến sâu các nông sản chủ lực

Hiện tỉnh đang tập trung triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, trái cây tươi… vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu vì có diện tích lớn, nhất là đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư chế biến sâu các mặt hàng này.

Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh)
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh). Ảnh: B. Nguyên

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), hiện cả nước có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 ngàn tấn/năm. Trong đó, chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa giai đoạn 1 đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.

Gần đây, Nestlé Việt Nam đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm ở Khu công nghiệp Amata. Công ty CP Cà phê Tín Nghĩa cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Đây là tín hiệu vui cho những nông dân trồng cà phê tại Đồng Nai vì có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cho dòng sản phẩm này ngay trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng quan tâm đầu tư khâu chế biến. Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Thay vì xuất thô nông sản, công ty đã nghiên cứu chế biến sâu một số loại nông sản như: nha đam, thạch dừa, cà phê… để xuất khẩu đi cả chục nước trên thế giới. Nông sản chế biến sâu có đầu ra ổn định nên công ty đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cao và hình thành vùng nguyên liệu để cả doanh nghiệp và nông dân đều yên tâm sản xuất”.

Đồng Nai còn có nhiều lợi thế phát triển chế biến sâu với nhiều mặt hàng nông sản khác, đặc biệt là các loại rau củ, trái cây tươi. Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Toản gợi ý: “Tỉnh có vùng nguyên liệu trù phú, dồi dào các loại nông sản, đặc biệt là các loại đặc sản trái cây, rau củ nên là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư vào chế biến. Đồng Nai cần đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế để phát triển ngành chế biến cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương”.

Cũng theo ông Toản, từ năm 2018 Bộ NN-PTNT đã chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Đặc biệt, Bộ đã có chủ trương đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu; trong đó đẩy mạnh một số ngành chế biến nông sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm khu vực và thế giới. Nhóm những nghị định, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã khá đầy đủ, địa phương nên tập trung tổ chức triển khai để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Theo TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, một trong những nội dung chính của đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là đưa Đồng Nai trở thành vùng chế biến cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu) của Việt Nam và thế giới.

Về chăn nuôi, cần đánh giá rõ năng lực cạnh tranh của các mô hình sản xuất của Đồng Nai với sản phẩm nhập khẩu của Mỹ và các nước châu Âu xem cần cải thiện khâu nào để giữ vững được sân nhà và mở ra cơ hội xuất khẩu. Cần thúc đẩy vai trò của hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược phát triển và bảo vệ doanh nghiệp trong hội nhập; xây dựng tổ chức nông dân tập thể và liên kết nông dân - doanh nghiệp tạo tiền đề thúc đẩy phát triển chế biến sâu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều