Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến thị trường ASEAN

05:06, 10/06/2020

Năm 2020, Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN, đây là cơ hội để thể hiện và nâng vị thế trong khu vực và quốc tế. Đồng Nai đã nhanh chân nắm bắt những lợi thế từ hội nhập...

Năm 2020, Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN, đây là cơ hội để thể hiện và nâng vị thế trong khu vực và quốc tế. Đồng Nai đã nhanh chân nắm bắt những lợi thế từ hội nhập với ASEAN để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư.

Sản xuất các loại pin, ắc quy xuất khẩu vào ASEAN tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh
Sản xuất các loại pin, ắc quy xuất khẩu vào ASEAN tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh

Theo Sở Công thương, từ năm 2016 trở lại đây, giao thương giữa Đồng Nai và khu vực ASEAN liên tục tăng từ 10-11%/năm. Đây là thị trường xuất siêu lớn của tỉnh trong những năm qua. Các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm với nhiều DN của 9 nước trong ASEAN.

* ASEAN - thị trường xuất khẩu lớn

Năm 1992, hội nhập kinh tế ASEAN bắt đầu được đưa ra trong Hiệp định khung về thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN. Hiệp định này chú trọng vào lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, thực phẩm... Sau đó, 10 nước trong ASEAN ký tiếp những hiệp định khác về ưu đãi thuế quan, đầu tư, dịch vụ. Đến cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực với mục tiêu hình thành một thị trường trong khối tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư, lao động.

Đây là bước tiến lớn khi thị trường các nước trong ASEAN cùng mở cửa, tạo thuận lợi cho hàng hóa của DN trong khối luân chuyển. Do đó, ngay sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực giao thương giữa Việt Nam và ASEAN tăng nhanh. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 3 trong nội khối về xuất, nhập khẩu chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Cộng đồng ASEAN gồm 10 nước là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Brunei. Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - xã hội. Quan hệ đối ngoại của Asean cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

Theo Bộ Công thương thì ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch gần 24 tỷ USD (năm 2019). Tại Đồng Nai, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN khoảng 1,57 tỷ USD, năm 2018 tăng lên hơn 1,81 tỷ USD, năm 2019 gần 2,1 tỷ USD.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “DN Đồng Nai có hàng hóa xuất khẩu vào 9 nước trong khối ASEAN. Trong đó, thị trường có giao dịch lớn là Thái Lan, Campuchia, Philippines, Indonesia và Singapore. Đây cũng là những thị trường kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đều tăng cao”.

Tận dụng các cơ hội về ưu đãi thuế quan, thủ tục, các DN Đồng Nai cũng liên tục mở rộng xuất khẩu vào ASEAN. Hiện có hàng trăm DN xuất khẩu sản phẩm vào các nước ASEAN.

Kết quả tổng hợp của Cục Hải quan Đồng Nai, ASEAN là thị trường xuất nhập khẩu lớn của tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm nay, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh vào khối ASEAN hơn 631 triệu USD. Một số DN có xuất khẩu lớn vào thị trường trên là: Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam gần 50 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam khoảng 31,3 triệu USD, Công ty TNHH Hưng nghiệp Fomosa gần 28 triệu USD, Công ty TNHH ắc quy CSB Việt Nam hơn gần 28 triệu USD...

Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) cho hay: “Ngoài Hoa Kỳ thì ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn của công ty. Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết mở ra cơ hội cho các DN trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của Hyosung đã có thương hiệu trên trường quốc tế nên việc tìm đối tác mới, tăng công suất cũng thuận lợi hơn”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, các DN tại Đồng Nai được tham gia vào hội nhập sâu khá nhanh so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Do đó, nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, tỉnh cũng là địa phương đi đầu trong xuất siêu và có xuất siêu đều năm sau cao hơn năm trước.

DN Đồng Nai xuất khẩu vào ASEAN trên 50 mặt hàng khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là xơ sợi dệt, giày dép, dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng, linh kiện điện tử.

* Nhập khẩu nhiều nguyên liệu, hàng tiêu dùng

Tuy ASEAN là thị trường xuất siêu của tỉnh, nhưng hơn 4 năm trở lại đây, các DN cũng nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và hàng tiêu dùng. Cụ thể, nhập khẩu hóa chất, sắt thép, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp. Nhập khẩu hàng tiêu dùng gồm có: trái cây, dệt may, thực phẩm, nước uống, điện máy...

Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất các loại nhãn để xuất khẩu vào ASEAN, châu Âu. Ảnh: K.Minh
Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất các loại nhãn để xuất khẩu vào ASEAN, châu Âu. Ảnh: K.Minh

Theo Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Phùng Thị Bích Hường, 5 tháng đầu năm 2020, những DN trên địa bàn tỉnh nhập khẩu nhiều hàng hóa từ khu vực ASEAN là Công ty CP đường Biên Hòa ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) nhập 27,5 triệu USD; Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina, Khu công nghiệp Gò Dầu gần 23 triệu USD; Công ty TNHH Olympus Việt Nam, Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) khoảng 22,3 triệu USD; Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam, Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) 19,5 triệu USD... Đây là những DN có làm thủ tục hải quan tại Đồng Nai, thực tế, số DN có nhập khẩu, xuất khẩu với các nước ASEAN có thể còn lớn hơn nhiều, bởi có những DN làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại TP.HCM.

Thái Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Đồng Nai với 272 triệu USD (trong 5 tháng đầu năm 2020). Ngoài sắt thép, hóa chất, hiện Đồng Nai nhập nhiều các sản phẩm tiêu dùng có xuất xứ từ Thái Lan như: mỹ phẩm, quần áo, nước uống, thực phẩm...

Chị Lê Thị Ngọc Linh, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia trong siêu thị, chợ khá dồi dào, chất lượng cũng đảm bảo và giá cả tương đối cạnh tranh nên được nhiều người tiêu dùng chọn mua”.

Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: BigC Đồng Nai, Big C Tân Hiệp, Mega Market, Co.opmart Biên Hòa, Lotte Mart Đồng Nai... và chợ truyền thống thì hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia khá nhiều. Đặc biệt là hàng điện máy nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia chiếm 70-80%.

Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất các loại nhãn để xuất khẩu vào ASEAN, châu Âu
Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất các loại nhãn để xuất khẩu vào ASEAN, châu Âu. Ảnh: Hương Giang

Hơn 4 năm qua, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã mang lại cho Việt Nam, Đồng Nai cả cơ hội lẫn thách thức lớn. Thị trường xuất khẩu thông thoáng, song hàng hóa ở sân nhà đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa từ các nước trong khối. Do đó, DN muốn phát triển ổn định, bền vững buộc phải tái cơ cấu đáp ứng được nhu cầu của thị trường để tham gia vào sân chơi gồm 10 nước trong ASEAN. Bên cạnh đó, phía Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh, thành cải cách cơ cấu kinh tế trong nước với tốc độ phù hợp tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN.

Ngày 9-5-2020, tại Hội nghị trực tuyến với DN cả nước để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Năm 2020, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã nâng cao được vị thế của mình trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua cao hơn so với nhiều nước trong khu vực nên được quốc tế đánh giá cao. Đây sẽ là lợi thế để các DN cơ cấu lại sản xuất, liên kết, hợp tác với DN nước ngoài tận dụng các cơ hội từ những hiệp định thương mại đã ký kết, mở rộng sản xuất, xuất khẩu và hồi phục sau dịch bệnh Covid-19”.

Việt Nam tham gia vào xây dựng ASEAN với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế khu vực. Mục tiêu ký kết các hiệp định thương mại tự do là để mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu  tăng sức cạnh tranh, tận dụng nhập khẩu nguyên phụ liệu có chi phí thấp hơn để hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, Việt Nam tham gia vào Cộng đồng ASEAN là tạo ra các sức ép từ bên ngoài để đẩy mạnh cải cách trong nước theo hướng minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Khánh Minh

Tin xem nhiều