Báo Đồng Nai điện tử
En

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

03:06, 23/06/2020

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao...

Hiện nay, toàn tỉnh có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Đồng Nai cũng như đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đặc biệt là các tiêu chuẩn về chất lượng, tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, sản xuất an toàn…

Đồ họa thể hiện một số hoạt động chính trong kế hoạch dự kiến kết nối giao thương, hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh trong năm 2020.  Nguồn: Sở Công thương - (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số hoạt động chính trong kế hoạch dự kiến kết nối giao thương, hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh trong năm 2020. Nguồn: Sở Công thương - (Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở có sản phẩm đạt OCOP đang nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì. Bên cạnh việc mở rộng các kênh phân phối truyền thống, các chủ thể OCOP còn mong muốn tiếp cận các hệ thống phân phối để làm sao các sản phẩm OCOP sớm có mặt trên các kệ hàng của những hệ thống bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt trong tỉnh...

* Tiềm năng nhiều, tiêu thụ ít

Theo nhiều chủ thể OCOP, hiện nay vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP là bài toán được quan tâm nhất, đặc biệt là các thị trường tiêu thụ, kênh bán hàng ổn định, bền vững. Nhiều DN, HTX, cơ sở có sản phẩm OCOP vẫn đang loay hoay tìm cách kết nối để đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ở nước ngoài bị ảnh hưởng. Do đó, trong những tháng cuối năm nay, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương với các địa phương trong nước, nhất là ở TP.HCM, trong đó tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương...

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú) cho biết, sau khi được chọn tham gia chương trình OCOP của địa phương, HTX đang chú trọng phát triển mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, HTX chủ yếu bán hàng qua các thương lái, bán tại các chợ ở địa phương, HTX mong muốn có thêm các cầu nối để đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn để có thị trường ổn định hơn.

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, đại diện Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh), hiện nay công ty đang đầu tư nâng cấp sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng từ đạt chứng nhận OCOP 3 sao lên thành 4 sao, cũng như làm hồ sơ OCOP để viên nang tinh chất khổ qua rừng, bột khổ qua rừng matcha… hướng tới các phân khúc tiềm năng, có sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn.

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh cho biết, nhiều sản phẩm OCOP của Đồng Nai có nhiều tiềm năng để vào các kênh phân phối này. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để các bên thương thảo, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn, lựa chọn các mặt hàng phù hợp nhu cầu của thị trường mới có thể ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Đại diện HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (TP.Biên Hòa) giới thiệu với các nhà phân phối về sản phẩm cao an xoa của HTX - sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của TP.Biên Hòa
Đại diện HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (TP.Biên Hòa) giới thiệu với các nhà phân phối về sản phẩm cao an xoa của HTX - sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của TP.Biên Hòa

Bà Nguyễn Thị Minh Loan, Giám đốc phụ trách lĩnh vực thu mua ngành hàng thực phẩm ngọt và hàng sữa của hệ thống BigC chia sẻ, thông qua việc tham khảo, nghe giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của Đồng Nai, có thể thấy số lượng sản phẩm OCOP của địa phương vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, trước mắt đơn vị sẽ lên phương án kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm này ở 2 hệ thống siêu thị BigC Đồng Nai và BigC Tân Hiệp.

Tùy vào nhu cầu của thị trường, chất lượng sản phẩm để có hướng chọn lọc các sản phẩm phù hợp, mở rộng phân phối vào hệ thống các siêu thị BigC ở phía Nam đến cả nước. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP cần lưu ý vấn đề nhãn mác nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cần thiết để được vào các hệ thống bán lẻ lớn.

Ông Nguyễn Đức Lợi, quản lý chuỗi hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh (thuộc Công ty CP Thế giới di động) ở Đồng Nai cho biết, Bách hóa xanh đã tìm kiếm các nguồn cung cấp rau, trái cây ở Đồng Nai. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP về trà, cà phê cũng được chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh quan tâm.

* Cần đầu tư cho khâu thương hiệu

Theo một số DN, cơ sở tham gia chương trình OCOP, để chương trình được nhân rộng, chính quyền địa phương nên có chính sách đồng bộ trong việc quản lý, có thêm các chương trình hỗ trợ sản xuất theo hướng bền vững, đầu tư phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP, tránh những trường hợp sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, thiếu định hướng.

Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng (Nutriworld) - công ty có sản phẩm nấm mèo khô đạt chứng nhận OCOP ở H.Thống Nhất cho biết, vấn đề về xây dựng thương hiệu, mở các website quảng bá, cải tiến bao bì, nhãn hiệu để nhận diện thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng của các sản phẩm OCOP.

Gian trưng bày sản phẩm bưởi da xanh Tà Lài của HTX thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Tà Lài - sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của H.Tân Phú. Ảnh: H.Quân
Gian trưng bày sản phẩm bưởi da xanh Tà Lài của HTX thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Tà Lài - sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của H.Tân Phú. Ảnh: H.Quân

Đây là bài toán không hề đơn giản với các DN, cơ sở nhỏ và vừa về kinh phí, cách thức quảng bá… Do đó, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối là dịp để các chủ thể OCOP biết mình đang ở đâu và cần làm gì để phát triển các kênh phân phối.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) cho hay, sau khi được chọn phát triển nhóm sản phẩm theo chương trình OCOP của địa phương gồm: sen sấy, trà hạt sen, trà củ sen, cơ sở chú trọng đổi mới mẫu logo, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, cũng như mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói. Từ đó, tìm cách tiếp cận được hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Ông Phó Đình Trung, đại diện Cơ sở trái cây sấy Cường Hoa ở H.Thống Nhất chia sẻ, cơ sở có sản phẩm chuối sấy đạt chứng nhận OCOP của địa phương. Trước đây, cơ sở chủ yếu sản xuất thủ công bằng cách sấy than và chiên bằng củi cho hiệu quả không cao.

Đến năm 2018, cơ sở cải tiến phương thức sản xuất bằng cách sấy điện, đầu tư mạnh vào khâu chế biến để nâng cao sức cạnh tranh. Vấn đề hiện nay là việc phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối để vừa quảng bá sản phẩm, vừa để có kênh tiêu thụ ổn định hơn.

Ông Trang Minh Thiện, đại diện Lotte Mart Đồng Nai cho biết, các sản phẩm OCOP có nhiều lợi thế lớn để đưa vào các siêu thị. Lotte Mart Đồng Nai cũng sẽ ưu tiên kết nối những sản phẩm này. Trong đó, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ… luôn là điều kiện cần có để hàng hóa vào siêu thị.

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN có sản phẩm OCOP xuất khẩu cũng đã xây dựng phương án chuyển hướng, chú trọng hơn đến thị trường nội địa.

Bà Phạm Thị Bích Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm (TP.Biên Hòa) - công ty có sản phẩm cà phê Halo68 đạt chứng nhận OCOP của tỉnh cho biết, sản phẩm chính của công ty là các loại cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc và Mỹ với công suất 1 ngàn tấn/năm. Hiện nay, công ty mong muốn tiếp cận các kênh phân phối trong nước, nhất là các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa.

Hải Quân

 

Tin xem nhiều