Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm cải thiện thực trạng công viên ''thiếu và yếu''

11:06, 15/06/2020

Là đô thị loại I, tuy nhiên, do những khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất xây dựng nên hệ thống công viên hiện tại của đô thị Biên Hòa đang rơi vào tình trạng "vừa thiếu, vừa yếu".

Là đô thị loại I, tuy nhiên, do những khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất xây dựng nên hệ thống công viên hiện tại của đô thị Biên Hòa đang rơi vào tình trạng “vừa thiếu, vừa yếu”.

Hầu hết các công viên trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay có quy mô khá nhỏ về diện tích. Trong ảnh: Công viên chợ Biên Hòa chỉ có diện tích hơn 200m2 Ảnh: Phạm Tùng
Hầu hết các công viên trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay có quy mô khá nhỏ về diện tích. Trong ảnh: Công viên chợ Biên Hòa chỉ có diện tích hơn 200m2 Ảnh: Phạm Tùng

[links()] * Thiếu công viên đạt chuẩn

Ông Nguyễn Thanh Phú, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 23 công viên do thành phố quản lý với diện tích gần 18ha. Ngoài ra, còn có một số công viên do các đơn vị quản lý như: khu công viên ở Văn miếu Trấn Biên, công viên Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh… cùng với đó là hệ thống tiểu đảo, khuôn viên cây xanh tại các tuyến đường giao thông, khu dân cư.

Về quy mô, hiện nay khu công viên ở Văn miếu Trấn Biên là công viên lớn nhất trên địa bàn TP.Biên Hòa với diện tích hơn 7,3ha. Tiếp đến là công viên Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh có diện tích hơn 6,9ha, công viên Biên Hùng hơn 3,7ha… Trong khi đó, phần các công viên còn lại trên địa bàn thành phố có quy mô rất nhỏ với diện tích chưa đến 1ha. Như vậy, so với tiêu chuẩn quốc gia đối với công viên ở đô thị loại I thì TP.Biên Hòa hiện nay chưa có công viên nào đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn Việt Nam, công viên trung tâm của đô thị loại I phải có diện tích tối thiểu 15ha).

Theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, các dự án khu dân cư đều có quy hoạch diện tích dành cho công viên, cây xanh. Tuy nhiên, do đây là các hạng mục ít phát sinh lợi nhuận nên các nhà đầu tư thường “né” thực hiện các hạng mục này. “Một dự án khu dân cư gồm nhiều hạng mục nên các nhà đầu tư thường chỉ chọn các khu vực quy hoạch các hạng mục phát sinh lợi nhuận để đầu tư. Trong khi đó, phần diện tích xây dựng công viên, phát triển cây xanh thường bị né”.

Kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, hiện trạng thiếu và yếu của hệ thống công viên tại TP.Biên Hòa hiện nay chủ yếu do quá trình phát triển đô thị tự phát lâu nay. Điều này dẫn đến thực trạng là ở những khu vực đông dân cư thì thiếu quỹ đất để xây dựng công viên, trong khi những khu vực còn dư quỹ đất để xây dựng công viên thì dân cư lại… quá ít.

Ngoài ra, khó khăn về nguồn vốn cũng là yếu tố khiến hệ thống công viên của TP.Biên Hòa chưa được đầu tư xây dựng xứng tầm với quy mô của một đô thị loại I. Khác với các dịch vụ khác, việc đầu tư xây dựng công viên chủ yếu mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng chứ ít mang lại lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xây dựng công viên rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư xây dựng các công viên gần như phụ thuộc hết vào nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách khó khăn nên việc đầu tư xây dựng các công viên cũng khá hạn chế.

* Tìm vốn xây dựng công viên

Khó kêu gọi nhà đầu tư trong khi nguồn vốn ngân sách khó khăn nên việc đầu tư xây dựng các công viên trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay rất cần những giải pháp huy động vốn mới.

Một trong những giải pháp mà Đồng Nai cũng như TP.Biên Hòa đang triển khai để có nguồn lực thực hiện các dự án nói chung và xây dựng hệ thống công viên nói riêng là khai thác quỹ đất tạo vốn.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, đối với dự án xây dựng kè, đường và công viên dọc sông Đồng Nai, hiện nay thành phố cũng đã có kiến nghị về việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch đối với các khu đất tạo vốn. Mục tiêu là sau khi điều chỉnh quy hoạch sẽ đấu giá các khu đất này để tạo vốn đầu tư.

Tương tự, trong định hướng xây dựng hệ thống công viên dọc bờ Tây sông Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chức năng và UBND TP.Biên Hòa rà soát kỹ để quy hoạch các khu đất tạo vốn. Thực tế, khi có hệ thống công viên dọc sông Đồng Nai, giá trị đất các khu vực lân cận cũng sẽ tăng cao. Do đó, việc rà soát, tạo quỹ đất đấu giá là “kênh” tạo vốn quan trọng để có nguồn lực tái đầu tư cho các dự án, trong đó có các dự án xây dựng công viên.

Theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, để xây dựng được một hệ thống công viên đạt chuẩn, đẹp và hiện đại cho đô thị Biên Hòa, yếu tố quan trọng hiện nay là thực hiện đúng quy hoạch. Đối với những khu vực đã quy hoạch xây dựng công viên cần triển khai nhanh, tránh tình trạng bị lấn chiếm rồi khó khăn khi triển khai xây dựng về sau.

Ông Phương cũng cho rằng, do khó phát sinh lợi nhuận nên các công viên lớn, phục vụ số đông cộng đồng và tạo cảnh quan cho đô thị Biên Hòa chỉ có thể thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, đối với quy hoạch các khu dân cư, các cơ quan chức năng cần giám sát nghiêm việc xây dựng công viên đối với nhà đầu tư. “Các dự án khu dân cư đều có quy định tỷ lệ đất dành cho khuôn viên cây xanh, công viên nên cần giám sát thực hiện nghiêm để tạo thêm mảng xanh cho đô thị” - ông Lý Thành Phương nêu quan điểm.

Quỳnh Nhi

 

Tin xem nhiều