Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuỗi cung ứng mới và cơ hội của doanh nghiệp giày da

11:07, 20/07/2020

Hiện giày da đang nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong những tỉnh hàng đầu của Việt Nam về xuất khẩu giày da....

Hiện giày da đang nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong những tỉnh hàng đầu của Việt Nam về xuất khẩu giày da. Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành Giày da chịu ảnh hưởng nặng nề, song đây cũng là dịp thay đổi chuỗi cung ứng để bớt lệ thuộc vào thị trường thế giới.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty CP Giày dép cao su màu.
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty CP Giày dép cao su màu. Ảnh: Hương Giang

Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Giày dép Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 là hơn 10%/năm. Dự kiến năm 2020, giày dép xuất khẩu sẽ đạt hơn 20 tỷ USD trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến xuất khẩu giày dép khó đạt được kết quả như kế hoạch.

* Nỗ lực "chống đỡ" khó khăn

Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam tăng 1,2-1,7 tỷ USD/năm và đến năm 2019 đạt 17,94 tỷ USD. Kế hoạch năm 2020, xuất khẩu giày dép sẽ lập kỷ lục mới là vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Thế nhưng do dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ nên 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu giày dép giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất giày dép ở Việt Nam thường chia thành 2 “mùa”, gồm 4 tháng đầu năm và 4 tháng cuối năm. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các doanh nghiệp (DN) giày dép bị lỡ mất vụ sản xuất, xuất khẩu đầu năm.

Ở Đồng Nai, Giày dép là ngành có kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu lớn nhất. Trong 7 tháng đầu năm 2020, các DN giày dép của tỉnh đã xuất khẩu hơn 2,38 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso cho rằng, tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 đến ngành Da giày Việt Nam rất lớn, cả nguồn cung nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ. Vật tư ngành Da giày Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng đã bị giảm 50% trong tháng 2-2020, dẫn đến nhiều nhà máy giày dép ở Việt Nam bị thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Đến tháng 3-2020, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc tốt hơn do nhiều nhà máy hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, sau khi giảm bớt khó khăn về nguyên liệu đầu vào, ngành Da giày lại chịu ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ. Giữa tháng 3-2020, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan trên diện rộng tại châu Âu, qua Hoa Kỳ và gần như đã “đánh sập” những thị trường trên. “Đại dịch Covid-19 đã khiến toàn bộ cửa hàng ở châu Âu, Hoa Kỳ bị đóng cửa, doanh thu "rơi tự do". Việt Nam xuất khẩu 95% lượng giày dép sản xuất ra và thị trường Hoa Kỳ, châu Âu chiếm 70% kim ngạch của ngành nên đã chịu thiệt hại nặng nề”- ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành Giày dép Việt Nam đạt 8,1 tỷ USD. Do dịch bệnh Covid-19 nên thị trường đầu ra của giày dép khó khăn và mặt hàng này đang từ vị trí thứ tư giảm xuống vị trí thứ năm trong danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giày và nguyên phụ liệu Harco (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, đầu ra của ngành Giày dép vẫn rất khó khăn, các DN vẫn đang trong giai đoạn cố gắng duy trì sản xuất và hy vọng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới sẽ lắng xuống. Như vậy mùa giày da vào cuối năm 2020 sẽ giúp cho thị trường xuất khẩu khôi phục trở lại”.

Mùa giày da cuối năm nay sẽ bắt đầu từ tháng 10, các DN ngành Giày da Đồng Nai cũng như cả nước đang kỳ vọng giao thương với các nước khơi thông, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. Từ 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, ngành Giày dép được hưởng ngay ưu đãi thuế từ 0-7% và theo lộ trình trong 4 năm sẽ giảm hết về 0%. Nếu như đại dịch Covid-19 trên thế giới không bùng phát trở lại thì ngành Giày dép sẽ phục hồi từ tháng 10-2020 và chính thức tăng trưởng cao vào đầu năm 2021.

* “Đón” chuỗi cung ứng về Việt Nam 

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu giày dép toàn cầu là 142 tỷ USD, trong đó riêng Trung Quốc khoảng 44,7 tỷ USD, chiếm tỷ lệ khoảng 31,5%. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu cho ngành Giày dép từ Trung Quốc hơn 25%. Do đó, ngành Giày dép thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc về cả nguyên vật liệu lẫn thị trường tiêu thụ. Việc các nước lệ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi cung ứng bị “đứt gãy”, nhiều quốc gia sản xuất giày dép bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Việt Nam.

Vì thế, nhiều DN, tập đoàn sản xuất nguyên phụ liệu giày da, sản xuất giày dép đang tính toán và sắp xếp lại nguồn cung để giảm ảnh hưởng khi xảy ra dịch bệnh và các vấn đề rủi ro khác.

Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung trong 6 tháng đầu năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung trong 6 tháng đầu năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho hay: “Trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Giày dép, túi xách thì Trung Quốc đang chiếm từ 60-70%; Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar, Bangladesh, Cambodia khoảng 30-35%; còn lại các nước châu Phi, Nam Mỹ chiếm 5%. Các DN trên toàn cầu của lĩnh vực này đang định vị lại chuỗi cung ứng để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc”. Ông Thuấn chia sẻ thêm, các DN dự tính phân công lại chuỗi cung ứng theo cách giảm chuỗi cung ứng của Trung Quốc xuống còn 45-50% và sẽ dời 15-20% chuỗi cung ứng về Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Bangladesh, Cambodia. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu giày da và sản xuất giày dép, túi xách.

Trong cuộc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Giày dép, túi xách thì Việt Nam là quốc gia được nhiều tập đoàn “để mắt” nhất. Vì hệ thống chính trị ổn định, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn cho DN nước ngoài, khống chế dịch bệnh khá tốt.

Ông Vince Tran, Trưởng phòng Cấp cao Tập đoàn Walmart tại Việt Nam nhận xét: “Các DN Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm giày dép, túi xách đạt chất lượng tầm trung và cao cấp trên thế giới. Khi chuỗi cung ứng giày dép, túi xách trên toàn cầu dịch chuyển sẽ ưu tiên chọn Việt Nam nhiều hơn. Và Việt Nam còn có thêm lợi thế là nước ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa sản xuất, xuất khẩu từ Việt Nam vào nhiều thị trường lớn sẽ được ưu đãi về thuế”.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam được xếp hạng 8 trong các nền kinh tế thế giới về thu hút tốt đầu tư nước ngoài. Kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã giúp nâng cao uy tín của Việt Nam. Do đó, các bộ, ngành, tỉnh, thành nên có chuẩn bị sẵn, tạo điều kiện để thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển về Việt Nam để DN Việt Nam tiếp tục tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Đồng Nai, nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước về giày dép đều đã đầu tư nhà xưởng sản xuất hàng hóa để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đơn cử như: Tập đoàn ChangShin, Taekwang, PouChen, HwaSeung, Bitis... Các tập đoàn sản xuất giày dép lớn đặt nhà máy tại Đồng Nai kéo theo nhiều DN đầu tư vào nguyên phụ liệu cho ngành cũng đến đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 110 DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành Giày da, chiếm 18% trong tổng số DN hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Các DN trên sản xuất sản phẩm ngoài cung ứng cho DN trong nước còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều