Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp Việt nỗ lực phục hồi sản xuất

10:07, 15/07/2020

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã tạm lắng, đây là thời điểm để các doanh nghiệp (DN), nhất là DN trong nước, nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục các khó khăn gặp phải trước đó.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã tạm lắng, đây là thời điểm để các doanh nghiệp (DN), nhất là DN trong nước, nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục các khó khăn gặp phải trong những tháng trước đó.

Biểu đồ thể hiện tình hình thành lập doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu tính đến ngày 15-6-2020) (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện tình hình thành lập doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu tính đến ngày 15-6-2020) (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Dù tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và còn nhiều yếu tố bất lợi tác động, song nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được các kết quả khả quan. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực được kỳ vọng sẽ là “cú hích” cho sản xuất, xuất khẩu của DN.

* Nỗ lực phục hồi, phát triển

Công ty TNHH Bao bì Lê Duy Hưng (H.Vĩnh Cửu) là một trong rất nhiều DN gặp khó khăn tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ảnh hưởng tới doanh thu. Là đơn vị chuyên sản xuất bao bì và giấy gói giày, Giám đốc công ty Lê Phước Hải cho hay trong tháng 4 và tháng 5-2020, DN bị ảnh hưởng mạnh về doanh thu. Bắt đầu từ tháng 6, sản xuất của công ty từng bước trở lại bình thường và số lượng đơn hàng gia tăng theo thời gian.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các DN, đặc biệt là những đơn vị có hoạt động mạnh về xuất, nhập khẩu. Dù bị ảnh hưởng, nhiều DN vẫn tiếp tục thực hiện các chiến lược kinh doanh đã đặt ra, ổn định sản xuất, ổn định nhân sự để phát triển và tin vào sự tươi sáng của thị trường.

“Với các đối tác, bên cạnh vấn đề về giá thì họ rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng theo hợp đồng. Việc giao hàng đúng hẹn cũng giúp cho đối tác của chúng tôi có được kế hoạch sản xuất ổn định theo kế hoạch đã đề ra, do vậy dù có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải hết sức nỗ lực” - ông Lê Phước Hải khẳng định.

Cùng quan điểm về việc phải nỗ lực tìm cách khôi phục sản xuất, ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh, chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm cho hay, việc giữ chân người lao động là yêu cầu hàng đầu. Dù doanh thu có bị ảnh hưởng nhưng Nệm Thế Linh cam kết không tiết giảm số lượng lao động của DN và đã thực hiện đúng trong những tháng dịch bệnh hoành hành. Hiện nay, tình hình sản xuất đã trở lại ổn định và việc giữ chân được người lao động chính là nguồn lực lớn giúp công ty tiếp tục đề ra các kế hoạch sản xuất mới.

Đối với ngành gỗ, trong khi một số DN vẫn gặp khó khăn thì tại Công ty TNHH Thương mại Phương Sinh
(TP.Biên Hòa), chuyên làm mộc xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu gỗ, tình hình hoạt động vẫn rất tốt. Theo chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc công ty, hiện DN đang tuyển gấp 100 lao động làm mộc xuất khẩu và 150 lao động phổ thông để “chạy” cho kịp đơn hàng. “Chúng tôi đã có thâm niên hoạt động trong ngành gỗ hơn 15 năm, do vậy chất lượng sản phẩm cũng như uy tín là điều rất quan trọng. Cũng chính vì thế mà dù bị ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh nhưng tình hình sản xuất và triển vọng thời gian tới rất khả quan” - chị Uyên Phương cho hay.

* Hỗ trợ DN vượt khó

Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 như: các chính sách tín dụng, lao động, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là chính sách về thuế.

Về hỗ trợ giãn nộp tiền thuế theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4 của Chính phủ, hiện trên địa bàn có 6 ngàn DN thuộc các đối tượng được hỗ trợ. Cục Thuế tỉnh cũng đã tiếp nhận trên 2 ngàn đơn đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của các DN, tổ chức. Tính đến ngày 5-6, người nộp thuế được gia hạn số tiền thuế là 1.171 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng 331 tỷ đồng, thuế thu nhập DN 806 tỷ đồng, tiền thuê đất 53 tỷ đồng. Số thuế được gia hạn của hộ cá nhân kinh doanh là 117 triệu đồng.

Đối với hỗ trợ DN, người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh về thủ tục xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

Tính đến ngày 9-6, có 97 đơn vị sử dụng lao động với 3.751 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định chi hỗ trợ cho 2.647 người lao động mất việc làm với số tiền gần 2,7 tỷ đồng; 259 hộ kinh doanh với số tiền 259 triệu đồng… Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ DN khác vẫn đang tiếp tục được thực hiện.

* Thành lập DN, thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả ấn tượng

Số liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, sau gần 2 tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục, bước đầu thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện “bình thường mới”. Các DN đã nhanh chóng thích ứng và đưa việc sản xuất, kinh doanh trở lại guồng quay vốn có.

Doanh nghiệp trong nước nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Giày dép Cao Su Màu. Ảnh: V.Gia
Doanh nghiệp trong nước nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Giày dép Cao Su Màu. Ảnh: V.Gia

Mặt khác, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam từng bước hồi phục. Việc Quốc hội thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, EVIPA), chi phí nguyên nhiên vật liệu tiếp tục duy trì ở mức thấp, làn sóng dịch chuyển đầu tư… cũng sẽ giúp cộng đồng DN Việt có cơ hội lớn để chuyển mình và phát triển. Do vậy, tình hình DN đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục có sự khởi sắc so với tháng 5 và tháng 4.

Cụ thể, tổng số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 6 là 13.725 với số vốn đăng ký trên 139,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 6% về số DN so với cùng kỳ năm 2019, tăng gần 28% về số DN và tăng hơn 23% về vốn đăng ký so với tháng 5-2020. So sánh với tháng 4-2020 (thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội), số DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký tăng lần lượt trên 74% và 48%.

Tại Đồng Nai, đến giữa tháng 6 có 1.642 DN đăng ký thành lập mới, bằng 95% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký trên 15 ngàn tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký thành lập mới DN và bổ sung tăng vốn là gần 19 ngàn tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Đó là những con số khá ấn tượng nếu nhìn vào tác động của dịch Covid-19 đến với kinh tế - xã hội trong suốt nửa đầu năm 2019.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác thành lập DN mới, Đồng Nai tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký DN qua mạng và trả kết quả tại nhà. Tính từ đầu năm đến ngày 15-6 đã có 6.672 lượt DN đăng ký trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia, trong đó 1.066 DN đăng ký trả kết quả tại nhà. Lũy kế hiện nay, toàn tỉnh có 39.123 DN đăng ký kinh doanh trên hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia.

Bên cạnh con số DN thành lập mới vẫn giữ được mức khá cao thì nửa đầu năm thu hút vốn đầu tư trong nước có sự tăng trưởng rõ nét. Tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn là gần 20,3 ngàn tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cấp mới 68 dự án với tổng vốn đăng ký trên 17,2 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần về số dự án cấp mới và tăng 157,6% về vốn đăng ký cấp mới.

Một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư có nguồn vốn đầu tư lớn. Có 7 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn bổ sung trên 3 ngàn tỷ đồng. Hiện số dự án đầu tư trong nước tại Đồng Nai còn hiệu lực là 995 với số vốn trên 272,8 ngàn tỷ đồng. Sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, các dự án thu hút đầu tư trong nước (bất động sản, hạ tầng…) được đẩy nhanh tiến độ sẽ góp phần kéo sự tăng trưởng về kinh tế nhanh hơn. 

Văn Gia

Tin xem nhiều