Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp bền vững cho tương lai

03:07, 02/07/2020

UBND tỉnh vừa phê duyệt đề cương Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2020-2025 nhằm định hướng, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sự phát triển của xã hội...

UBND tỉnh vừa phê duyệt đề cương Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025. Chương trình này nhằm định hướng, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sự phát triển của xã hội và bảo vệ môi trường.

TP.Long Khánh khai thác lợi thế về đặc sản trái cây để phát triển mô hình du lịch vườn. Trong ảnh: Khách tham quan vườn chôm chôm ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên
TP.Long Khánh khai thác lợi thế về đặc sản trái cây để phát triển mô hình du lịch vườn. Trong ảnh: Khách tham quan vườn chôm chôm ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh: B.Nguyên

[links()]Mục tiêu của chương trình bám sát vào thực tế, phát huy lợi thế riêng của từng địa phương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu và các yêu cầu đặt ra trong phát triển nông nghiệp bền vững.

* Khai thác thế mạnh địa phương

Một trong những thành tích nổi bật của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới là đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn bằng việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngay cả những vùng đô thị như TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, dù định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhưng vẫn xem phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Đồng Nai cũng đang triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam. Nhiều khu đô thị lớn như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Nhơn Trạch... đang tập trung phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất an toàn áp dụng quy trình GAP, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, phát triển du lịch sinh thái vườn và thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến...

Vườn chôm chôm ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh)
Vườn chôm chôm ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Ảnh: Bình Nguyên

Ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết, định hướng của Long Khánh là xây dựng thành phố xanh, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, không thể đô thị hóa hoàn toàn, địa phương vẫn định hướng phát triển nông nghiệp cho những khu vực nông thôn. Trong đó, địa phương sẽ tập trung phát triển theo hướng sản xuất sạch; xây dựng những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố rất chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch để phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp. Với khu vực trung tâm đô thị, thành phố từng bước chuyển sang làm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất nhưng chất lượng tốt, lợi nhuận cao. Những sản phẩm lợi thế mà địa phương sẽ tập trung vào khai thác như: trồng rau sạch, trồng hoa lan, cây cảnh, sản xuất nấm sạch; nhân rộng diện tích chôm chôm, ổi VietGAP...

“TP.Long Khánh căn cứ vào thực tế sản xuất trên địa bàn để tiếp tục phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn. Thành phố cũng xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhân rộng mô hình này vào thực tế sản xuất; tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho người nông dân” - ông Thắng nói.

Tập trung khai thác, phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển nền nông nghiệp bền vững cũng là cách làm của các huyện thuần nông như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú...

Chủ tịch UBND H.Tân Phú Võ Tuấn Dũng chia sẻ, huyện có nhiều nông sản chủ lực cho lợi nhuận cao như: bưởi, cam, quýt, sầu riêng, tôm càng xanh… Địa phương đang triển khai hàng loạt các giải pháp để phát triển các sản phẩm nông sản thế mạnh này như: xây dựng thương hiệu nông sản bằng chất lượng, quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối để nông sản vào được các hệ thống siêu thị và đạt chuẩn xuất khẩu. Để thật sự phát triển bền vững, Tân Phú cũng rất quan tâm đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch; phát triển ngành chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị nông sản và chủ động được về thị trường.

* Liên kết để sản xuất lớn

Đồng Nai đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây trồng với quy mô lớn. Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, các địa phương cũng đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, nông dân tại xã Suối Cát (H.Xuân Lộc) là thành viên tích cực nhất trong việc vận động thành lập HTX Ca cao Suối Cát. Hiện ông và các thành viên trong HTX đang hoàn tất các thủ tục còn lại để chuẩn bị công bố thành lập HTX Ca cao Suối Cát. Theo ông Mỹ, đi lên từ tổ hợp tác nên dù HTX Ca cao Suối Cát chưa chính thức ra mắt nhưng đã thực hiện rất tốt việc liên kết các xã viên, hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi từ trồng điều năng suất kém sang mô hình xen canh điều, ca cao cho lợi nhuận cao. Từ nhiều năm trước, tổ hợp tác đã liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ca cao cho nông dân địa phương. Ông Mỹ chia sẻ: “Khi HTX được thành lập, chúng tôi sẽ đầu tư thêm nhà xưởng và một số máy móc, thiết bị để sơ chế, chế biến hạt ca cao ngay tại vùng nguyên liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển và tăng giá trị cho loại nông sản này”.

TP.Biên Hòa tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá cảnh cho lợi nhuận cao tại làng bè P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa
TP.Biên Hòa tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá cảnh cho lợi nhuận cao tại làng bè P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa

Các địa phương hiện nay cũng đang đẩy mạnh xây dựng những cánh đồng lớn đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho hay, năm 2019, Cẩm Mỹ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. Thành tích nổi bật của địa phương là chuyển đổi phát triển sản xuất bền vững theo quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn an toàn.

Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 17 vùng chuyên canh với diện tích gần 4,6 ngàn ha cây trồng có sản phẩm an toàn được bao tiêu đầu ra. Theo ông Thắng: “Các dự án cánh đồng lớn hồ tiêu đạt chuẩn GlobalGAP; dự án cánh đồng lớn cây chuối già, chế biến thức ăn đại gia súc từ phế phẩm nông nghiệp... đang xuất khẩu tốt đi các thị trường khó tính. Địa phương đang tích cực nhân rộng các mô hình này”.

Định hướng của H.Trảng Bom là phát triển đô thị, là vành đai đô thị của tỉnh với mục tiêu lên thị xã vào năm 2025, phát triển đồng bộ các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà khẳng định, Trảng Bom được chọn làm điểm xây dựng đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới nhưng luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Phải lấy nông nghiệp làm đột phá trong phát triển theo định hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Trong đó, huyện chọn cây trồng thế mạnh là cây chuối và thanh long ruột đỏ với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết nông sản sạch có thương hiệu để vào được các hệ thống siêu thị ở thị trường nội địa và đủ chuẩn xuất khẩu để phát triển bền vững. “Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nhằm tăng giá trị các loại trái cây, nông sản với đầu ra thật sự bền vững” - ông Hà nói.

Làm việc với tỉnh Đồng Nai vào đầu tháng 6-2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến gợi ý cho địa phương, trong thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, tỉnh cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều