Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn bất an với thực phẩm không an toàn

04:09, 16/09/2020

Cả 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trong đó, bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất đã được các bác sĩ truyền 1 lọ thuốc kháng độc tố Botulinum do Bộ Y tế cấp...

Cả 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Dự báo, các bệnh nhân sẽ còn phải điều trị lâu dài. Trong đó, bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất đã được các bác sĩ truyền 1 lọ thuốc kháng độc tố Botulinum do Bộ Y tế cấp với hy vọng sẽ cải thiện được tình hình sức khỏe.

Bệnh nhân N.T.T. được châm cứu, tập vật lý trị liệu tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
Bệnh nhân N.T.T. được châm cứu, tập vật lý trị liệu tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm, tránh sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

* Dốc sức cứu chữa bệnh nhân

Sau gần 2 tháng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh nhân N.T.T. (20 tuổi, ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) dù vẫn còn phải thở máy nhưng đã không còn phải sử dụng thuốc kháng sinh, sức cơ hồi phục 3/5, có thể giao tiếp với bác sĩ, điều dưỡng thông qua việc gật đầu hoặc lắc đầu.

BS Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc kháng độc tố Botulinum vào sáng 14-9.

Thuốc kháng độc tố Botulinum là các mảnh kháng thể/kháng thể trung hòa đặc hiệu độc tố Botulinum. Về lý thuyết, thuốc chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do, không có tác dụng đối với các độc tố đã gắn tại thần kinh, thuốc chỉ có hiệu quả điều trị tốt trong vòng 7 ngày kể từ khi bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc tiến triển nặng và rút ngắn đáng kể thời gian ngộ độc, giảm thời gian thở máy, hồi sức và thời gian nằm viện. Thuốc này được xếp vào loại thuốc hiếm, thuốc mồ côi, số lượng lưu hành rất hạn chế. Do đó, khi được cấp một lọ thuốc kháng độc tố, bệnh viện đã sử dụng cho bệnh nhân đang bị nặng nhất.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết thêm, bệnh viện đã 2 lần tiến hành hội chẩn liên viện với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)và những bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum trong cả nước để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân.

“Từ trước đến nay, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nói chung như ngộ độc nấm, ngộ độc do ăn thức ăn tại bếp ăn tập thể bị nhiễm vi sinh… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc Botulinum. Do đó, ngoài việc tiếp tục hội chẩn liên viện, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị bổ trợ bằng cách tập vật lý trị liệu, phòng ngừa nhiễm trùng, chăm sóc dinh dưỡng… cho cả 3 bệnh nhân, giúp các bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe, cai dần máy thở đối với bệnh nhân T.” - BS Đặng Hà Hữu Phước cho hay.

* Các loại thực phẩm có thể gây ngộ độc Botulinum

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố Botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Đây là các trực khuẩn Gram dương kỵ khí tuyệt đối, sinh nha bào. Nha bào tồn tại nhiều trong đất, không khí, nước biển, ruột hải sản, chịu được điều kiện đun sôi 100OC ở điều kiện áp suất 1atm trong vài giờ đồng hồ.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra các loại thực phẩm đang được bày bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Biên Hòa
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra các loại thực phẩm đang được bày bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Biên Hòa

Thực phẩm có thể gây ngộ độc cổ điển là thịt hộp. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (như đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Ngoài ra, những thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo cũng có thể sinh ra độc tố. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng, sau đó mới có thể cai thở máy, nhưng bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục. Những biến chứng chính của bệnh là viêm phổi và các biến chứng của thở máy, các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét, liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.

Xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng cách, đun lại thức ăn không đủ chín trước khi ăn.

Để đề phòng bị ngộ độc Botulinum, Bộ Y tế khuyến cáo các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Với người dân, cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Hết sức thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ như sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường). Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá, vì chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố.

Người dân cũng nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống như dưa muối, cà muối, măng muối… cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Chị Lê Thị Năm (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, do tính chất công việc của 2 vợ chồng chị phải đi nhiều nên ít có thời gian để đi chợ nấu ăn tại nhà. Gia đình chị có thói quen hay mua các loại thực phẩm đóng hộp nhập khẩu từ nước ngoài để sử dụng cho bản thân và cả 2 con nhỏ. Từ khi nghe thông tin về các ca ngộ độc pate Minh Chay trên các phương tiện truyền thông, chị Năm đã ngưng việc sử dụng thực phẩm đóng hộp.

* Tăng cường thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm

Liên quan đến các loại thực phẩm do Công ty TNHH HTV Lối sống mới (Hà Nội) sản xuất, ngay sau khi có thông báo của Bộ Y tế và có được danh sách khách hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mua hàng của công ty này do Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT) cung cấp, Ban Chỉ đạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ra thông báo yêu cầu các cơ quan chức năng ở địa phương tiến hành thu hồi ngay lập tức những sản phẩm trên. Đồng thời, hướng dẫn người dân ngừng sử dụng các sản phẩm do Công ty TNHH HTV Lối sống mới sản xuất, liên hệ với cơ quan chức năng để giao nộp các sản phẩm chưa sử dụng.

Một hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn H.Long Thành thực hiện việc tiêu hủy sản phẩm được xác định có nhiễm hàn the
Một hộ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn H.Long Thành thực hiện việc tiêu hủy sản phẩm được xác định có nhiễm hàn the

Ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, trong tuần này, các địa phương sẽ báo cáo số lượng các sản phẩm thu được do Công ty TNHH HTV Lối sống mới sản xuất. Theo danh sách thống kê sơ bộ, trong toàn tỉnh có khoảng 900 cá nhân, tập thể đặt mua các sản phẩm của công ty này trên mạng như: muối vừng bát bảo, ruốc nấm hương truyền thống, ruốc nấm hương cháy tỏi, pate nấm hầu hũ, pate Minh Chay... Trong số hơn 900 cá nhân, tập thể nói trên có đến gần 400 cá nhân, tập thể đặt mua toàn bộ 13 sản phẩm chay của Công ty TNHH HTV Lối sống mới.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ngoài việc thanh, kiểm tra thu hồi các sản phẩm chay của Công ty TNHH HTV Lối sống mới, trong thời gian tới, nhằm triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2020, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, Ban Chỉ đạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2020.

“Có 4 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Cục Quản lý thị trường và Sở Công thương chủ trì sẽ tiến hành thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt. Nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, việc chấp hành quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, việc sử dụng chất phụ gia, phẩm màu, hương liệu, bao bì thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm” - ông Nguyễn Đình Minh nói.

Hạnh Dung


Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước:

Khẩn trương điều tra dịch tễ của bệnh nhân bị ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, khi một bệnh nhân bị nghi ngộ độc thực phẩm được đưa vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ sẽ đánh giá dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và điều chỉnh các rối loạn cần thiết đe dọa đến dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Đồng thời, xem xét các yếu tố gây ngộ độc xem nó có còn nằm trong thời gian vàng để điều trị bằng các phương pháp cơ học hay không. Các phương pháp cơ học là: gây nôn, cho bệnh nhân uống than hoạt tính. Ngoài ra, bác sĩ cũng phải xem độc tố đó có liên quan đến yếu tố vi trùng hay không để sử dụng các biện pháp điều trị kháng sinh liên quan đến vi trùng.

Bác sĩ còn sử dụng các biện pháp khác như bồi hoàn nước, điện giải cho bệnh nhân, điều tra các yếu tố dịch tễ có liên quan như thức ăn mà bệnh nhân đã ăn, độc tố mà bệnh nhân đã tiếp xúc. Sau đó phối hợp với các cơ quan chức năng và các bộ phận khác của ngành y tế kiểm soát tình hình và báo cáo vấn đề này với cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Y tế H.Long Thành:

Khó khăn trong quá trình thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm

Từ nhiều năm nay, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện luôn được duy trì kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức và trách nhiệm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là người tiêu dùng. Kết quả 5 năm qua, toàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào xảy ra, kiến thức và tinh thần trách nhiệm về an toàn thực phẩm của người sản xuất, người tiêu dùng cũng được nâng lên. Tuy nhiên, công tác thực thi pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm có lúc vẫn còn hạn chế, xảy ra ở hầu hết các loại hình sản xuất, kinh doanh và thức ăn đường phố. Bên cạnh những thuận lợi, công tác thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn như: thủ tục hành chính trong quá trình thanh tra phức tạp, kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế.

Riêng ở tuyến xã, cán bộ, công chức, viên chức thay đổi liên tục, cán bộ mới chưa được tập huấn để cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành nên công tác thanh tra thí điểm gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, ở tuyến xã, do tâm lý cả nể nên chưa thực hiện được xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở có vi phạm, chủ yếu là nhắc nhở.

Chị Nguyễn Thị Hiền (P.Long Bình, TP.Biên Hòa):

Nhiều băn khoăn, lo lắng với thực phẩm

Gia đình tôi sống chung 3 thế hệ nên việc ăn uống từ trước đến nay có nhiều chế độ khác nhau. Để thuận tiện trong sinh hoạt và ăn uống cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vào mỗi tối cuối tuần, gia đình tôi thường đi siêu thị để mua đủ thực phẩm cho một tuần. Số thực phẩm này sau đó được tôi chia nhỏ thành từng phần rồi bọc giấy báo hoặc túi ny-lông để bỏ vào tủ lạnh bảo quản, đến khi nấu thì mang ra sơ chế. Mặc dù đã mua thực phẩm trong siêu thị nhưng tôi cũng khá băn khoăn đối với chất lượng của sản phẩm, không biết thực phẩm mình mua có thực sự sạch không.

Tôi hy vọng công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả hơn nữa để người dân an tâm. Đồng thời, có thông tin thông báo rộng rãi để người dân biết những địa điểm nào bán thực phẩm đảm bảo chất lượng, địa điểm nào bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng để mua và không mua, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân và người thân.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều