Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội và thách thức cho hàng nội

03:10, 22/10/2020

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, hoạt động KT-XH dần đi vào ổn định. Trong giai đoạn "bình thường mới", thị trường nội địa sẽ tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp...

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào ổn định. Trong giai đoạn “bình thường mới”, thị trường nội địa sẽ tạo ra nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp (DN) Việt vượt qua những khó khăn của đại dịch.

Đồ họa thể hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh trong quý III-2020 và doanh thu bán lẻ hàng hóa của tỉnh tính chung trong 9 tháng của năm 2020. (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh trong quý III-2020 và doanh thu bán lẻ hàng hóa của tỉnh tính chung trong 9 tháng của năm 2020. (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Để nắm bắt được cơ hội đó, các DN trong nước nói chung và DN địa phương nói riêng cần chú trọng nâng cao trách nhiệm xã hội, đẩy mạnh liên kết, đổi mới công nghệ để có sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh, dịch vụ hậu mãi tốt hơn…, góp phần tạo thêm nhiều thiện cảm, niềm tin đối với người tiêu dùng.

* Cơ hội nào sau đại dịch?

Sau 2 đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhịp sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, do đó nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng lên. Trong bối cảnh xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn thì thị trường nội địa chính là động lực cho sự phát triển của nhiều DN. Đồng thời, hơn bao giờ hết, thương hiệu, hàng hóa, sản phẩm nội địa là sự lựa chọn tối ưu, ngày càng tạo được uy tín, sự an tâm cho người tiêu dùng Việt.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong quý
III-2020 đạt khoảng 35,7 ngàn tỷ đồng, tăng 1,25% so với quý trước. Trong quý III vừa qua, tình hình kinh tế trong tỉnh có nhiều khởi sắc. Nhiều nhóm hàng đạt mức doanh thu bán lẻ tăng so với quý II-2020 như: lương thực, thực phẩm, may mặc, vật phẩm văn hóa giáo dục, xăng dầu các loại… Tính chung trong 9 tháng của năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa của tỉnh đạt hơn 106,9 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số mặt hàng thiết yếu vẫn có sức mua tăng cao trên thị trường.

Theo đại diện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong tỉnh, nhiều mặt hàng thiết yếu có thể khai thác mạnh mẽ được ở thị trường nội địa trong giai đoạn này như: đồ gia dụng, may mặc, các loại thực phẩm cần thiết, tiện lợi; các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe…

Khách hàng chọn mua các sản phẩm nội địa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Khách hàng chọn mua các sản phẩm nội địa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Anh Hoàng Gia, người dân ngụ P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, không chỉ riêng anh mà mọi người đều phải thay đổi một số thói quen để thích nghi với trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn… Thời gian đầu, tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm khô… khiến thị trường bất ổn. Tuy nhiên, sau đó các DN đã chú trọng phát triển thị trường nội địa thông qua việc sản xuất những sản phẩm: khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nước rửa tay sát khuẩn, thực phẩm khô… đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không gây biến động về giá khiến người dân yên tâm.

“Giờ đây, bất kể lúc nào gia đình tôi cũng có thể mua sắm hàng hóa thuận tiện ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà không phải lo lắng dự trữ. Đồng thời, tôi rất tin dùng các sản phẩm của những thương hiệu Việt sản xuất vì những mặt hàng này đều đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, các siêu thị đều bày bán rất nhiều nông sản, đặc sản vùng miền mà trước đây phải đi đến tận địa phương đó mới có” - anh Hoàng Gia nói thêm.

Tương tự, là nhân viên văn phòng tại P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), chị Ngọc Hà cho hay, nhu cầu tiêu dùng thời trang của phụ nữ khá cao. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, uy tín của thương hiệu và sẵn sàng chi tiêu cao cho những sản phẩm yêu thích. Thời gian trước, muốn cập nhật những mẫu mã phù hợp xu hướng, chất lượng, chị phải đặt hàng ở nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ nhiều thương hiệu thời trang lớn trong nước đã có bước chuyển mình “vùng dậy” như: IVY Moda, Elise, Eva de Eva, Hnoss, Canifa… thậm chí là những local brand (thương hiệu thời trang nội địa) đánh trúng tâm lý của nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ yêu thích, dõi theo.

“Thời trang Việt đang ngày càng khẳng định mình thông qua việc chăm chút hình ảnh thương hiệu riêng, cập nhật nhiều mẫu mã mới, độc đáo, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cùng với đó là việc kiểm soát kỹ chất lượng của từng sản phẩm, từng đường kim mũi chỉ khiến những tín đồ thời trang như tôi đánh giá cao và tin dùng” - chị Ngọc Hà chia sẻ.

* Nhiều thách thức cho DN trong nước

Hậu Covid-19, có thể thấy rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng bao gồm: chất lượng và hiệu quả, sản phẩm có nguồn gốc địa phương, công nghệ số… Các yếu tố này thúc đẩy sự phát triển của các xu hướng tiêu dùng mới như: tập trung hướng tới nhóm hàng thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe, giàu chất dinh dưỡng; sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên địa phương sạch - lành, đảm bảo chất lượng…

Khách hàng chọn mua các sản phẩm nội địa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Khách hàng chọn mua các sản phẩm nội địa tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Khi đời sống xã hội ngày càng nâng cao, khoa học - công nghệ, các kênh mua sắm trực tuyến phát triển nhanh chóng thì các yêu cầu về quy trình sản xuất, thành phần nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy thương hiệu cũng phải ngày càng cải thiện, bắt kịp các xu thế của thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, thương mại điện tử ngày càng chiếm vị thế quan trọng, nhất là từ sau những tác động của dịch Covid-19. Thương mại điện tử tác động đến cách người tiêu dùng tìm kiếm, tìm hiểu thông tin, kết nối với các thương hiệu và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các DN cần phải chủ động nắm bắt cơ hội để thúc đẩy các kênh bán hàng trực tuyến một cách phù hợp, liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường…

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, các DN nhỏ và vừa ở địa phương cần thường xuyên nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã, có định hướng phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần chủ động xây dựng các kênh phân phối, phản hồi dành cho người tiêu dùng để không bị bỏ lại trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt không chỉ ở những kênh phân phối truyền thống mà còn ở những kênh phân phối hiện đại, các sàn
thương mại điện tử…

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động kết nối giao thương, tổ chức các phiên chợ, hội chợ hàng Việt, các buổi hội nghị, hội thảo chuyên đề... bị gián đoạn trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc kết nối, giao thương hàng hóa của DN, nhất là các DN địa phương. Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm nguồn gốc xuất xứ “made in Vietnam” cũng là những yếu tố tác động tới hàng hóa nội địa trong bối cảnh hội nhập như hiện nay…           

Trong thời gian qua, các hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Bà Mai Thị Hương Lan, Trưởng phòng Marketing của Co.opmart Biên Hòa cho hay, siêu thị đang triển khai dịch vụ “đi chợ trực tuyến” và được khách hàng đón nhận khá nhiều. Hình thức đặt hàng trực tuyến đã duy trì đà tăng trưởng ngay cả trong giai đoạn hậu Covid-19. Số lượng đơn hàng trực tuyến của siêu thị tăng trung bình khoảng 20% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm nay.

Hoàng Hải

 

Tin xem nhiều