Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có cơ chế "thoáng" hơn cho các bệnh viện tự chủ tài chính

04:11, 06/11/2020

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả mà các bệnh viện công lập đã đạt được trong công tác tự chủ tài chính, trong quá trình triển khai thực hiện, các bệnh viện cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả mà các bệnh viện công lập đã đạt được trong công tác tự chủ tài chính, trong quá trình triển khai thực hiện, các bệnh viện cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nặng đang điều trị tại khoa . Ảnh: An Yên
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân bị bệnh nặng đang điều trị tại khoa . Ảnh: An Yên

* Lo ngại xuất toán bảo hiểm y tế

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, do là bệnh viện hạng 1 tuyến đầu của tỉnh nên phần lớn bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại bệnh viện là những người già, người có bệnh mạn tính. Nguồn thu từ khám, chữa bệnh BHYT của bệnh viện chưa nhiều trong khi các văn bản giữa Bộ Y tế và BHXH chưa thống nhất, những quy định mà Bộ Y tế đưa ra không có lộ trình cụ thể, buộc các bệnh viện thực hiện ngay, nếu cán bộ, nhân viên y tế xảy ra sai sót trong quá trình chỉ định thuốc, kỹ thuật hoặc thực hiện vượt số lượt bệnh nhân quy định/máy sẽ bị cơ quan BHXH xuất toán.

Những năm gần đây, hầu hết các bệnh viện công lập trong tỉnh đều rơi vào tình trạng vượt dự toán BHYT. Năm 2018 và 2019, số tiền vượt dự toán mà BHYT chưa thanh toán cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khoảng 80 tỷ đồng; của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khoảng 150 tỷ đồng. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện, bởi số tiền vượt dự toán này nằm ở tiền thuốc, vật tư hóa chất nên bệnh viện phải nợ các công ty cung cấp hoặc trả rất chậm.

Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện giảm dẫn đến nguồn thu của các bệnh viện giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên các bệnh viện. Tuy nhiên, do một số lý do như bệnh viện vẫn phải kê thuốc 2-3 tháng theo quy định của Bộ Y tế cho những bệnh nhân bị bệnh mạn tính hoặc tăng chi phí điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh nặng nên một số bệnh viện vẫn vượt dự toán BHYT giao.

Bên cạnh đó, mặc dù gọi là tự chủ tài chính nhưng nhiều vấn đề, các bệnh viện vẫn phải xin phép cơ quan cấp trên có thẩm quyền rồi mới được triển khai. Như việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị sửa chữa. Ví dụ, nếu một máy chụp X-quang bị hư, bệnh viện phải chờ từ 3-6 tháng để thực hiện đấu thầu xong và sửa chữa. Thời gian chờ đợi quá lâu gây đình trệ và ảnh hưởng đến hoạt động chung của bệnh viện, khiến người bệnh phải chờ đợi lâu.

Ngoài ra, có những công việc khác dù tự chủ tài chính nhưng bệnh viện vẫn phải thực hiện theo đúng quy trình thủ tục theo quy định của Nhà nước nên làm chậm hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện.

* Cần có chính sách “mở”

“Chúng tôi đề xuất các cấp lãnh đạo khi đã phê duyệt cho các bệnh viện công lập tự chủ về tài chính cũng nên có cơ chế thoáng hơn để bệnh viện được chủ động nâng cao chất lượng khám, điều trị, nâng cao thu nhập, giữ chân được bác sĩ giỏi. Bởi hiện tại vẫn còn nhiều quy định ràng buộc các bệnh viện, khiến các bệnh viện dù mang tiếng là tự chủ tài chính nhưng không được toàn quyền quyết định một số vấn đề lớn. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được nhà nước đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị hiện đại như: máy lọc thận nhân tạo, máy điều trị phục hồi chức năng, CT, MRI… để bệnh viện nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân”- BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đề xuất.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thì kiến nghị chính sách về BHYT cần có những điểm thay đổi để phù hợp hơn với các bệnh viện công lập thực hiện tự chủ tài chính. Qua đó giúp các bệnh viện đảm bảo được trách nhiệm của mình, lãnh đạo bệnh viện thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, máy móc.

“Giải pháp đột phá trong thời gian tới của bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là đưa vào hoạt động khu khám chữa bệnh theo yêu cầu vào năm 2021. Đồng thời, triển khai một số dịch vụ mới, các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu ở các khoa; đào tạo cán bộ liên tục để có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tính toán đột phá ở những mảng như: sinh học phân tử; triển khai mổ tim hở cho trẻ em, ghép tạng, thay thận…” - BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ.

An Yên

Tin xem nhiều