Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm nhiều nhân tố mới

04:11, 14/11/2020

Nhiều thương hiệu doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã và đang không ngừng lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh và đón nhận của người tiêu dùng trong những năm qua.

Nhiều thương hiệu doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đã và đang không ngừng lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh và đón nhận của người tiêu dùng trong những năm qua.

Hoạt động sản xuất sản phẩm cao su tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế
Hoạt động sản xuất sản phẩm cao su tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

Tuy nhiên, trên thực tế, những DN trong số đó vẫn là “gương mặt thân quen”, rất cần thêm những thương hiệu trẻ phát triển trong thời gian tới. Muốn vậy, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, đầu tư công nghệ, phát triển năng lực sản xuất để phấn đấu đáp ứng các tiêu chí liên quan, cũng như cần có thêm sự trợ lực từ phía các sở, ngành, địa phương…

* Đáp ứng các tiêu chí khắt khe

Xác định việc xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) là nhiệm vụ rất quan trọng, tháng 10-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, đồng thời ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình THQG tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng hơn liên quan đến cơ chế hỗ trợ các DN có sản phẩm đạt THQG.

Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 33/2019/TT-BCT quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam. Theo đó, có 3 tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí 1: chất lượng; tiêu chí 2: đổi mới sáng tạo; tiêu chí 3: năng lực tiên phong.

Việc xét chọn sản phẩm đạt THQG được thực hiện theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 1.000 điểm. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt THQG là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định đạt từ 60% trở lên.

Theo Bộ Công thương, Chương trình xây dựng THQG sẽ có nhiều hỗ trợ, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính. Trước hết là nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng DN đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, trong đó có hoạt động tuyên truyền quảng bá, đào tạo, tập huấn. Bên cạnh đó, hỗ trợ trực tiếp để các DN đáp ứng được tiêu chí của chương trình và trở thành các DN có sản phẩm đạt THQG. Các DN có sản phẩm đạt THQG sẽ được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, đối với danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), từ năm 2017, bên cạnh việc tổ chức bình chọn danh hiệu HVNCLC hằng năm, Hội DN HVNCLC đã ban hành bộ tiêu chí HVNCLC - chuẩn hội nhập. Các tiêu chí được xây dựng theo chuẩn bắt buộc của các thị trường lớn trên thế giới. Theo Hội DN HVNCLC, bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên sự kế thừa các quy định, thực hành hiện có tại Việt Nam, được diễn giải và đảm bảo giám sát quá trình áp dụng tuân thủ các quy định về công nhận, chứng nhận quốc tế có liên quan nhằm hỗ trợ các DN phát triển, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Đẩy mạnh hỗ trợ DN

Tại Đồng Nai, trong những năm qua, các giải pháp để hỗ trợ DN nâng cao chất lượng cạnh tranh, sức mạnh DN nói chung và xây dựng thương hiệu nói riêng từng bước được đẩy mạnh. Hiện nay, Sở Công thương và Sở KH-CN là 2 đơn vị đảm nhận chính các nhiệm vụ hỗ trợ DN trong việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động.

Đối với Sở KH-CN có chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2020, sẽ có 218 đơn vị, DN được hỗ trợ với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh việc đào tạo thì nội dung hỗ trợ tập trung vào xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, hỗ trợ DN tham gia giải thưởng chất lượng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ...

Với ngành Công thương là hỗ trợ kinh phí cho công tác khuyến công. Mỗi năm Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp Đồng Nai (Sở Công thương) hỗ trợ được khoảng 6 DN trong đổi mới công nghệ. Song nguồn vốn trợ giúp DN cũng không nhiều, chỉ 100-200 triệu đồng. Với các DN nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư máy móc có khi lên đến hàng tỷ đồng nhưng năng lực tài chính yếu khiến họ ngại ngần thay đổi.

Mặc dù các chương trình hỗ trợ của Nhà nước có tác động tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là hỗ trợ lập dự án đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm hướng tới quy trình sản xuất sạch. Các DN trong nước chưa chú trọng đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ còn nhiều. Kinh phí hằng năm của các chương trình hạn chế nên sự lan tỏa chưa cao. Điều này đòi hỏi hơn lúc nào hết, muốn khẳng định, phát triển thương hiệu của mình, các DN phải nỗ lực tự chủ.

Theo ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp Đồng Nai, để các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao, đơn vị chọn lọc ra những DN, đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn. Trong đó, ưu tiên thực hiện trong các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ…

Văn Gia - Lam Phương

Tin xem nhiều