Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tính chủ động, sáng tạo cho các bệnh viện

04:11, 06/11/2020

Từ tháng 7-2017, UBND tỉnh, Sở Y tế giao cho 3 bệnh viện: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất và Đa khoa khu vực Long Khánh thực hiện tự chủ chi thường xuyên về tài chính...

Từ tháng 7-2017, UBND tỉnh, Sở Y tế giao cho 3 bệnh viện công lập trong tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thực hiện tự chủ chi thường xuyên về tài chính.

Một ca phẫu thuật điều trị ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh:H. Dung
Một ca phẫu thuật điều trị ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh:H. Dung

Sau 3 năm triển khai tự chủ tài chính đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, sáng tạo, đổi mới của các bệnh viện. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế và người bệnh là đối tượng được hưởng lợi.

* Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, trước khi thực hiện tự chủ chi thường xuyên về tài chính, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện số tiền khoảng 60-70 tỷ đồng. Từ khi triển khai tự chủ tài chính, bệnh viện tự làm, tự trang trải. Nếu nguồn thu nhiều sẽ có tiền để chi trả lương hằng tháng, lương tăng thêm, phụ cấp… cho cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên nhiều và ngược lại.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, cơ chế tự chủ tài chính đã có những tác động tích cực đến các bệnh viện công lập, đòi hỏi các bệnh viện phải năng động, sáng tạo, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, thu hút cán bộ y tế, chuyên gia, y, bác sĩ có tay nghề cao. Qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Nguồn thu của bệnh viện bao gồm: viện phí mà bệnh viện thu được của bệnh nhân (khoảng 80-90% là viện phí bảo hiểm y tế (BHYT), còn lại là viện phí của người dân chưa tham gia BHYT và những kỹ thuật, dịch vụ mà BHYT chưa chi trả).

Trong khi đó, trước năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên. Về lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức, bệnh viện vẫn được ngân sách nhà nước cấp 32 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ khi thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, bệnh viện phải lo tất cả các khoản từ lương theo ngân sách, lương thêm, hỗ trợ trực, phụ cấp thủ thuật, phẫu thuật, phụ cấp chức vụ, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, hiện vật ưu đãi nghề… cho hơn 1,4 ngàn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, sau 3 năm thực hiện tự chủ tài chính, ngoài việc được Nhà nước đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, bệnh viện đã được quyền tự tuyển dụng nhân sự, sắp xếp tổ chức bộ máy của bệnh viện, tự chủ tài chính như xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để chi khen thưởng, tổ chức các hoạt động của bệnh viện. Dĩ nhiên những hoạt động này sau khi bệnh viện xây dựng xong phải trình qua cấp có thẩm quyền để được phê duyệt, sau đó mới được thực hiện.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh từ khi thực hiện tự chủ tài chính, ngân sách nhà nước không còn phải cấp cho bệnh viện khoảng 17 tỷ đồng mỗi năm. Toàn bộ nguồn thu của bệnh viện sau khi trừ các khoản nộp cho Nhà nước, khấu hao tài sản, đóng thuế đất, thuế doanh nghiệp, các loại quỹ, còn lại bao nhiêu sẽ được dành để trả lương cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên theo quy định của Nhà nước. Số tiền còn dư lại sau khi trả lương được chia đều cho toàn thể gần 800 cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện.

* Xây dựng “chỉ số hấp dẫn” cho bệnh viện

Thực tế thời gian qua cho thấy, cả 3 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính đã có nhiều cách làm sáng tạo để xây dựng thương hiệu bệnh viện, thu hút bệnh nhân đến khám và chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, những kỹ thuật cao đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao, trang thiết bị máy móc hiện đại đã được triển khai và trở thành thường quy như: can thiệp tim mạch (tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống khoảng 99%, tỷ lệ chuyển viện chỉ 0,54%); điện sinh lý điều trị rối loạn nhịp tim (là kỹ thuật cực khó mà không phải bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng thực hiện được, hiện mới có khoảng 10 bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thực hiện được kỹ thuật này); phẫu thuật tim hở (phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã thực hiện được gần 50 ca mổ tim hở); mổ thay khớp háng, thay khớp gối đã trở thành thường quy; mổ cột sống, sọ não; điều trị sỏi thận, tái tạo bàng quang, thay đoạn động mạch, phát triển chuyên sâu về hồi sức, gây mê…

Để thực hiện tự chủ tài chính, lãnh đạo các bệnh viện đã triển khai chính sách pháp luật đến toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên toàn bệnh viện. Bệnh viện sẽ không còn nguồn thu từ “bầu sữa” ngân sách nữa mà sẽ "tự bơi” theo đúng nghĩa. Từ đó, mỗi cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên… phải hiểu rõ trách nhiệm của mình để thực hiện đúng nhiệm vụ, tránh lạm dụng chỉ định xét nghiệm, cho thuốc… dẫn đến bị BHYT xuất toán. Đồng thời, các bệnh viện cũng triển khai thêm nhiều dịch vụ y tế, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, xây mới, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, máy móc, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, để đảm bảo nguồn thu nhập chính đáng, bệnh viện đã mở Khoa Khám bệnh theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, phong cách giao tiếp giữa nhân viên y tế với bệnh viện. Công tác vệ sinh bệnh viện cũng được chú trọng để đồng bộ với các vấn đề khác.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, để giữ chân bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện đã tăng cường các dịch vụ y tế, tăng thu, giảm chi, rà soát chặt chẽ để tiết kiệm tối đa các khoản tiền điện, tiền nước, mua sắm vật tư tiêu hao, tiêu dùng. Từ đó mới có tiền dôi dư để chi lương tăng thêm hoặc phụ cấp cho các bác sĩ.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thường xuyên rà soát quy trình khám, chữa bệnh để điều chỉnh cho phù hợp, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh như: điều chỉnh quy trình lãnh thuốc, quy trình thanh toán, triển khai thẻ khám bệnh 2 trong 1 để rút ngắn thời gian đăng ký khám bệnh, thanh toán viện phí; điều chỉnh giờ khám bệnh sớm hơn ở một số phòng khám có đông bệnh nhân như: tiêu hóa, tim mạch, nội tiết, xét nghiệm... Thay vì 7 giờ làm việc thì bệnh viện điều chỉnh lên 6 giờ hoặc 6 giờ 30 tùy lượng bệnh của từng phòng, tránh tình trạng ùn ứ bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thường xuyên cập nhật kiến thức cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế; cử đi đào tạo, mời bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Do đó, nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật nâng cao như đặt stent mạch vành đã được bệnh viện thực hiện khá nhiều với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Chất lượng điều trị tại bệnh viện còn được khẳng định qua việc đạt tiêu chuẩn bạch kim trong điều trị đột quỵ; triển khai các kỹ thuật cao như: phẫu thuật bắc cầu động mạch vành trong điều trị bệnh tim; nội soi mật tụy ngược dòng điều trị các bệnh liên quan đến gan, mật, không cần mổ hở; phẫu thuật bướu giáp theo đường nội soi; phẫu thuật tim hở; hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể...

Còn Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, 3 năm qua đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác khám, chữa bệnh, nâng cao thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên bộc bạch, hiện có rất nhiều bệnh viện cả công lập và tư nhân, ở Đồng Nai hay ở TP.HCM để người dân lựa chọn là nơi khám, chữa bệnh. Do đó, để người dân an tâm, tin tưởng, bệnh viện luôn xem bệnh nhân là những khách hàng đặc biệt để phục vụ tận tình, chu đáo. Điều này không chỉ vì mục đích tạo nguồn thu cho bệnh viện, mà còn để giúp người dân địa phương có được cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, không phải đi xa đến các bệnh viện tuyến trên, giảm tốn kém chi phí, công sức, thời gian.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh

Theo đó, từ tháng 4-2018, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã mở 4 phòng khám chuyên gia về mạch máu, tim mạch, cột sống - cơ xương khớp, nội tiêu hóa, viêm gan - ký sinh trùng với sự góp mặt của các bác sĩ đầu ngành tại  TP.HCM. Các phòng khám này vẫn khám BHYT cho người bệnh, chỉ thu thêm một khoản tiền công khám rất nhỏ. Do đó, đã thu hút được đông đảo bệnh nhân đến khám và điều trị.

Ngoài 4 chuyên gia ở phòng khám chuyên gia, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh còn thường xuyên hợp tác, mời các chuyên gia cả trong và ngoài nước đến bệnh viện để “cầm tay chỉ việc”, chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sĩ trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại bệnh viện. Bệnh viện cũng đã khởi công khu khám bệnh, điều trị theo yêu cầu vào năm 2019 bằng nguồn xã hội hóa; triển khai nhiều dịch vụ thiết thực đối với người bệnh như: khám bệnh tại nhà, giao thuốc tận nhà, xét nghiệm tại nhà; mở phòng sanh gia đình, gội đầu cho bệnh nhân…

Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh của các chuyên khoa như: nội thần kinh, ngoại tổng quát, cấp cứu, hồi sức… cũng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện đầu tiên trong toàn tỉnh và là bệnh viện thứ 4 trong cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử, "khai tử" bệnh án giấy, giúp đem lại nhiều thuận lợi trong công tác quản lý, giảm công việc cho bác sĩ, điều dưỡng, tăng thời gian chăm sóc, trò chuyện với bệnh nhân và nhiều lợi ích khác.

“Có những dịch vụ chỉ đem lại nguồn thu rất nhỏ, thậm chí không có lợi nhuận nhưng chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện. Bởi đơn giản, những điều đó đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh. Và để triển khai được những dịch vụ đó, toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực” - BS Huyên chia sẻ.

* Kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Là người thường xuyên đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bà Nguyễn Thị Hoa (67 tuổi, ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, so với trước đây, các thủ tục hành chính tại bệnh viện đã đơn giản hơn rất nhiều. Các bệnh nhân lớn tuổi không còn phải lọ mọ dậy từ 3, 4 giờ sáng để đến bệnh viện xếp hàng, bốc số thứ tự như trước. Từ khi mở thẻ khám bệnh 2 trong 1, việc đăng ký khám bệnh với người già nói riêng và các bệnh nhân khác nói chung rất dễ dàng.

Bệnh nhân khám mắt tại khu khám bệnh mới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân khám mắt tại khu khám bệnh mới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh:H. Dung

Điều dưỡng Bùi Thị Thanh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thì cho hay, từ khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, bản thân chị cũng như các điều dưỡng khác ý thức hơn về trách nhiệm trong công việc, chú ý hơn đến lời ăn, tiếng nói, thái độ giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nhờ việc chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ, công việc mà 3 năm qua, nguồn thu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất dao động từ 60-70 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân của một bác sĩ có kinh nghiệm từ 5-7 năm khoảng 12-15 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho từ 2-2,3 ngàn lượt bệnh nhân ngoại trú và điều trị cho 800-900 bệnh nhân nội trú. Số lượng bệnh nhân chuyển viện, chuyển tuyến giảm rất nhiều. Hiện tại, lĩnh vực chuyển tuyến nhiều nhất của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là ung thư do bệnh viện chưa thành lập được chuyên khoa ung bướu.

Trong khi đó, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận, khám chữa bệnh cho từ 1,3-1,6 ngàn lượt bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân phải chuyển viện giảm nhiều so với trước. Thu nhập của bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh ở mức khoảng 14,6 triệu đồng/người/tháng, điều dưỡng, nhân viên khoảng 7-8 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 20% so với trước khi tự chủ tài chính.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, mỗi ngày điều trị nội trú cho khoảng 1 ngàn người (lượng bệnh mới nhập viện mỗi ngày khoảng 100 người) và từ 2,8-3,1 ngàn lượt bệnh nhân ngoại trú. Năm 2019, nguồn thu của bệnh viện đạt khoảng 1 ngàn tỷ đồng, tăng hơn so với năm 2018. Mức thu nhập của một bác sĩ có kinh nghiệm 5 năm khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhỉnh hơn một chút so với trước đây.

“So với mức thu nhập của các bác sĩ ở bệnh viện ngoài công lập, mức thu nhập của các bác sĩ ở bệnh viện công lập không bằng. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cố gắng triển khai thêm nhiều dịch vụ để có thêm nguồn thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên… vì một mục đích chung là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đem đến lợi ích cho người dân” - BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhấn mạnh.

Hạnh Dung


 

Tin xem nhiều